Tháo gỡ vướng mắc trong mô hình chính quyền đô thị

TP Hồ Chí Minh đã có đánh giá bước đầu sau một năm chính thức thực hiện tổ chức mô hình chính quyền đô thị cũng như các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố. Ngoài việc ghi nhận những thành công bước đầu thì việc thực hiện cũng gặp không ít hạn chế, lúng túng cần giải quyết thời gian tới…
0:00 / 0:00
0:00
Trung tâm điều hành giao thông thông minh TP Hồ Chí Minh. Nguồn: VNANET.VN
Trung tâm điều hành giao thông thông minh TP Hồ Chí Minh. Nguồn: VNANET.VN

Khó khăn về sắp xếp nhân sự

Từ ngày 1/7/2021, TP Hồ Chí Minh chính thức vận hành theo mô hình chính quyền đô thị: TP Hồ Chí Minh, thành phố thuộc TP Hồ Chí Minh và các đơn vị huyện, xã, thị trấn là cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND; ở đơn vị quận và phường chỉ tổ chức UBND, không tổ chức HĐND.

Qua một năm thực hiện tổ chức mô hình chính quyền đô thị, TP Hồ Chí Minh đã có những thành công bước đầu, đặc biệt là công tác phân cấp, ủy quyền. Cụ thể, UBND TP Hồ Chí Minh đã ủy quyền cho các sở, ngành, thủ trưởng các sở, ngành; UBND quận, huyện, chủ tịch UBND quận, huyện thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn của UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố. Cách làm này giúp giảm khâu trung gian do không phải trình qua UBND thành phố, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan cho biết, để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương, một số dự án đầu tư công nhóm B, nhóm C thuộc thẩm quyền phê duyệt của Chủ tịch UBND thành phố đã được ủy quyền cho UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện.

Trong công tác cải cách hành chính, thành phố cũng đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; cắt giảm nhiều thủ tục hành chính trong đầu tư, kinh doanh; liên thông trong giải quyết hồ sơ giữa các sở, ngành. Để giải quyết nhanh công việc của người dân, chủ tịch UBND các phường đã ủy quyền cho công chức giữ chức danh tư pháp - hộ tịch ký chứng thực và đóng dấu của UBND phường đối với việc chứng thực văn bản.

Giám đốc Sở Nội vụ TP Hồ Chí Minh Huỳnh Thanh Nhân cho biết, bộ máy, cơ cấu tổ chức của quận, phường được tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Cơ quan hành chính ở quận, phường tích cực, chủ động điều hành, quyết định nhanh chóng những vấn đề cấp bách tại địa phương. Chính quyền đô thị thành phố thường xuyên lắng nghe, nắm bắt, giải quyết kịp thời tâm tư, nguyện vọng của nhân dân... Để có sự đột phá trong xây dựng chính quyền đô thị thời gian tới, thành phố đề xuất thêm cơ chế, phân cấp thêm một số lĩnh vực, phù hợp với thực tiễn phát triển.

Tuy vậy, UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, gặp khó về số lượng biên chế cán bộ, công chức phường. Theo quy định thì tổng số cán bộ, công chức mỗi phường nhiều nhất không quá 23 người đối với đơn vị hành chính loại 1. Thế nhưng, trên thực tế triển khai chính quyền đô thị, khi bố trí số lượng cán bộ, công chức tại 249 phường là bình quân 21 người/phường, giảm hai cán bộ do không còn chức danh Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch HĐND chuyên trách, nhưng lại không thể sử dụng để bố trí chức danh công chức, tăng hiệu quả giải quyết công việc và đáp ứng công tác quản lý nhà nước hiện nay.

Tương tự, tại TP Thủ Đức, Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức Hoàng Tùng cho biết, theo Đề án số 591 của Chính phủ, số lượng biên chế hành chính là 459 người vào cuối năm 2022, số lượng cấp phó không quá ba người tại các cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp. Số lượng cấp phó và biên chế theo quy định khó đáp ứng nhu cầu về nhân sự của địa phương, đặc biệt khi thành phố Thủ Đức được sáp nhập từ ba quận lớn (2, 9 và Thủ Đức) của TP Hồ Chí Minh.

Tháo gỡ vướng mắc trong mô hình chính quyền đô thị ảnh 1

Từ ngày 1/7/2021, TP Hồ Chí Minh đã chính thức vận hành theo mô hình chính quyền đô thị.

Nhiều vướng mắc cần tháo gỡ

Theo Sở Nội vụ TP Hồ Chí Minh, qua một năm thực hiện tổ chức mô hình chính quyền đô thị, thành phố cũng gặp không ít khó khăn, vướng mắc, như: Công tác huy động nguồn lực thực hiện dự án phát triển kinh tế-xã hội chậm hoặc ách tắc do một số cơ chế, chính sách về tài chính, ngân sách còn vướng mắc; tiềm năng, lợi thế của thành phố chưa được khai thác ở mức cao nhất để phát triển nhanh, bền vững.

TP Thủ Đức dù được thành lập từ ngày 1/1/2021 nhưng đến nay chưa tạo được sự phát triển đột phá như kỳ vọng, trong đó có nguyên nhân đến từ việc chưa có cơ chế, chính sách đặc thù xứng tầm với vai trò, vị trí. Ngoài vấn đề của TP Thủ Đức, nhiều huyện đang cần thay đổi về “chất” (chuyển tổ chức chính quyền từ huyện sang quận hoặc thành phố) do quy mô, cơ chế của chính quyền hiện tại khó đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới...

Giám đốc Sở Nội vụ TP Hồ Chí Minh Huỳnh Thanh Nhân cho biết, thành phố đang hoàn chỉnh đề án đầu tư xây dựng các huyện thành quận hoặc thành phố thuộc TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2030 để trình các cấp có thẩm quyền; tiếp tục nâng cao năng lực, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới. Thành phố cũng đang nghiên cứu, đề xuất bổ sung phân cấp quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực cho UBND TP Hồ Chí Minh; thêm cơ chế, chính sách đặc thù đối với TP Thủ Đức và một số quận, huyện có quy mô dân số đông vào nội dung kiến nghị thay thế Nghị quyết số 16-NQ/T.Ư của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP Hồ Chí Minh đến năm 2020 và Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh.

Về vấn đề này, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi nhấn mạnh, song song với việc đề xuất, kiến nghị Trung ương ban hành những chính sách đặc thù phù hợp hơn với yêu cầu thực tiễn phát triển trong giai đoạn mới, thành phố sẽ tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra công vụ, xử lý nghiêm những cán bộ, công chức, viên chức có hành vi cửa quyền, tham nhũng, lãng phí; đẩy mạnh dân chủ, công khai, minh bạch trong hoạt động quản lý điều hành các cấp.

Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi khẳng định, việc sơ kết một năm thực hiện chính quyền đô thị là rất quan trọng. “Đây là nội dung rất quan trọng, vì sau một năm chúng ta thực hiện mô hình chính quyền đô thị có nhiều vướng mắc, cần nhận diện, tháo gỡ để hoạt động của hệ thống chính quyền được thông suốt”, ông Phan Văn Mãi nêu rõ.

Cũng tại buổi làm việc với UBND TP Hồ Chí Minh vào cuối tháng 6, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà biểu dương thành phố đã rất nỗ lực triển khai một cách trách nhiệm, nghiêm túc, hết sức cụ thể để thực hiện mô hình chính quyền đô thị từ ngày 1/7/2021. Mô hình “đô thị trong đô thị” của Thủ Đức từ 1/1/2021 vận hành đến thời điểm này cơ bản là thông suốt. Tuy nhiên, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cũng nêu một số vấn đề mà thành phố cần lưu ý. Trong đó, công tác quản lý về biên chế của thành phố cũng chưa thật sự chặt chẽ, một mặt nào đó có sự buông lỏng, dẫn đến có một số biên chế không đúng thẩm quyền, không đúng cơ quan thẩm quyền giao, nên có việc chênh số lượng công chức (do Thủ tướng Chính phủ giao) và viên chức (do Bộ Nội vụ thẩm định).

Từ đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đề nghị thành phố có báo cáo giải trình thật kỹ để gửi Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế của Bộ Chính trị, gửi Ban Tổ chức Trung ương và Bộ Nội vụ để báo cáo một cách thật cụ thể để giải trình về số biên chế công chức dôi dư so với quyết định của Thủ tướng Chính phủ tính đến thời điểm năm 2021 và so số viên chức mà Bộ Nội vụ thẩm định tính đến năm 2021.

Đồng thời, đề nghị TP Hồ Chí Minh bằng mọi cách phải tháo gỡ những khó khăn liên quan đến việc vận hành chính quyền đô thị. Theo đó, thành phố phải có báo cáo đánh giá sơ kết một năm những kết quả đạt được, những khó khăn, vướng mắc kèm theo tờ trình báo cáo Chính phủ và báo cáo bộ, ngành có liên quan, trước hết là Bộ Nội vụ những vấn đề đề xuất để cùng nhau giải quyết. Trong đó, vấn đề vướng mắc nhất là phân cấp và phân quyền, liên quan đến vấn đề tài chính, đầu tư, quản lý đất đai và tài nguyên môi trường, tổ chức bộ máy.