1/Thời gian qua, nhiều cơ sở kinh doanh karaoke ở khắp các quận, huyện trên địa bàn TP Hà Nội bắt buộc đóng cửa, trả mặt bằng dù đã đầu tư hàng tỷ, chục tỷ đồng để cải tạo, sửa chữa nhưng vẫn chưa được nghiệm thu về công tác PCCC-CNCH. Chủ một nhà hàng kinh doanh dịch vụ karaoke cho biết, sau khi cơ quan chức năng kiểm tra và yêu cầu khắc phục những vấn đề liên quan PCCC-CNCH, chúng tôi đã đầu tư sửa chữa, cải tạo hệ thống thông gió, bố trí lối thoát hiểm, đóng kín buồng thang, tháo dỡ đồ trang trí bằng vật liệu dễ cháy… nhưng cũng chưa được nghiệm thu để hoạt động trở lại.
Từ năm 2017 đến nay, các hộ kinh doanh karaoke vẫn hoạt động và có các đoàn kiểm tra định kỳ kết luận bảo đảm yêu cầu PCCC theo quy định. Song, từ ngày 8/10/2022, sau đợt tổng kiểm tra theo chỉ đạo của Bộ Công an, nhiều cơ sở bị tạm dừng hoạt động. Hiện tại những chi phí từ mặt bằng, lương nhân viên, phí bảo trì thiết bị đến trả lãi ngân hàng đang khiến không ít DN đối mặt nguy cơ phá sản.
Chị Hiền, quản lý một nhà hàng karaoke trên địa bàn quận Hoàng Mai cho biết, dù rất nỗ lực đáp ứng yêu cầu PCCC, nhưng quy định pháp luật liên tục thay đổi, có nhiều điều khoản khó thực hiện. Thậm chí, cơ sở khắc phục xong theo yêu cầu của cơ quan chức năng nhưng vẫn chưa được nghiệm thu, cấp phép. “Đến nay chúng tôi vẫn không biết cách khắc phục như thế nào để được hoạt động trở lại. Trong khi các cơ quan cấp quận, thành phố đều trả lời rằng, đang chờ chỉ đạo từ cấp trên, nhưng chúng tôi không thể chờ được thêm nữa. Nếu tiếp tục đóng cửa thì tôi chỉ cầm cự được một thời gian nữa là phá sản, không riêng cơ sở của tôi mà hàng trăm DN khác cũng sẽ chịu chung số phận nếu như không được mở cửa trở lại”, chị nói.
2/Mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo UBND các quận, huyện, thị xã khẩn trương chỉ đạo việc niêm yết, công khai thủ tục hành chính “Cấp Giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke”, “Cấp Giấy phép điều chỉnh Giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke”. Chỉ đạo này nhằm thực hiện các thủ tục hành chính liên quan Cấp giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke trên địa bàn TP Hà Nội theo Nghị định 54/2019/NĐ-CP ngày 19/6/2019 của Chính phủ về kinh doanh dịch vụ karaoke, bar, vũ trường.
Theo đó, để kinh doanh dịch vụ karaoke, bar, vũ trường, chủ cơ sở phải là DN hoặc hộ kinh doanh; Bảo đảm các điều kiện về phòng, chống cháy nổ và an ninh, trật tự theo quy định tại Nghị định 96/2016/NĐ-CP; Không được đặt chốt cửa bên trong phòng hát hoặc đặt thiết bị báo động (trừ các thiết bị báo cháy nổ). Đối với kinh doanh karaoke: Phòng hát phải có diện tích sử dụng từ 20m2 trở lên, không kể công trình phụ. Đối với kinh doanh vũ trường: Phòng vũ trường phải có diện tích sử dụng từ 80m2 trở lên, không kể công trình phụ…
Trước đó, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn đã giao Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội chủ trì, phối hợp UBND các quận, huyện, thị xã kiểm tra, rà soát, đánh giá các điều kiện kinh doanh karaoke đối với các cơ sở đã được cấp Giấy đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke trên địa bàn, tổng hợp báo cáo UBND thành phố Hà Nội trước ngày 15/4/2023.
Chia sẻ những khó khăn của các cơ sở karaoke và nhằm giải quyết nhu cầu giải trí của người dân, Công an TP Hà Nội đã tổng hợp các ý kiến, đề xuất các đơn vị liên quan, cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn các cơ sở kinh doanh karaoke, bar, vũ trường thực hiện việc cải tạo, sửa chữa phù hợp quy định của pháp luật hiện nay. Đại tá Dương Đức Hải, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, các quy định, quy chuẩn về PCCC liên tục được cập nhật, bổ sung ngày càng chặt chẽ để bảo đảm tuyệt đối an toàn về PCCC. Trước mắt đã chỉ đạo các đơn vị tiếp nhận phản ánh của các doanh nghiệp, rà soát, đánh giá thực trạng, đề xuất cấp có thẩm quyền về những giải pháp cụ thể để các DN có thể tháo gỡ, khắc phục được những vi phạm tồn tại về PCCC, đồng thời hướng dẫn các DN thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục để được đưa công trình vào hoạt động trở lại trong thời gian sớm nhất.
Ngày 5/4, Thủ tướng Chính phủ đã ký Công điện 220/CĐ-TTg về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác PCCC, theo đó yêu cầu các bộ, ngành cùng vào cuộc để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác PCCC. Bộ Công an phối hợp Bộ Xây dựng và các đơn vị liên quan rà soát chính sách, pháp luật về PCCC để kịp thời sửa đổi, bổ sung ngay, đồng thời cắt giảm mạnh thủ tục hành chính trong lĩnh vực PCCC. Thủ tướng yêu cầu phân loại cụ thể theo nhóm các công trình, cơ sở có khó khăn, vướng mắc trong việc khắc phục sau kiểm tra, rà soát, từ đó chủ động, kịp thời giải đáp và hướng dẫn đầy đủ để khắc phục tổng thể các vi phạm, thiếu sót về PCCC. Báo cáo kết quả thực hiện với Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/4.