Tâm tư “ai đi, ai ở?”
HĐND thành phố Hà Nội vừa thông qua chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025. Sau sắp xếp, số đơn vị hành chính cấp xã ở Hà Nội giảm từ 579 xuống còn 518 đơn vị (giảm 61 xã). UBND thành phố Hà Nội cho biết, trong 100 đơn vị hành chính cấp xã (thuộc 20 quận, huyện, thị xã), số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách được giao định mức là 4.032 người (hiện có 3.383 người). Sau sắp xếp, số cán bộ, công chức, người hoạt động chuyên trách dôi dư là 1.031 người (520 cán bộ, 365 công chức và 169 người hoạt động không chuyên trách).
Huyện Ứng Hòa có số xã thuộc diện phải sắp xếp nhiều nhất TP Hà Nội giai đoạn 2023-2025. Cụ thể, huyện này có 14 xã phải sắp xếp thành 5 đơn vị hành chính mới. Bà Bùi Thu Hiền, Bí thư Huyện ủy Ứng Hòa cho biết, sau sắp xếp, huyện có hơn 140 cán bộ, công chức dôi dư. Từ tháng 7/2023, huyện Ứng Hòa đã dừng kiện toàn chức danh Bí thư, Chủ tịch UBND xã tại một số xã để chờ kiện toàn. Lãnh đạo huyện Ứng Hòa chia sẻ thực tế, tại các xã thuộc diện sắp xếp, cán bộ, công chức cũng có tâm tư vì không biết ai đi, ai ở.
Còn tại phường Cầu Dền (quận Hai Bà Trưng), cán bộ, công chức đã được tuyên truyền sẽ không có xáo trộn trong công việc, ai ở vị trí nào vẫn tiếp tục vị trí đó, quan trọng là phục vụ tốt cho người dân. Phường cũng đã quán triệt trong cơ quan về việc toàn bộ cán bộ, công chức sẽ được quận Hai Bà Trưng tính toán phương án sắp xếp vị trí việc làm hợp lý, tránh tâm tư lo lắng.
Theo UBND thành phố Hà Nội, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã sẽ tác động đến tâm tư, tình cảm của cán bộ, công chức đang làm việc. Hơn nữa, bộ máy cơ quan nhà nước tại đơn vị hành chính mới sẽ mất một thời gian để ổn định tổ chức và đáp ứng hiệu quả công việc. Ngoài ra, trong giai đoạn đầu, người dân, doanh nghiệp cũng sẽ gặp một số khó khăn khi phải chuyển đổi giấy tờ. Cán bộ cấp xã cũng sẽ vất vả hơn trong thực hiện thủ tục hành chính cho công dân.
UBND thành phố Hà Nội đưa ra phương án sắp xếp, bố trí cán bộ dôi dư theo lộ trình 5 năm. Theo đó, thực hiện điều động sang xã, phường còn chỉ tiêu là 423 người và chuyển sang công chức 72 người. Trường hợp dôi dư không bố trí sắp xếp được thì động viên nghỉ hưu trước tuổi hoặc thôi việc (122 người).
Đối với cán bộ, công chức cấp xã không đủ điều kiện về trình độ chuyên môn sẽ bố trí sang chức danh hoạt động không chuyên trách cấp xã, tổ dân phố (117 người). Ngoài ra, sẽ giải quyết tinh giản biên chế hoặc cho thôi việc theo nguyện vọng là 184 người.
Theo ông Đinh Trường Thọ, Bí thư Quận ủy Đống Đa, sau sắp xếp, thành phố và các địa phương cần quan tâm đến công tác cán bộ. Ngoài ra, thành phố sớm có hướng dẫn, quy định cụ thể để có cơ chế thông thoáng, thuận lợi nhất hỗ trợ người dân cũng như đội ngũ cán bộ dôi dư.
Ông Hoàng Anh Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh cho biết, việc bố trí cán bộ, công chức, người lao động sau sắp xếp sẽ được thực hiện khoa học, hợp lý với phương châm bảo đảm tốt nhất về chế độ, chính sách cho cán bộ. “Về cơ bản, những người còn đủ tuổi công tác sẽ không phải đảm nhiệm chức vụ thấp hơn, một số cán bộ dôi dư được luân chuyển sang địa phương khác”, ông Hoàng Anh Tuấn nói.
Chính phủ cũng vừa có báo cáo việc triển khai thực hiện Nghị quyết về việc tiếp tục thực hiện chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Theo đó, tổng hợp từ phương án tổng thể của 53 tỉnh, thành phố có thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thì giai đoạn 2023-2025 có 49 đơn vị hành chính cấp huyện thực hiện sắp xếp, gồm: 9 đơn vị thuộc diện phải sắp xếp, 18 đơn vị khuyến khích và 22 đơn vị liền kề. Sau sắp xếp dự kiến giảm 13 đơn vị hành chính cấp huyện. Với cấp xã, tổng số đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp là 1.247, gồm: 745 đơn vị thuộc diện phải sắp xếp, 111 đơn vị khuyến khích và 391 đơn vị liền kề. Sau sắp xếp dự kiến giảm 624 đơn vị hành chính cấp xã.
Chính phủ kiến nghị gia hạn thời gian
Tính đến ngày 25/4/2024, mới có 4 địa phương là Nam Định, Tuyên Quang, Lào Cai, Cần Thơ đã gửi đến Bộ Nội vụ hồ sơ đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025. Trên cơ sở đó, Bộ Nội vụ đã tổ chức Đoàn công tác liên ngành Trung ương tiến hành khảo sát thực tế ở địa phương để có đủ căn cứ thẩm định, hoàn thiện hồ sơ đề án của Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Chính phủ cũng nêu lên một số khó khăn, vướng mắc khi sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Trong đó, số lượng đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã địa phương đề xuất không thực hiện sắp xếp do có yếu tố đặc thù là khá lớn (21/30 cấp huyện, chiếm tỷ lệ 70% và 508/1.253 cấp xã, chiếm tỷ lệ 40,54%). “Việc xác định các yếu tố đặc thù về lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, vị trí địa lý, an ninh, quốc phòng cũng rất phức tạp do phải rà soát, thu thập các tư liệu lịch sử, khoa học và cơ sở pháp lý để chứng minh”, báo cáo nêu.
Thêm nữa, sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 phải hoàn thành trước tháng 10/2024 để các địa phương kịp chuẩn bị tổ chức Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, trong đó cấp cơ sở thực hiện trong quý I/2025. Điều này là khó khăn tiếp theo, bởi sắp xếp đơn vị hành chính là nội dung quan trọng, phức tạp, mức độ tác động, ảnh hưởng lớn, quy trình thực hiện được tiến hành chặt chẽ.
Chính phủ cũng nêu khó khăn trong sắp xếp tổ chức bộ máy, giải quyết chế độ, chính sách cho đối tượng cán bộ, công chức, người lao động dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính. “Số lượng đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thực hiện sắp xếp nhiều lại tiến hành đồng thời với việc thực hiện chỉ đạo của Đảng và quy định của pháp luật về tinh giản biên chế dẫn đến số lượng cán bộ, công chức, người lao động dự kiến dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023-2025 là rất lớn”, theo nhận định của Chính phủ.
Trong khi, số lượng dôi dư từ giai đoạn 2019-2021 ở một số địa phương đến nay vẫn chưa giải quyết xong nên công tác sắp xếp tổ chức bộ máy của địa phương càng thêm gánh nặng. Đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã ở các địa phương phần lớn đều có tuổi đời còn trẻ và có nguyện vọng cống hiến lâu dài; biên chế cán bộ, công chức cấp xã lại bị cắt giảm theo quy định chung nên các địa phương gặp khó khăn trong việc xác định phương án sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức.
Về kinh phí thực hiện, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định: “Ngân sách T.Ư hỗ trợ một lần cho các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư nhận bổ sung cân đối ngân sách với định mức 20 tỷ đồng cho mỗi đơn vị hành chính cấp huyện giảm và 500 triệu đồng cho mỗi đơn vị hành chính cấp xã giảm để hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ bản phục vụ việc sắp xếp đơn vị hành chính”.
Quá trình triển khai thực hiện gặp khó khăn, vướng mắc do chưa thống nhất cách hiểu về nguồn kinh phí hỗ trợ là chi đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công hay chi thường xuyên theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Vì vậy việc bố trí kinh phí hỗ trợ của ngân sách T.Ư cho địa phương chưa kịp thời, đáp ứng yêu cầu của công tác sắp xếp đơn vị hành chính. Với loạt khó khăn đặt ra, Chính phủ kiến nghị cho gia hạn thời gian bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức và giải quyết chế độ, chính sách dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021 đến ngày 31/12/2025.
Chính phủ đề nghị hướng dẫn việc cấp kinh phí hỗ trợ các tỉnh, thành phố thực hiện sắp xếp theo hướng giao Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định việc bổ sung dự toán chi thường xuyên của ngân sách T.Ư năm 2024 hoặc năm 2025.