Tháo gỡ áp lực thanh khoản trong dài hạn

Trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn trong khâu phát hành do sức cầu yếu trong khi chờ hỗ trợ chính sách từ Chính phủ như Nghị định 08/2023/NĐ-CP và các chính sách cụ thể về hạn mức tín dụng đến năm 2023. Các biện pháp trên sẽ giảm áp lực lên tổ chức phát hành trong ngắn hạn, cũng như tạo điều kiện cải thiện và tháo gỡ áp lực thanh khoản trong dài hạn.
0:00 / 0:00
0:00
Lĩnh vực bất động sản có giá trị trái phiếu đang lưu hành lớn nhất. Ảnh: NAM ANH
Lĩnh vực bất động sản có giá trị trái phiếu đang lưu hành lớn nhất. Ảnh: NAM ANH

Báo cáo về mức độ mất khả năng thanh toán trái phiếu doanh nghiệp do Fiin Ratings phát hành ngày 4/4 cho biết, bên cạnh các yếu tố chung về môi trường kinh doanh như: chính sách kiểm soát tín dụng, môi trường lãi suất cao, khối lượng phát hành trái phiếu giảm mạnh, các dự án bất động sản bị đình trệ, các tổ chức phát hành trái phiếu mất khả năng thanh toán đều có chất lượng tín dụng yếu trong một thời gian dài trước khi vỡ nợ - điều này dẫn đến rủi ro thanh khoản cao hoặc rất cao; kỳ hạn không phù hợp (giữa dòng tiền vào và dòng tiền ra để đáp ứng nghĩa vụ nợ) và kỳ hạn nợ ngắn trong khi dòng tiền hoạt động âm trong vài năm trước khi mất khả năng thanh toán.

Cụ thể, tính đến ngày 31/12/2022, 69 tổ chức phát hành trong danh sách mất khả năng thanh toán hiện có tổng số nợ là 233,7 nghìn tỷ đồng. Trong đó tổng giá trị dư nợ trái phiếu là 169,7 nghìn tỷ đồng.

64 nghìn tỷ đồng còn lại là nợ vay ngân hàng và các khoản nợ khác. Tính đến ngày 17/3/2023, 69 tổ chức phát hành này có ít nhất một trái phiếu đang lưu hành không có khả năng thanh toán nợ khi đến hạn với tổng giá trị vỡ nợ là 94,43 nghìn tỷ đồng (bao gồm 4.157,4 nghìn tỷ đồng trái phiếu đến hạn vào năm 2022), chiếm 8,15% tổng giá trị trái phiếu đang lưu hành. 65 tổ chức phát hành không thanh toán đầy đủ, đúng hạn và bốn tổ chức phát hành đã cơ cấu lại trái phiếu bằng cách thỏa thuận với trái chủ gia hạn thời gian đáo hạn và điều chỉnh lãi suất. Theo lĩnh vực, 43 tổ chức phát hành là doanh nghiệp trong ngành bất động sản với tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp không có khả năng thanh toán là 78,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 83,6% tổng giá trị chưa thanh toán.

Giá trị trái phiếu không có khả năng thanh toán chiếm 37% trong tổng số trái phiếu đang lưu hành của 69 tổ chức phát hành là 169,7 nghìn tỷ đồng. Giá trị trái phiếu còn lại chưa đến hạn là 75,3 nghìn tỷ đồng và sẽ đáo hạn chủ yếu vào năm 2023 (khoảng 30,2 nghìn tỷ đồng) và 2024 (khoảng 21,9 nghìn tỷ đồng).

Lĩnh vực bất động sản có tỷ lệ không có khả năng thanh toán cao thứ hai, ở mức 20,17% sau lĩnh vực năng lượng. Tuy nhiên, lĩnh vực bất động sản có giá trị trái phiếu đang lưu hành lớn nhất với 396,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 33,8% tổng giá trị trái phiếu đang lưu hành. Trên thực tế, về số lượng, trong số 69 tổ chức phát hành không có khả năng thanh toán, các nhà phát triển bất động sản chiếm tới 62,3%. Ngành năng lượng mặc dù có tỷ lệ vỡ nợ cao nhất là 63,1% nhưng giá trị nợ lại rất nhỏ (chiếm 0,3% tổng giá trị nợ) và tập trung ở một số ít doanh nghiệp.

Dữ liệu từ báo cáo tài chính của 33 doanh nghiệp phát hành BĐS không có khả năng thanh toán cho thấy đòn bẩy tài chính của các doanh nghiệp này đã tăng 9,5 lần so cuối năm 2017. Tuy nhiên, tài sản hữu hình - thường là tài sản tạo ra thu nhập cho các công ty BĐS, chỉ tăng chậm từ 25 nghìn tỷ đồng (2017) lên 33 nghìn tỷ đồng (2021).

Trong khi đó, khoản phải thu (thường là các hợp đồng cho bên liên quan vay) và đầu tư dài hạn (thường là khoản đầu tư vào công ty con, công ty liên kết) tăng hơn bốn lần. Bởi vì tiền thu được từ tài chính (dòng tiền) không được sử dụng để đầu tư vào các tài sản tạo ra thu nhập, thu nhập đã không tăng tương xứng với gánh nặng nợ tăng lên. Khả năng đáp ứng nghĩa vụ nợ của các doanh nghiệp này giảm mạnh, do lợi nhuận trước thuế và lãi (EBITDA) chỉ tăng bốn lần trong khi nợ tăng 15 lần. Trong một thời gian dài trước khi vỡ nợ, đòn bẩy nợ của các doanh nghiệp, chẳng hạn như Nợ/EBITDA, ở mức rất cao, lên tới 30,5 lần vào năm 2020 và 23,5 lần vào năm 2021.

Tính đến ngày 8/3/2023, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ hiện ở mức 1.150 nghìn tỷ đồng (tương đương khoảng 49 tỷ USD), trong đó trái phiếu phi ngân hàng là 788,9 nghìn tỷ đồng và trái phiếu ngân hàng là 368 nghìn tỷ đồng. Trong quy mô trái phiếu phi ngân hàng là 788,9 nghìn tỷ đồng, quy mô trái phiếu BĐS là 396,3 nghìn tỷ đồng, chiếm hơn 50% tổng giá trị lưu hành trái phiếu phi ngân hàng và 34% tổng dư nợ quy mô toàn thị trường. Các ngành thương mại và dịch vụ, xây dựng lần lượt đóng góp 11%, 9% và 8% tổng giá trị trái phiếu đang lưu hành.

So với tháng 3/2022 với 17,53 nghìn tỷ đồng trái phiếu BĐS phát hành riêng lẻ, hoạt động phát hành của ngành đã giảm 97,1% về giá trị phát hành và chưa có dấu hiệu phục hồi, đặc biệt trong giai đoạn từ tháng 10/2022 - 2/2023. Ngoài ra, việc ban hành Nghị định 65 về phát hành trái phiếu riêng lẻ làm tăng chi phí huy động vốn và gây khó khăn hơn cho các tổ chức phát hành trong việc huy động vốn từ trái phiếu doanh nghiệp cho hoạt động kinh doanh.

Tình trạng trên tiếp diễn có thể sẽ đẩy thêm nhiều doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực BĐS, phải hoãn thanh toán nghĩa vụ nợ cho trái chủ trong giai đoạn quý II và quý III/2023.

Về xu hướng trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2023 và 2024, rủi ro chính nằm ở khoản 396,3 nghìn tỷ đồng từ 302 nhà phát triển BĐS trong tổng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp 788,9 nghìn tỷ đồng từ 757 tổ chức phát hành phi ngân hàng. Tỷ lệ vỡ nợ sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới trước khi những thay đổi chính sách của Chính phủ có hiệu lực và trước khi môi trường kinh doanh dần được cải thiện.

Tuy nhiên, các chính sách hỗ trợ gần đây như giảm lãi suất cho vay, Nghị quyết 33/2023/NQ-CP và Nghị định 08/2023/ NĐ-CP, được kỳ vọng sẽ giúp các tổ chức phát hành gặp khó khăn cơ cấu lại nợ, phát hành trái phiếu mới để tái cấp vốn hoặc cấp các khoản tín dụng mới để đẩy nhanh quá trình pháp lý của các dự án phát triển BĐS.