Thành tựu ấn tượng của hoạt động xuất nhập khẩu

Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, chín tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đã đạt 558 tỷ USD, xuất siêu 6,5 tỷ USD. Trong đó, mặc dù số liệu tháng 10 chưa công bố, nhưng ông thông tin cán cân xuất nhập khẩu đã đạt 620 tỷ USD, trong đó xuất khẩu là 313 tỷ USD, nhập khẩu 306,1 tỷ USD, xuất siêu gần 8 tỷ USD. “Dự kiến cả năm, kim ngạch xuất nhập khẩu sẽ đạt hơn 800 tỷ USD, sẽ xuất siêu hơn 10 tỷ USD. Đây là thành tựu rất ngoạn mục của xuất nhập khẩu Việt Nam”, ông Diên nói.
0:00 / 0:00
0:00
Doanh nghiệp dệt may xuất khẩu đang tăng cường hoạt động sản xuất.
Doanh nghiệp dệt may xuất khẩu đang tăng cường hoạt động sản xuất.

Doanh nghiệp xuất khẩu đầy ắp đơn hàng

Trong một nhà xưởng thơm mùi vải mới tại Tổng công ty May Bắc Giang LGG, những ngày này, không khí làm việc rất sôi nổi. Hơn 2.000 công nhân hăng say hoàn thành các đơn hàng chờ xuất sang thị trường châu Âu. Tiếng máy ro ro, mọi người trong tổ thoăn thoắt đôi tay đưa những mảnh vải lướt nhanh dưới những đường kim mũi chỉ. Cổng phân xưởng thênh thang, không còn những barie phòng, chống dịch hay hàng rào thép gai như hơn một năm trước.

Trao đổi ý kiến với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hạnh, Giám đốc điều hành Tổng công ty May Bắc Giang LGG cho hay, sau khi mở cửa kinh tế, tỉnh Bắc Giang đã chủ động nới lỏng các hoạt động giãn cách xã hội nhưng vẫn bảo đảm công tác phòng, chống dịch bệnh; tạo điều kiện thuận lợi cho công nhân làm việc, không phải duy trì “3 tại chỗ” như trước.

Chính vì vậy, công ty phải tranh thủ từng giây, từng phút để làm kịp đơn hàng đi châu Âu cho đối tác. Như thế năng suất mới tăng lên để thu nhập của mọi người khá hơn. Theo ông Hạnh, mức thu nhập bình quân đối với mỗi lao động hiện nay ở LGG là 9 triệu đồng. Đến thời điểm này, ông Hạnh cho biết, công ty đầy ắp đơn hàng, doanh thu vượt kế hoạch được giao.

Đối với xuất khẩu gỗ, sau thời gian giảm tốc trong tháng 8 đã có sự phục hồi trở lại. Ông Hà Tuấn Anh, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và đầu tư chợ gỗ Tài Anh cho biết, từ đầu năm đến nay, công ty gặp nhiều khó khăn trong xuất khẩu gỗ, nhất là trong tháng 6, tháng 7. Tuy nhiên, từ đầu tháng 8 tới nay, công ty đã bắt đầu nhận được nhiều đơn hàng từ thị trường châu Âu và Mỹ. Với những đơn hàng này, từ nay đến cuối năm công ty phải mở rộng sản xuất mới kịp tiến độ.

Còn theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 8/2022 đạt 1,35 tỷ USD, tăng 65% so với tháng 8/2021. Tính chung tám tháng đầu năm 2022, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước tính đạt 11,07 tỷ USD, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là con số ấn tượng so với hai tháng trước đó. Bởi, giá trị xuất khẩu tháng 6 và tháng 7 của ngành gỗ đều ở mức giảm tốc.

Một điểm sáng của ngành gỗ hiện nay là xuất khẩu viên nén, dăm gỗ (tám tháng đầu năm tăng gần 200% so với cùng kỳ năm 2021). Lý do là hiện tại, thị trường châu Âu, Nhật Bản và một số nước châu Á tìm kiếm các nguồn nguyên liệu thay thế cho khí đốt. Theo nhận định, những tháng còn lại nếu các doanh nghiệp duy trì phong độ thì kim ngạch xuất khẩu từ gỗ có thể đạt mục tiêu 16,4 tỷ USD trong năm 2022.

Cùng chung niềm vui, gạo Việt Nam mới đây cũng ghi dấu ấn bởi lần đầu tiên món cơm chiên sử dụng gạo ST25 đến từ Việt Nam trở thành “bữa trưa đặc biệt” tại Văn phòng Nội các Nhật Bản. Trong khi đó, ở châu Âu, thương hiệu “Cơm Việt Nam” được bày bán trên kệ 4.000 siêu thị ở Pháp.

Ông Nguyễn Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An thông tin, thị trường châu Âu rất chuộng các loại gạo chất lượng cao của Việt Nam. Doanh nghiệp của ông nhận được nhiều đơn hàng lớn, nhưng khả năng cung ứng không đủ nên phải từ chối bớt.

“Giá gạo xuất sang thị trường châu Âu rất cao, từ 700-1.250 USD/tấn. Mỗi tháng chúng tôi xuất khẩu khoảng 30 container gạo sang thị trường này”, ông chia sẻ. Trung An đang dồn lực chuẩn bị cho những chuyến hàng xuất khẩu dịp cuối năm.

Thành tựu ấn tượng của hoạt động xuất nhập khẩu ảnh 1

Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo nhận được nhiều đơn hàng lớn từ châu Âu. Ảnh: BẮC SƠN

Năng lực sản xuất lớn, mở cửa đúng lúc

Nói về thành tựu xuất nhập khẩu trong chín tháng năm 2022, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, năm 2021 là năm bị ảnh hưởng lớn bởi dịch Covid-19, nhưng cũng là năm đầu tiên kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt 668 tỷ USD, trở thành một trong 20 quốc gia có thương mại quốc tế lớn nhất thế giới.

“Điều đó thể hiện năng lực sản xuất của Việt Nam lớn như thế nào, chúng ta cũng tranh thủ được sự khan hiếm của hàng hóa, thị trường thế giới để phát triển”, ông Diên nói.

Người đứng đầu ngành công thương cũng “báo tin vui” là chín tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đã đạt 558 tỷ USD, xuất siêu 6,5 tỷ USD. “Số liệu tháng 10 mặc dù chưa công bố, nhưng tôi thông tin luôn là đã đạt 620 tỷ USD, trong đó xuất khẩu là 313 tỷ USD, nhập khẩu 306,1 tỷ USD, xuất siêu gần 8 tỷ USD. Dự kiến cả năm, kim ngạch xuất nhập khẩu sẽ đạt hơn 800 tỷ USD, xuất siêu hơn 10 tỷ USD. Đây là thành tựu rất ngoạn mục của xuất nhập khẩu Việt Nam”, ông Diên nói.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, trong năm 2022, Việt Nam có 32 mặt hàng xuất nhập khẩu hơn 1 tỷ USD, cao hơn nhiều so với các năm trước. Các mặt hàng tập trung vào những thế mạnh khai thác tốt các hiệp định thương mại tự do (FTA) của ta như dệt may tăng 24%, da giày tăng 36%; đồng thời cũng tranh thủ giá cao để đẩy mạnh xuất khẩu các ngành hàng như hóa chất, phân bón.

“Thế giới đang quay cuồng không chỉ trong dịch bệnh mà còn sự đứt gãy của rất nhiều nguồn cung, nhưng với riêng Việt Nam, tất cả hàng hóa, dịch vụ, nguyên vật liệu cho sản xuất được cung ứng rất kịp thời, mọi thứ đều bình ổn”, ông Diên nói, đồng thời thông tin, giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp đạt 9,63%, tăng cao hơn mức tăng cùng kỳ năm trước.

Phân tích nguyên nhân để đạt được những thành tựu này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, trong năm 2022, chúng ta đã kiểm soát được dịch Covid-19. Việt Nam là quốc gia tiếp cận vaccine muộn nhưng độ bao phủ vaccine rất nhanh, tiêm mũi ba đến thời điểm tháng 3 đạt trên dưới 60% bình quân.

Cùng với việc kiểm soát dịch bệnh, chúng ta quyết định mở cửa nền kinh tế đúng thời điểm. Chúng ta cũng có hệ thống doanh nghiệp FDI có năng lực sản xuất và xuất khẩu rất tốt trong bối cảnh hệ thống cung ứng thế giới bị đứt gãy, thiếu hụt hàng hóa. “Việt Nam đã mở cửa đúng lúc, thúc đẩy kinh tế phát triển, tìm kiếm được thị trường”, ông nói.