Thảm họa cháy rừng ở Hawaii

Bốn ngày sau khi bùng phát, cháy rừng dữ dội ở hạt Maui thuộc bang Hawaii của Mỹ đã khiến 89 người thiệt mạng, thiệt hại vật chất ước tính sáu tỷ USD. Vụ cháy rừng đã trở thành thảm họa thiên nhiên nghiêm trọng nhất trong hơn một thế kỷ qua ở Mỹ.
0:00 / 0:00
0:00
Lực lượng cứu hỏa nỗ lực dập tắt các đám cháy tại Maui. Ảnh: CNN
Lực lượng cứu hỏa nỗ lực dập tắt các đám cháy tại Maui. Ảnh: CNN

Tồi tệ nhất trong hơn 100 năm

Thống đốc Hawaii Josh Green ngày 12/8 cho biết, số người thiệt mạng có thể còn tăng lên trong những ngày tới, các đội cứu hộ vẫn tiếp tục tìm kiếm nạn nhân trong các đống đổ nát. Theo ông Green, đây là thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất ở Hawaii, kể từ sau trận sóng thần năm 1960 khiến 61 người chết.

Số nạn nhân thiệt mạng vượt con số 85 người chết trong vụ cháy rừng có tên Camp Fire ở bang California năm 2018. Đây cũng là thiệt hại về người cao nhất kể từ sau các vụ cháy rừng ở Minnesota và Wisconsin năm 1918.

Đêm 8/8, các đám cháy bùng phát ở bờ biển phía tây đảo Maui và nhanh chóng lan rộng, bao trùm thị trấn ven biển Lahaina. Người dân cho biết, hệ thống còi báo động không hoạt động có hiệu quả, nhiều người không được cảnh báo và phải nhảy xuống biển khi thấy khói bốc lên và nghe thấy những tiếng nổ.

Vài ngày sau khi ngọn lửa di chuyển nhanh đã gần như san bằng Lahaina, thị trấn nghỉ mát nổi tiếng ở Hawaii; phá hủy và thiêu rụi các tòa nhà, phương tiện... Thống đốc Green cho biết, ước tính thiệt hại vật chất do cháy rừng lên tới sáu tỷ USD. Cháy rừng đã đốt cháy hoặc làm hư hại ít nhất 2.200 ngôi nhà, trong đó 86% là nhà dân. Hơn 850 ha rừng bị lửa thiêu rụi.

Nguyên nhân cháy rừng chưa được xác định, song Cơ quan thời tiết quốc gia Mỹ cho rằng, thời tiết khô, gió mạnh và độ ẩm thấp đã gây cháy rừng. Theo giới chức Hawaii, thảm họa xảy ra do sự kết hợp một loạt yếu tố. Gió giật mạnh từ bão ngoài khơi thổi bùng đám cháy, cộng với sự cố mạng lưới thông tin liên lạc khiến cho việc phối hợp chữa cháy và cứu hộ gặp khó khăn. Tổng Chưởng lý Anne Lopez cho biết, chính quyền bang đã mở cuộc điều tra về cách thức xử lý vụ cháy rừng.

Ưu tiên cấp chỗ ở và dịch vụ y tế

Chính quyền bang Hawaii đã ban bố tình trạng khẩn cấp, đồng thời tăng cường hỗ trợ hệ thống bệnh viện bị quá tải do số người bị thương và nhập viện. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký lệnh liên bang về viện trợ Hawaii và cho phép điều trực thăng Black Hawk tới giúp dập tắt các đám cháy ở Hawaii.

Từ hôm 11/8, nhà chức trách đã cho phép cư dân trở lại khu vực phía tây Maui, tuy nhiên khu vực cháy nghiêm trọng ở Lahaina vẫn được rào chắn. Giới chức cam kết các đội tìm kiếm tiếp tục công việc cứu hộ, đồng thời cảnh báo người dân thận trọng với khói độc từ các đám cháy còn âm ỉ. Các nhân viên cứu hộ sẽ được bổ sung, phối hợp với khoảng nhóm 150 nhân viên đang làm việc tại hiện trường.

Thống đốc Green cho biết, hiện ưu tiên hàng đầu của chính quyền bang là cung cấp chỗ ở và dịch vụ chăm sóc y tế cho những người dân, cũng như bắt tay vào tái thiết, khắc phục hậu quả sau cháy rừng. Giới chức địa phương đã sắp xếp khoảng 1.000 phòng khách sạn cho những người mất nhà, đồng thời tìm kiếm các cơ sở cho thuê để cấp miễn phí chỗ ở cho người dân. Hiện khoảng 1.400 người đã được đưa vào nơi trú ẩn khẩn cấp.

Cơ quan Quản lý khẩn cấp liên bang (FEMA) ước tính cần 5,5 tỷ USD để xây dựng lại thành phố du lịch Lahaina. Bộ Giao thông vận tải Hawaii (DOT) cho biết sẽ triển khai một đường băng tại sân bay Kahului phục vụ công tác tiếp nhận hàng cứu trợ.