Tạo sức bật từ kinh tế đêm

TP Hà Nội có nhiều điều kiện để đẩy mạnh kinh tế ban đêm như có ngành du lịch năng động, lượng du khách trong và ngoài nước liên tục tăng mạnh. Tuy nhiên, để kinh tế ban đêm đạt hiệu quả, cần có những chính sách quản lý khác hoàn toàn so ban ngày mới có thể khai thác triệt để tiềm năng này.

Mỗi dịp cuối tuần, khu vực phố cổ thường tập trung rất nhiều du khách tới vui chơi, giải trí.
Mỗi dịp cuối tuần, khu vực phố cổ thường tập trung rất nhiều du khách tới vui chơi, giải trí.

Khi phố lên đèn

Nhiều con phố như Tràng Tiền, Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Mã, Tạ Hiện, Mã Mây, Lương Ngọc Quyến… từ 18 giờ trở đi như được thay một diện mạo mới, đông đúc và náo nhiệt. Đổ về khu vực này không chỉ có các du khách nước ngoài mà còn có người dân ở khắp Hà Nội và các tỉnh, thành phố trên cả nước dồn về vãn cảnh đêm Thủ đô.

Từ ngày 15/3, Hà Nội cho phép mở lại các cửa hàng kinh doanh, đường phố trở lại nhịp sinh hoạt đời thường, các cửa hàng ăn uống ở khu vực phố cổ, khách đông nườm nượp, hầu hết các bàn đều không còn chỗ trống. Riêng “ngã tư quốc tế” Tạ Hiện thu hút cả chục nghìn lượt khách tới thưởng thức bia, vui chơi, xôm tụ đến mức những người bán hàng ở đây thường đùa: “Đêm không ngủ vì tiền không bao giờ là đủ”. 

Ngoài khu vực phố cổ, những địa điểm hút khách khác như Nhà thờ Lớn, Hoàng thành Thăng Long, cầu Nhật Tân, cầu Long Biên, Văn miếu-Quốc Tử Giám, chợ Đồng Xuân, phố Gầm Cầu, những con đường ven hồ Tây và quanh những hồ lớn khác bắt đầu chuyển sang một khung cảnh khác lung linh và huyền ảo hơn. Đặc biệt, đây còn là cơ hội việc làm rất lớn cho người lao động, tăng thu nhập cho các tiểu thương, thu hút khách du lịch. Hoạt động này đóng góp không nhỏ vào nguồn thu nhập của các quận và người dân chung quanh. 

Sau phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm, việc quận Tây Hồ triển khai Đề án “Không gian biểu diễn, ẩm thực đường phố quận Tây Hồ” đã thu hút sự quan tâm của lượng lớn người dân, khách du lịch. Dự kiến sắp tới, quận Ba Đình cũng sẽ mở khu phố ẩm thực đêm tại Đảo Ngọc-Ngũ Xã, trong đó trung tâm là trục Ngũ Xã-Nguyễn Khắc Hiếu. Quận Hai Bà Trưng hiện cũng có chủ trương xây dựng Đề án hình thành tuyến phố đi bộ khu vực cổng Công viên Thống Nhất và hồ Thiền Quang. Đối với quận Long Biên, sự phát triển nhanh, mạnh mẽ về hạ tầng giao thông đô thị biến khu vực này trở thành điểm sáng thu hút nguồn lực đầu tư, dễ dàng kết nối với các tỉnh, thành phố Lạng Sơn, Hải Phòng, Quảng Ninh… Thời gian gần đây, khu phố ẩm thực Ngọc Lâm trở thành địa điểm thu hút du khách tới trải nghiệm và trở thành lựa chọn mới cho người dân Hà Nội về ăn uống, giải trí vào mỗi dịp cuối tuần.

Khai thác thế nào để hiệu quả?

Tại nhiều nước trên thế giới, hoạt động về đêm không chỉ là sản phẩm du lịch mà còn trở thành nguồn thu chủ lực cho ngành du lịch, giải trí quốc gia. Ngay sau khi dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, Sở Du lịch Hà Nội đã phối hợp hiệu quả với cơ quan liên ngành, các doanh nghiệp xây dựng sản phẩm du lịch mới. Đặc biệt, với việc tổ chức thành công SEA Games 31, một hình ảnh Việt Nam thân thiện, hấp dẫn đã được bạn bè, du khách quốc tế đánh giá cao, qua đó khẳng định thương hiệu điểm đến tổ chức các sự kiện mang tầm quốc tế và khu vực của Việt Nam.

Theo đánh giá của các chuyên gia, tại những thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đã hình thành một số hoạt động kinh tế ban đêm với phố đi bộ, phố ẩm thực, chợ đêm và mới nhất là sự bùng nổ của hệ thống cửa hàng tiện lợi. Tuy nhiên, những hoạt động có thể phát sinh lợi nhuận về đêm tại Việt Nam hiện nay còn ít, thực chất mới chỉ dừng lại ở một vài khu vực với phố đi bộ là chủ yếu, có tính chất buôn bán như ban ngày. Ngoài ra, tuy không phủ nhận kinh tế ban đêm có thể mang lại nhiều lợi ích, nhưng cũng có những rủi ro tiềm ẩn khác như an ninh, an toàn giao thông, ô nhiễm tiếng ồn, rác thải. Trong đó, những quy định về hệ thống chiếu sáng, camera giám sát, xử lý chất thải, cung cấp điện, nước, các vấn đề vệ sinh, an toàn thực phẩm, kiểm soát chất lượng hàng hóa, nguồn gốc, xuất xứ, giá cả hàng hóa… cũng đòi hỏi rất nhiều cơ chế quản lý sao cho linh hoạt, thuận lợi. 

Do vậy, để thúc đẩy phát triển kinh tế đêm Hà Nội nói riêng và nhiều vùng trên cả nước nói chung, Nhà nước cần phát triển kinh tế ban đêm thông qua các kế hoạch, chính sách đặc thù khác nhau, đặc biệt sử dụng tốt công cụ quy hoạch phù hợp, gắn kết được sự tham gia tích cực của cộng đồng. 

Hà Nội là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước, có nhiều tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú, chất lượng, gắn liền với lịch sử văn hóa, truyền thống dân tộc. Đặc biệt, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại Thủ đô luôn được bảo đảm ổn định. Với những yếu tố này, Hà Nội có nhiều tiềm năng để khai thác kinh tế đêm một cách hiệu quả, mang lại sức bật lớn cho Thủ đô.