Tạo sự hấp dẫn cho phố đi bộ Hà Nội

Hiện nay, nhiều quận, huyện ở Hà Nội đã đề xuất mở thêm nhiều không gian đi bộ như phố đi bộ quanh hồ Thiền Quang (quận Hai Bà Trưng); hồ Ngọc Khánh, hồ Trúc Bạch (quận Ba Đình); phố đi bộ khu đô thị mới nam đường vành đai 3 (quận Hoàng Mai và huyện Thanh Trì)... Lập nhiều phố đi bộ hiện đang là xu hướng được một số địa phương quan tâm nhưng lại chưa có những tiêu chí cụ thể để đánh giá tính hiệu quả mang lại.
0:00 / 0:00
0:00
Phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm thu hút du khách trong và ngoài nước dịp cuối tuần. Ảnh: KHIẾU MINH
Phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm thu hút du khách trong và ngoài nước dịp cuối tuần. Ảnh: KHIẾU MINH

1/Sau thành công của không gian phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm, hàng loạt quận, huyện đang đề xuất thành phố mở thêm các khu phố đi bộ tại địa bàn. Dịp lễ 30/4, 1/5 năm nay, không gian đi bộ thành cổ Sơn Tây chính thức đi vào hoạt động. Trước đó là không gian đi bộ phố Trịnh Công Sơn (quận Tây Hồ). Có thể liệt kê thêm không gian đi bộ tại khu đô thị Bắc An Khánh - Splendora cũng đã đi vào hoạt động từ Tết Nguyên đán.

Với không gian đi bộ Hoàn Kiếm, nếu chỉ nhìn những thành quả của ngày hôm nay, ít người có thể biết được khởi đầu cho không gian đi bộ phố cổ là từ năm 2004, khi Hà Nội có chủ trương cho phép mở phố đi bộ, chợ đêm dọc các con phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Đồng Xuân, Hàng Giấy, Hàng Đường. Ngay từ khi mở ra, khu vực này đã trở thành địa điểm nổi tiếng, tập trung rất nhiều khách tham quan mỗi cuối tuần. Tiếp nối thành công này, không gian đi bộ dần được mở rộng quanh phố cổ, dẫn đến không gian đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm thành hình vào năm 2017.

Không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm nói riêng và phố cổ nói chung có quá nhiều lợi thế riêng. Đây vẫn được coi là vùng lõi đô thị. Lịch sử văn hóa tự thân của phố cổ thu hút lượng khách du lịch nước ngoài vô cùng lớn. Hầu hết khách du lịch đến Hà Nội đều ở tập trung quanh phố cổ để tiện cho việc tham quan, thưởng thức văn hóa bản địa. Trên phạm vi thế giới, những khu phố đi bộ bằng 1/3 đến 1/2 quận đã được áp dụng ở Amsterdam (Hà Lan), Nottingham (Anh) và thường gắn với lịch sử khu phố. Một số người cho rằng, trình độ phát triển đô thị mức nào đó mới phát triển loại hình này được. Ngoài phạm vi phố cổ, các không gian đi bộ khác không dễ gì đạt được những thành công như vậy. Phố đi bộ Trịnh Công Sơn (khai trương tháng 5/2018) là một thí dụ điển hình khi mà đến tận giờ vẫn đang ở trong tình trạng đìu hiu.

2/Một chuyên gia Vụ Quy hoạch kiến trúc của Bộ Xây dựng cho biết, hiện không có khái niệm về quy hoạch phố đi bộ cho một thành phố. Việc thành lập phố đi bộ, hoàn toàn phụ thuộc vào điều kiện hoàn cảnh cụ thể của từng địa phương. Quy chuẩn chỉ quy định về mật độ giao thông, không quy định riêng cho người đi bộ. Vậy cuối cùng thì Hà Nội cần bao nhiều phố đi bộ là đủ? Liệu có cần thiết phải xây dựng riêng một bộ tiêu chuẩn dành riêng cho việc thành lập phố đi bộ?

Cùng với thời điểm không gian đi bộ thành cổ Sơn Tây được mở ra, một loạt không gian khác cũng được đề xuất như phố đi bộ quanh hồ Thiền Quang (quận Hai Bà Trưng), hồ

Ngọc Khánh, hồ Trúc Bạch (quận Ba Đình), phố Nguyễn Văn Tuyết (quận Đống Đa)… Tuy nhiên thông tin mở mới phố đi bộ không phải lúc nào cũng được… công khai.

Chị Lê Quyên (Đống Đa) cho biết, trước đại dịch Covid-19 có nghe phong thanh quận đề xuất phố Nguyễn Văn Tuyết thành phố đi bộ. Thậm chí có người nói việc này gần như đã được thông qua, chỉ cần hoàn thiện một số thủ tục là sẽ đi vào hoạt động. Nắm bắt được thông tin đó, chị cũng như nhiều người kinh doanh khác đón đầu bằng việc thuê địa điểm đầu tư xây dựng quán. Thời điểm đó, giá thuê mặt bằng cũng leo thang chóng mặt. Tuy nhiên đến nay, nhiều chủ đầu tư nhà hàng, kinh doanh như chị Quyên vẫn phải cắn răng đợi đón đầu. Tiền đầu tư hàng tỷ đồng vào thuê mặt bằng, lại phải gồng gánh qua gần hai năm đại dịch, biết là không được như ý nhưng vẫn phải cố. “Chính quyền đã cho phép các hàng quán trong phố mở đến 11 giờ tối, lượng khách tuy đều nhưng còn xa mới được như kỳ vọng”, chị Quyên nói.

3/Để có một không gian đi bộ thu hút người dân, ít nhất cần phải có không gian rộng, có nhiều giá trị lịch sử, văn hóa hoặc những thứ có thể đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí. Nhưng nếu chỉ tập trung vào khu phố ăn đêm, mọi việc sẽ đơn giản đi nhiều. Một số ý kiến cho rằng, thay vì mở không gian đi bộ các quận, huyện có thể thêm những khu phố ăn đêm tập trung? Nhu cầu ăn uống về đêm trong cuộc sống hiện đại là có thật. Thay vì xin mở các khu phố đi bộ, có thể xin thành lập phố ăn đêm, vừa giải quyết tình trạng hàng quán về đêm dàn trải, khó kiểm soát, lại tăng nguồn thu cho ngân sách.

Với Hà Nội, trong khi chưa thể đánh giá các tiêu chí, điều kiện cụ thể một cách đầy đủ, chính quyền cần đi dần từng bước từ những mô hình nhỏ. Nếu thành công có thể nhân rộng, còn không thì có thể chuyển hướng với thiệt hại ở mức thấp nhất.

Dọc ngõ Cấm Chỉ, nơi nổi tiếng là phố ăn đêm của Hà Nội, nếu đi bộ hết với mục đích thư giãn, nhìn ngắm thì thời gian không quá 10 phút. Nhưng nếu chỉ để giải quyết nhu cầu ăn uống về đêm thì khu vực này đã là cả một thế giới với đủ sắc mầu đồ ăn.