Tăng tốc xây dựng đường vành đai 3 và 4

Sau đường vành đai 3 khởi công cuối tháng 6 vừa qua, tỉnh Bình Dương đang triển khai các bước tiếp theo để xây dựng đường vành đai 4 theo kế hoạch đề ra vào năm 2024, qua đó, đồng bộ hạ tầng giao thông, kết nối liên hoàn với khu vực Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía nam.
0:00 / 0:00
0:00
Hạ tầng giao thông tỉnh Bình Dương được kết nối với vùng kinh tế Đông Nam Bộ.
Hạ tầng giao thông tỉnh Bình Dương được kết nối với vùng kinh tế Đông Nam Bộ.

Mới đây, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Bình Dương (gọi tắt là Ban Giao thông) Võ Ngọc Sang cho biết, ngay sau khi HĐND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư dự án vành đai 4, Ban Giao thông tỉnh đã chủ động phối hợp cơ quan liên quan rà soát hồ sơ, thống nhất một số nội dung và công việc cần chuẩn bị trước để bảo đảm tiến độ thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB). Đồng thời, bàn giao hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, hồ sơ thiết kế sơ bộ và bình đồ tuyến cho các địa phương có dự án đi qua.

Song song đó, Ban Giao thông tỉnh cũng đã có công văn đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố có dự án đi qua về việc chuẩn bị công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Mặt khác, cũng đã kiến nghị UBND tỉnh về một số cơ chế để thực hiện công tác GPMB dự án.

Người dân mong triển khai sớm

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, hiện nay vẫn gặp một số vướng mắc. Cụ thể, do hồ sơ thiết kế, ranh GPMB dự án thành phần 2 chưa được phê duyệt, bàn giao nên Ban Giao thông tỉnh chưa có cơ sở lập điều chỉnh dự án GPMB đường Thủ Biên - Đất Cuốc, ảnh hưởng cả thời gian hoàn thành của dự án GPMB đường Thủ Biên - Đất Cuốc.

Ngoài ra, UBND tỉnh giao Tổng công ty Becamex IDC (nhà đầu tư) tổ chức lập hồ sơ thiết kế ranh GPMB trên phạm vi xây dựng của dự án thành phần 2. Trên cơ sở đó, Tổng công ty Becamex IDC tổ chức cắm mốc và bàn giao hồ sơ thiết kế, ranh mốc ngoài thực địa cho Ban Giao thông để thực hiện các thủ tục bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của dự án theo quy định. Nhưng đến nay vẫn chưa được bàn giao hồ sơ thiết kế, ranh mốc ngoài thực địa để thực hiện các thủ tục tiếp theo.

Để tháo gỡ, Ban Giao thông tỉnh kiến nghị UBND tỉnh Bình Dương chỉ đạo Tổng công ty Becamex IDC đẩy nhanh tiến độ lập, trình thẩm định, khẩn trương cắm mốc, bàn giao hồ sơ thiết kế, ranh mốc ngoài thực địa để triển khai thực hiện công tác bồi thường, GPMB dự án theo quy định.

Đối với các địa phương có dự án đi qua, kiến nghị UBND các huyện Bắc Tân Uyên, thành phố Tân Uyên, thành phố Thủ Dầu Một, thị xã Bến Cát, chỉ đạo đơn vị trực thuộc khẩn trương chuẩn bị và tổ chức thực hiện các công việc về bồi thường, thu hồi đất ngay sau khi cắm ranh mốc GPMB; ban hành quyết định thu hồi đất và phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư ngay khi hết thời hạn thông báo thu hồi đất hoặc ngay khi người sử dụng đất trong khu vực thu hồi đất đồng ý để cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi đất trước thời hạn. Đồng thời rà soát, lập thủ tục bàn giao trước mặt bằng các khu đất khác để bảo đảm diện tích mặt bằng khởi công dự án theo kế hoạch đề ra.

Một tín hiệu đáng mừng, đánh dấu những bước đầu tiên trong công tác triển khai dự án, ngày 21/9 vừa qua, Ban Giao thông tỉnh Bình Dương đã phối hợp với UBND thị xã Bến Cát tổ chức họp dân công bố chủ trương đầu tư dự án đường vành đai 4. Cuộc họp có sự tham dự của hơn 460 hộ dân, tổ chức bị ảnh hưởng từ dự án.

Đại diện các hộ dân xã An Điền và xã An Tây (thị xã Bến Cát) mong muốn các cấp, ngành chức năng sớm cắm mốc GPMB thực hiện dự án, quan tâm đời sống các hộ dân bị ảnh hưởng từ dự án; có chính sách phù hợp khi thực hiện bồi thường GPMB; nghiên cứu phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư để ổn định cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng từ dự án.

Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 trên địa bàn tỉnh Bình Dương, đoạn cầu Thủ Biên – sông Sài Gòn (giai đoạn 1), có chiều dài khoảng 47,85 km, được xây dựng thành đường cao tốc với vận tốc thiết kế 100 km/giờ, tổng mức đầu tư khoảng 18.247 tỷ đồng. Công trình dự kiến khởi công năm 2024 và hoàn thành năm 2026.

Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đánh giá, việc đầu tư xây dựng tuyến đường vành đai 4 tạo điều kiện thuận lợi kết nối vùng, nâng cao hiệu quả khai thác các tuyến đường cao tốc, các quốc lộ hướng tâm đã và đang triển khai. Đồng thời, phát huy hiệu quả đầu tư, kết nối giao thông giữa Cảng Hàng không quốc tế Long Thành với các tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam.

Đủ nguồn vật liệu xây dựng cho tuyến vành đai 3

Ông Trần Hùng Việt, Giám đốc Ban Giao thông tỉnh Bình Dương cho hay, đến nay, đối với các gói thầu đã khởi công của dự án đường vành đai 3, công tác GPMB xây dựng bảo đảm được tối thiểu 70% theo quy định (trước khởi công). Về tổng thể, nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng 129,32 ha, trong đó, đất ở khoảng 24,095 ha; đất sản xuất kinh doanh 5,37 ha; đất nông nghiệp khoảng 54,92 ha và đất không bồi thường 44,93 ha.

Về vật liệu xây dựng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương Ngô Quang Sự cho hay, qua rà soát về trữ lượng còn lại, công suất khai thác của các mỏ khai thác vật liệu xây dựng trên địa bàn cho thấy tỉnh Bình Dương hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu cho đường vành đai 3.

Để chủ động trong quá trình cung ứng, Sở đã mời các doanh nghiệp có mỏ và đang khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng đến làm việc. Các doanh nghiệp khai thác khoáng sản đều nhận thức rõ trách nhiệm trong việc cung ứng nguồn vật liệu xây dựng cho đường vành đai 3; đồng thời đã đăng ký cung ứng khối lượng cụ thể, gồm: Cát xây dựng có 6 đơn vị đăng ký với khối lượng 540.000 m3; đá xây dựng các loại và đất san lấp có 8 đơn vị đăng ký với khối lượng 1,83 triệu m3 đá; 1,4 triệu m3 đất san lấp là phần đất tầng phủ của các mỏ đá. “Do Bình Dương không có nguồn cát san lấp nên Sở đã đề nghị các tỉnh khác hỗ trợ”, ông Ngô Quang Sự thông tin.

Thời gian tới, đối với dự án thành phần 5, Ban Giao thông dự kiến hoàn thành thiết kế kỹ thuật, dự toán hai gói thầu còn lại (nút Tân Vạn và đoạn từ Bình Chuẩn đến sông Sài Gòn) trong tháng 9 này để bảo đảm đủ điều kiện khởi công tất cả các gói thầu trong năm 2023.

Tuyến vành đai 3, đoạn đi qua tỉnh Bình Dương gồm hai dự án thành phần, gồm: Dự án thành phần 5 (nút giao Tân Vạn và cầu Bình Gởi) có tổng mức đầu tư là 5.752 tỷ đồng và dự án thành phần 6 (bồi thường, hỗ trợ và tái định cư) có tổng mức đầu tư hơn 13.527 tỷ đồng. Vành đai 3, đoạn qua Bình Dương dài hơn 26 km. Bình Dương đã chủ động làm và đưa vào sử dụng 15,3 km, còn gần 11 km chưa được đầu tư xây dựng. Theo thiết kế quy mô đầu tư gồm 8 làn xe cao tốc có đường song hành hai bên và các hành lang để bố trí cây xanh, các công trình hạ tầng kỹ thuật. Khi hoàn thiện, tuyến đường có vận tốc thiết kế 100 km/giờ.

Theo ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương, đường vành đai 3 khi hoàn thành sẽ là tuyến giao thông huyết mạch của vùng kinh tế trọng điểm phía nam; thúc đẩy giao thương giữa các tỉnh, thành phố với nhau, thúc đẩy kinh tế toàn diện cho cả vùng. Đồng thời, giải quyết bài toán ách tắc giao thông ở các đô thị lớn, địa bàn giáp ranh giữa các địa phương, tạo tuyến giao thông kết nối thúc đẩy giao thương phát triển mạnh cho cả vùng trọng điểm kinh tế phía nam.