Tăng tốc thực hiện xuất hóa đơn bán xăng, dầu

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải thực hiện xong việc xuất hoá đơn điện tử sau từng lần bán xăng, dầu trong tháng 3. Nếu các cửa hàng xăng, dầu không thực hiện sẽ dứt khoát thu hồi giấy phép. Vì thế, đến nay, các doanh nghiệp bán lẻ đang tăng tốc thực hiện, tuy nhiên, khó tránh được những sai sót khi chưa có quy trình tiêu chuẩn.
0:00 / 0:00
0:00
Các cây xăng Petrolimex đã thực hiện việc xuất hóa đơn sau mỗi lần bán. Ảnh: NGUYỄN HẢI
Các cây xăng Petrolimex đã thực hiện việc xuất hóa đơn sau mỗi lần bán. Ảnh: NGUYỄN HẢI

Mỗi nơi mỗi kiểu

Tổng cục Thuế cho biết, cả nước hiện có khoảng 17.000 cửa hàng bán lẻ xăng, dầu. Trong đó, mới có 8.285 cửa hàng xăng, dầu thực hiện phát hành hóa đơn điện tử từng lần bán hàng. Một số địa phương có lượng cửa hàng bán lẻ xăng, dầu lớn, nhưng tiến độ triển khai hóa đơn điện tử từng lần bán còn chậm như: Tiền Giang, TP Hồ Chí Minh, Nghệ An, Đồng Tháp, Kiên Giang, Cà Mau, Đồng Nai, Bình Định...

Như vậy, đến nay, còn gần 9.000 cửa hàng chưa thực hiện, con số này rất lớn so với thời gian còn lại chỉ vỏn vẹn 10 ngày.

Ghi nhận trên thực tế cho thấy, hầu hết các cây xăng Petrolimex đã thực hiện trơn tru việc xuất hóa đơn sau mỗi lần bán. Khách yêu cầu đều xuất được ngay, thủ tục nhanh chóng. Tuy nhiên, ở những doanh nghiệp bán lẻ nhỏ thì đang hiểu “mỗi nơi mỗi kiểu”.

Có hai cách thực hiện phổ biến. Cách thứ nhất là doanh nghiệp thực hiện việc truyền nhận dữ liệu khởi tạo hóa đơn theo từng lần bán từ cột bơm đến hệ thống máy tính của cửa hàng thông qua phần mềm Egas. Trên máy tính cửa hàng sẽ hiển thị từng mã bơm của từng khách hàng, ai có nhu cầu xuất hóa đơn sẽ thực hiện được ngay.

Cách thứ hai là doanh nghiệp có thể sử dụng phần mềm kết nối trực tiếp với điện thoại thông minh bằng ứng dụng kết hợp với hệ thống máy in. Tuy nhiên, cách này phải nhập tay các dữ liệu và thông tin sau từng lần bán hàng để bảo đảm đáp ứng yêu cầu xuất hóa đơn, truyền thông tin dữ liệu về cho cơ quan thuế theo đúng quy định.

Hiện nay, hầu hết doanh nghiệp bán lẻ đều chọn cách thứ hai do không tốn kém nguồn lực, vừa dễ thực hiện.

Nêu lý do chọn cách hai, lãnh đạo một doanh nghiệp bán lẻ xăng, dầu tại Thanh Hóa cho biết, thực tế doanh nghiệp đã tìm hiểu giải pháp từ các nhà cung cấp lớn và giải pháp như của Petrolimex, nhưng 4 tháng nay, nhà cung cấp chưa thực hiện xong do phải đầu tư rất nhiều công đoạn. Bao gồm, phải thay bộ đếm trụ bơm vì bộ đếm hiện nay lưu trữ được chỉ khoảng 10 lần bơm xăng, dầu; rồi các trụ bơm có nhiều bảng điện tử khác nhau, không đồng nhất về chủng loại, thiết kế, nên việc đưa ra giải pháp đồng bộ cho từng trụ bơm mất nhiều thời gian…

“Nói tóm lại, vì chưa thực hiện được nên chọn giải pháp dễ hơn để “chống cháy”. Tuy nhiên, chúng tôi cũng rất lo lắng sẽ phải đầu tư lại do hiện nay vẫn chưa biết quy trình thực hiện thế nào là chuẩn, nên ưu tiên cách nào xuất hóa đơn sau từng lần bán thuận tiện thì làm”, vị này nói.

Tương tự, ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Công ty Xăng dầu Hải Âu Phát (Lâm Đồng) cho biết, ông và nhiều chủ doanh nghiệp khác cũng đang tăng tốc thực hiện sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng.

Song, ông Thắng thừa nhận, việc không có các quy trình tiêu chuẩn trong xuất hóa đơn điện tử từng lần dẫn đến việc mỗi giải pháp lại có quy trình thực hiện khác nhau, không đồng bộ, không tiêu chuẩn. Điều này khiến doanh nghiệp gặp khó trong việc lựa chọn công nghệ. Và còn lo hệ lụy lắp rồi lại phải tháo ra thay lại nếu không đúng công nghệ… với chi phí hàng trăm triệu đồng mỗi cửa hàng.

Tăng tốc thực hiện xuất hóa đơn bán xăng, dầu ảnh 1

Các doanh nghiệp bán lẻ xăng, dầu gặp khó trong việc lựa chọn công nghệ khi xuất hóa đơn. Ảnh: NGUYỆT ANH

Ngành thuế cần “xắn tay” cùng

Trước thực tế này, các doanh nghiệp bán lẻ kiến nghị, cơ quan quản lý Nhà nước cần nhanh chóng điều chỉnh và công bố các quy trình tiêu chuẩn về xuất hóa đơn điện tử từng lần trong xăng, dầu. Đặc biệt, ngành thuế cần hỗ trợ tài chính các đơn vị kinh doanh xăng, dầu bằng cách cung cấp phần mềm kết nối với thuế và gói hóa đơn điện tử. Từ đó, doanh nghiệp sẽ dễ dàng thực hiện, lại không sợ sai.

Tổng cục Thuế cho biết, đơn vị đã yêu cầu cục thuế địa phương kiểm tra thực tế doanh nghiệp trên địa bàn và báo cáo về tổng cục chậm nhất ngày 23/3. Qua đó, có đánh giá, đề xuất các giải pháp gỡ vướng.

Ngoài ra, Phó Tổng cục trưởng Thuế Phi Vân Tuấn yêu cầu các cục thuế địa phương cần tăng cường công tác phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố, nhất là đối với các địa phương có kết quả chưa đạt cao với các nhiệm vụ như: cơ quan thuế các tỉnh, thành phố phải cụ thể hóa kế hoạch triển khai hóa đơn điện tử từng lần bán hàng tại các cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng, dầu, trong đó giao nhiệm vụ cụ thể cho từng công chức của từng bộ phận.

Ngoài ra, cần thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành, có thời gian, thông báo cụ thể, rõ ràng. Đẩy mạnh tuyên truyền để các cơ sở kinh doanh xăng, dầu nhận thức đầy đủ quy định về nghĩa vụ pháp luật bắt buộc thực hiện lập hóa đơn điện tử từng lần bán hàng.

“Những nội dung xử lý thuộc phạm vi ngành thuế về hóa đơn sẽ do ngành thuế xử lý, những vấn đề về ngừng hoạt động, thu hồi giấy phép kinh doanh thuộc phạm vi của ngành khác, kiến nghị ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo”, Phó Tổng cục trưởng Phi Vân Tuấn yêu cầu.

Bộ trưởng Công thương cũng đã có văn bản hỏa tốc đề nghị các tỉnh, thành phố thực hiện quy định về hóa đơn điện tử bán lẻ xăng, dầu, đề nghị các thương nhân kinh doanh xăng, dầu nghiêm túc chấp hành, lập hóa đơn điện tử tại các cửa hàng bán lẻ xăng, dầu cho các khách hàng theo từng lần bán và cung cấp dữ liệu hóa đơn điện tử theo quy định.

Trong công văn, Bộ Công thương cũng nhấn mạnh quá trình triển khai, nếu doanh nghiệp gặp khó khăn, vướng mắc, đề nghị có báo cáo và xin ý kiến của các cơ quan, đơn vị liên quan.

Lo đứt nguồn cung xăng, dầu

Số lượng chưa thực hiện hiện nay còn rất lớn, lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết, đã có văn bản gửi đến các địa phương và sở công thương các tỉnh, thành phố để “thúc” việc thực hiện xuất hóa đơn bán lẻ sau từng lần bán xăng, dầu theo yêu cầu của Thủ tướng.

Với tốc độ hiện nay, vị này cũng bày tỏ sự lo lắng nguồn cung xăng, dầu sẽ chịu ảnh hưởng nếu nhiều doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép kinh doanh. “Chúng tôi đã yêu cầu sở công thương các địa phương có thống kê và báo cáo kịp thời những vướng mắc về các cơ quan có thẩm quyền để kịp thời tháo gỡ”, vị lãnh đạo chia sẻ.

Lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước cũng khuyến cáo, sở công thương các tỉnh, thành phố cần phối hợp với cục thuế địa phương để có đánh giá và báo cáo kịp thời tình hình, nhằm chuẩn bị phương án nguồn cung cho địa bàn.