Áp lực cho các năm sau
Trong báo cáo của Chính phủ do Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa ủy quyền Thủ tướng ký gửi Quốc hội về “Tình hình, kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022 và dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2023”, cơ quan này cho biết có 22 bộ, cơ quan trung ương và 37 địa phương đề xuất xin điều chỉnh giảm kế hoạch đầu tư vốn ngân sách T.Ư năm 2022. Tổng số vốn bị đề nghị trả lại là 18.378,9 tỷ đồng; trong đó, vốn trong nước 6.494,5 tỷ đồng, vốn nước ngoài 11.884,4 tỷ đồng.
Một số địa phương, cơ quan có tỷ lệ vốn bị đề nghị trả lại cao như: Ủy ban Dân tộc 52,7 tỷ đồng (tương đương 97,6% kế hoạch được giao); Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội 173,155 tỷ đồng (tương đương 26% kế hoạch được giao); TP Hà Nội hơn 2.217 tỷ đồng; tỉnh Bắc Ninh 1.827 tỷ đồng; TP Cần Thơ 1.450 tỷ đồng; Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam 2.248,8 tỷ đồng.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến nay, nguyên nhân khiến các bộ, ngành, địa phương xin trả lại vốn kế hoạch là do vướng mắc giải phóng mặt bằng, quy hoạch, chưa hoàn thiện thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án… nên không có khả năng giải ngân.
Trên thực tế, không có khái niệm “trả lại” kế hoạch vốn trong các quy định hiện hành. Luật Đầu tư công có quy định về điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công hằng năm với điều kiện có nơi tăng, có nơi giảm để không làm thay đổi tổng mức vốn kế hoạch hằng năm đã được QH thông qua.
Tuy nhiên, đến nay Bộ Kế hoạch và Đầu tư lại chưa nhận được đề xuất bổ sung vốn của bất kỳ cơ quan T.Ư, bộ, ngành, địa phương nào, do đó chưa có cơ sở để tổng hợp phương án điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách T.Ư năm 2022.
Theo Bộ Tài chính, vốn đầu tư công thực hiện năm 2022 khoảng 700.000 tỷ đồng, bao gồm vốn kế hoạch 2022, vốn kéo dài từ các năm trước chuyển sang, vốn giao thêm của các địa phương, nguồn vốn từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và nguồn vốn giao bổ sung từ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025... Đây là con số rất lớn.
Số liệu vừa được Bộ này báo cáo cho thấy, ước đến cuối tháng 10/2022, giải ngân vốn đầu tư công đạt hơn 297.700 tỷ đồng, bằng 46,44% kế hoạch, đạt 51,34% vốn kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Như vậy, áp lực giải ngân từ nay đến cuối năm là khá nặng nề.
Báo cáo giải trình trước ý kiến của các đại biểu QH về việc này, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, từ năm 2020 đến nay đã xuất hiện tình trạng một số bộ, ngành, địa phương có văn bản đề nghị trả lại kế hoạch đầu tư vốn ngân sách T.Ư, nhất là vốn ODA, do không giải ngân được. Đáng lưu ý, xu hướng ngày càng gia tăng.
Thẩm định báo cáo về tình hình giải ngân vốn đầu tư công, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH cũng rất sốt ruột trước tình trạng này và đề nghị Chính phủ làm rõ. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường, thì có chuyện ý thức chấp hành pháp luật, kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công chưa nghiêm. Cụ thể, công tác chuẩn bị dự án còn kém chất lượng, phê duyệt dự án chưa bảo đảm quy định. Một số dự án chuẩn bị đầu tư và phê duyệt mang tính hình thức để được ghi kế hoạch vốn, nhất là các dự án sử dụng vốn ODA, dẫn đến kết quả giải ngân thấp.
Việc xin trả lại vốn, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đã cho thấy những “điểm nghẽn” trong hoạt động đầu tư công chưa được giải quyết hiệu quả, gây ra nhiều hệ lụy và tạo áp lực bố trí kế hoạch vốn cho các năm sau.
Việc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công phụ thuộc rất lớn vào phía địa phương. Ảnh: HẢI ANH |
Cần những giải pháp căn cơ
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chỉ ra tới 25 nguyên nhân khiến giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt như kỳ vọng, bao gồm các nhóm nội dung liên quan đến thể chế, chính sách; nhóm khó khăn liên quan đến tổ chức triển khai, thực hiện; nhóm khó khăn liên quan đến những đặc thù của năm 2022…
Thí dụ như, có nhiều nơi chưa tuân thủ quy định pháp luật về đầu tư công, ách tắc tại khâu giải phóng mặt bằng, năng lực chủ đầu tư còn hạn chế, giá cả vật liệu năm 2022 tăng cao, năm 2022 là năm thứ hai thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025, nhưng thực tế đến giữa năm mới thông qua Kế hoạch…
Theo Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH, tình trạng một số bộ, ngành, địa phương đề nghị giảm vốn đầu tư công năm 2022 do không có khả năng giải ngân hết, xuất phát từ việc xây dựng kế hoạch đầu tư, chuẩn bị dự án chưa tốt, thậm chí một số dự án chuẩn bị đầu tư và phê duyệt mang tính hình thức để được ghi kế hoạch vốn. Điều này ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân và gây lãng phí nguồn lực.
Đại biểu QH Bế Minh Đức (đoàn đại biểu QH Cao Bằng) cho rằng, cần đơn giản hóa thủ tục triển khai các dự án đầu tư công. “Chỉ một công tác giải phóng mặt bằng cho một dự án đã phải trải qua 12 bước. Với dự án nhóm A, nếu thực hiện đúng thủ tục, trình tự, phải mất gần hai năm. Với dự án nhóm B và C, thường mất khoảng 9-10 tháng. Đó là không kể đến vướng mắc gì trong các khâu thẩm định hay giải phóng mặt bằng”, ông Đức nói.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nhận định, ách tắc khâu giải phóng mặt bằng là một nguyên nhân khá cơ bản và mang tính cố hữu lâu nay. Bởi vậy, Bộ trưởng đã tiếp tục đề nghị phải tách dự án giải phóng mặt bằng ra một dự án riêng. “Chúng tôi đang đề nghị trước mắt cho thực hiện một số hành động trước. Nếu như dự án đã có chủ trương đầu tư, có thể cho phép đo đạc, kiểm đếm trước. Chỉ cần như vậy đã có thể rút ngắn thời gian được khoảng sáu - tám tháng”, Bộ trưởng nói.
Tuy vậy, để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, Bộ trưởng cho rằng, vấn đề chính vẫn là tăng cường kỷ cương, kỷ luật, tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Bởi vì, hiện hơn 76% vốn ngân sách là do phía địa phương quản lý, nên việc thúc đẩy giải ngân phụ thuộc rất lớn vào phía địa phương. Ngoài ra, ông Dũng lưu ý rằng cùng một mặt bằng điều kiện, thể chế nhưng có địa phương giải ngân cao, có địa phương lại giải ngân rất thấp.
Theo người đứng đầu ngành kế hoạch và đầu tư, kế hoạch vốn đầu tư công được QH quyết định, Thủ tướng Chính phủ giao cho từng bộ, cơ quan T.Ư và địa phương là chỉ tiêu pháp lệnh. Do đó, việc không hoàn thành chỉ tiêu này thuộc về trách nhiệm của người đứng đầu bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Từ đó Bộ trưởng đề nghị phải có chế tài đối với các đơn vị xin “trả lại” vốn.
Đồng quan điểm, đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn đại biểu QH tỉnh Điện Biên) nói rằng, trong rất nhiều nguyên nhân dẫn đến giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt kỳ vọng những năm qua, có câu chuyện “sợ trách nhiệm” của không ít người đứng đầu.
“Nếu làm đúng quy định của pháp luật, vì nước vì dân thì không có gì phải ngại. Đằng sau chúng ta vẫn còn cả một tập thể lãnh đạo, có cơ chế để bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”, đại biểu Tạ Thị Yên nói và đề nghị Chính phủ siết chặt hơn nữa kỷ luật hành chính, kỷ cương công vụ.
Trao đổi ý kiến với các đại biểu QH, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị các đại biểu QH tăng cường giám sát từ khâu chuẩn bị dự án, đến giải phóng mặt bằng, triển khai thực hiện để có thể đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công từ nay đến cuối năm. Ông Dũng cho rằng với tiến độ giải ngân hiện tại, kết hợp cùng với giải pháp quyết liệt thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề ra ngay từ những ngày đầu năm và liên tục chỉ đạo xuyên suốt trong quá trình thực hiện, ước thực hiện giải ngân năm 2022 vẫn sẽ đạt hơn 90% kế hoạch.
Trên cơ sở đánh giá các chỉ tiêu tài chính - ngân sách năm 2022, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, cũng như Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 và nguồn vốn Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội phải giải ngân trong năm 2023 (khoảng 137.844 tỷ đồng), Chính phủ vừa báo cáo QH, dự kiến kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023 là 726.684 tỷ đồng, tăng 34% so với kế hoạch năm 2022.
Như vậy, phần lớn nhu cầu vốn của các bộ, ngành, địa phương sẽ được đáp ứng, nếu QH cho phép. Trong bối cảnh ngân sách còn hạn hẹp hiện nay, hiếm có năm nào, tổng vốn ngân sách chi cho đầu tư lại lớn đến như vậy. Tuy nhiên, nhu cầu cao, vốn kế hoạch lớn cũng kèm theo áp lực phải giải ngân trong năm 2023 là rất lớn.