Các trường phải chạy đua
2022-2023 là năm đầu tiên môn tiếng Anh và Tin học sẽ trở thành môn học bắt buộc từ lớp 3, thay vì tự chọn như trước đây. Tuy nhiên, các địa phương đều thiếu giáo viên các môn này một cách trầm trọng.
Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, để thực hiện được dạy ngoại ngữ theo Chương trình giáo dục phổ thông mới cho lớp 3 năm học 2022 - 2023, cả nước cần thêm 5.322 giáo viên, còn cho hai năm tiếp theo lần lượt là 2.207 và 2.061 giáo viên. Để đủ cho cả ba năm sẽ cần thêm 9.589 giáo viên. Với môn Tin học, theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, để đủ giáo viên (ít nhất một giáo viên /trường) cần bổ sung 3.684 giáo viên.
Triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, từ năm học 2022 - 2023, môn Mỹ thuật và Âm nhạc được đưa vào giảng dạy ở khối lớp 10 bậc THPT ở giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp; được lựa chọn theo nguyện vọng và định hướng nghề nghiệp của học sinh. Tuy nhiên, với những môn học này cũng rất thiếu giáo viên. Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện cả nước thiếu tới hơn 5.000 giáo viên nghệ thuật để phục vụ Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Chính vì thế, hiện nhiệm vụ của các trường đại học, cao đẳng sư phạm rất nặng nề, khi vừa triển khai việc bồi dưỡng lại lực lượng giáo viên hiện có, vừa phải tăng tốc mở mới, hoặc chuyển đổi ngành đào tạo, đáp ứng nhu cầu xã hội, nhất là đối với hai môn học Âm nhạc và Mỹ thuật.
Vừa tốt nghiệp ra trường, cơ hội việc làm đã chào đón Phạm Thị Thanh Mai, cựu sinh viên ngành Sư phạm Mỹ thuật của Trường đại học Sư phạm nghệ thuật T.Ư, bởi hầu hết các cơ sở giáo dục đều thiếu giáo viên dạy môn học này. “Cơ hội làm việc của chúng em rất là nhiều, đặc biệt là ở thành phố Hà Nội lại càng mở rộng hơn so với ở quê hương của em. Như em biết thì THPT cũng đang áp dụng môn Nghệ thuật, đó cũng là cơ hội cho bọn em cũng như học sinh THPT định hướng được nghề nghiệp của mình, đó là điều rất là hay và để các bạn đó đỡ bỏ lỡ cơ hội năng khiếu của mình”, Thanh Mai nói.
Cơ hội rộng mở với giáo viên khối nghệ thuật, khi năm nay môn Âm nhạc và Mỹ thuật bắt đầu được triển khai ở bậc THPT theo Chương trình giáo dục phổ thông mới. Để đáp ứng nhu cầu cấp thiết về đội ngũ giáo viên lĩnh vực này, các trường sư phạm trên cả nước cũng phải cấp tốc đào tạo theo. PGS Đào Đăng Phượng, Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm nghệ thuật T.Ư cho biết, những năm trước, trường chỉ tuyển 400 chỉ tiêu cho cả hai ngành Sư phạm Mỹ thuật và Âm nhạc thì năm nay đã tăng chỉ tiêu đào tạo hai ngành này lên 900 em.
PGS Phượng cho biết: “Thống kê trên cả nước gần như 100% trường đang thiếu giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật. Khối lượng sinh viên của trường ra trường chỉ đáp ứng được phần nào so với lượng giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật trên toàn quốc. Bởi vì đào tạo không thể đào tạo ồ ạt được ngay, bởi phải căn cứ vào năng lực cơ sở vật chất của trường đào tạo”.
Cùng với các môn học ở lĩnh vực nghệ thuật thì thiếu giáo viên dạy tích hợp cũng đang là vấn đề nan giải của các trường THCS hiện nay. Đến nay, Trường đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) là đơn vị đầu tiên mở ngành đào tạo giáo viên tích hợp Tự nhiên và Lịch sử, Địa lý. Thế nhưng, PGS Nguyễn Chí Thành, Trưởng khoa Sư phạm cho biết, cũng phải hai năm nữa trường mới có lứa sinh viên đầu tiên của ngành giáo viên tích hợp tốt nghiệp. Vì thế, cùng với đào tạo mới, trường cũng mở các lớp bồi dưỡng lại lực lượng giáo viên hiện có theo đơn đặt hàng.
Ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) thông tin: “Điều chuyển giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu, ưu tiên đối với các địa phương có địa bàn gần nhau, trên cơ sở nguyện vọng cũng như điều kiện của giáo viên có thể điều chuyển giữa các trường, để có thể bảo đảm chương trình giảng dạy. Ngoài ra có thể sử dụng đội ngũ giáo viên ở cấp học thấp hơn nhưng có trình độ đại học để giảng dạy các môn nghệ thuật ở cấp THPT để đáp ứng yêu cầu. Một số thầy, cô giáo có năng khiếu đang dạy ở các môn học khác có đủ điều kiện và có nguyện vọng cũng có thể đưa đi đào tạo để đáp ứng được nhu cầu”.
Mở ngành học mới
Song song với việc bồi dưỡng lực lượng giáo viên hiện có, các trường đại học đào tạo sư phạm cũng tăng tốc mở mới hoặc chuyển đổi ngành học để đáp ứng đội ngũ cho chương trình giáo dục phổ thông mới. Theo Ths Lê Phan Quốc, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh, từ năm 2019 trường đã bắt đầu tuyển sinh ngành Sư phạm Khoa học tự nhiên và năm 2021 có thêm ngành Sư phạm Lịch sử - Địa lý. Năm 2022, trường bắt đầu tuyển sinh thêm hai ngành mới là Sư phạm Công nghệ đào tạo giáo viên dạy môn học này bậc THCS và THPT, môn Giáo dục công dân cho bậc THCS. Như vậy, sớm nhất trong năm 2023 trường đại học này mới có sinh viên tốt nghiệp ngành học đầu tiên phục vụ Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Ngoài những ngành đã tuyển sinh, các trường đại học dự kiến tiếp tục tuyển sinh thêm các ngành mới hoặc chuyển hướng sang ngành đang thiếu giáo viên chương trình mới. Chẳng hạn, tại Trường đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh, Ths Lê Phan Quốc cho biết: “Trong số các môn học chương trình giáo dục phổ thông mới, hiện trường còn thiếu ngành đào tạo Sư phạm Âm nhạc và Sư phạm Mỹ thuật đào tạo giáo viên nghệ thuật. Trường cũng có chủ trương đào tạo hai ngành này nhưng việc chuẩn bị đội ngũ gặp nhiều khó khăn, có thể sẽ triển khai trong năm học 2023-2024”.
Trường đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh còn dự kiến chuyển đổi ngành học hiện có theo hướng phù hợp với môn học mới bậc phổ thông. Ông Quốc cho biết: “Giáo dục chính trị là ngành sư phạm đào tạo giáo viên dạy giáo dục công dân bậc THCS và THPT nhiều năm nay. Nhưng dự kiến sau năm 2022, ngành học này được điều chỉnh tên gọi và nội dung đào tạo theo hướng môn học giáo dục kinh tế và pháp luật bậc phổ thông”. Trường đại học Sài Gòn hiện cũng tuyển sinh ngành Sư phạm Khoa học tự nhiên và Sư phạm Lịch sử - Địa lý (cả hai ngành đào tạo giáo viên THCS). Tuy nhiên, số lượng người theo học chưa nhiều trong năm đầu tuyển sinh, chẳng hạn năm 2019 dù có chỉ tiêu 30 nhưng ngành Sư phạm Lịch sử - Địa lý chỉ có chín sinh viên, ngành Sư phạm Khoa học tự nhiên 26 sinh viên.
Liên quan đến lực lượng giáo viên Tin học, dù nhu cầu tuyển dụng cao nhưng ngay tại Trường đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh cũng không đủ chỉ tiêu. Năm 2019 chỉ tiêu cần tuyển ngành này là 80 nhưng chỉ có 45 thí sinh trúng tuyển nhập học, số này ở năm 2020 là 120 chỉ tiêu và 72 thí sinh nhập học.
Theo thống kê của Trường đại học Sư phạm Huế, ngành Sư phạm Tin học năm 2019 tuyển 50 chỉ tiêu nhưng không có thí sinh nhập học, năm 2020 tuyển 63 chỉ tiêu chỉ có hai thí sinh nhập học. Một số ngành khác cũng không có thí sinh trúng tuyển trong hai năm liên tiếp như: Sư phạm Công nghệ, Sư phạm Khoa học tự nhiên. Trong khi ngành Sư phạm Lịch sử - Địa lý không có thí sinh trúng tuyển trong năm 2019 dù tuyển 120 chỉ tiêu và chỉ có chín người theo học trong năm 2020.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại Trường đại học Đà Lạt với ngành Sư phạm Tin học. TS Trần Hữu Duy, Trưởng phòng Đào tạo trường này cho biết, trường đào tạo đồng thời ngành Công nghệ thông tin và Sư phạm Tin học. Trong khi ngành Công nghệ thông tin rất thu hút thí sinh, năm 2021 tuyển gần 300 sinh viên thì ngành Sư phạm Tin học không mở được lớp do chỉ vài thí sinh đăng ký. “Trường luôn có thắc mắc không hiểu lý do vì sao, có thể do cơ hội việc làm khác nhau của hai ngành học”, ông Duy phán đoán.
Liên quan việc thiếu giáo viên dạy các môn học của Chương trình giáo dục phổ thông mới, theo TS Trần Hữu Duy, Trường đại học Đà Lạt đang có kế hoạch mở các ngành mới vào năm 2023 như: Sư phạm Khoa học tự nhiên, Sư phạm Lịch sử - Địa lý…
Dù ngành giáo dục và đào tạo, các trường sư phạm, các địa phương đã nỗ lực bằng nhiều giải pháp khác nhau nhưng việc thiếu giáo viên các bộ môn đặc thù khó có thể khắc phục ngay trong thời gian ngắn. Hiện nhiều trường THPT đã phải dùng đến giải pháp tình thế là bỏ môn học nghệ thuật ra ngoài phạm vi giảng dạy, ảnh hưởng đến quyền lợi được học tập của các học sinh.