Theo Thông tư, đối tượng áp dụng là người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ đủ 12 tháng đến 36 tháng và hợp đồng lao động không xác định thời hạn làm công việc sản xuất có tính thời vụ trong ngành nông-lâm-ngư-diêm nghiệp, đòi hỏi phải thu hoạch ngay hoặc sau khi thu hoạch phải chế biến ngay; gia công hàng theo đơn đặt hàng, bị phụ thuộc vào thời điểm chủ hàng yêu cầu.
Thông tư quy định rõ giới hạn giờ làm việc tiêu chuẩn và giờ làm thêm như sau: Tổng số giờ làm việc tiêu chuẩn và số giờ làm thêm trong một ngày không quá 12 giờ. Giới hạn giờ làm việc tiêu chuẩn và giờ làm thêm theo tuần, tháng được quy định: Tổng số giờ làm việc tiêu chuẩn và số giờ làm thêm trong một tuần không quá 72 giờ. Tổng số giờ làm thêm trong một tháng không quá 40 giờ. Tổng số giờ làm thêm trong một năm đối với mỗi người lao động không quá 300 giờ.
Bên cạnh đó, Thông tư cũng nêu rõ hằng tuần, người lao động được nghỉ ít nhất một ngày (24 giờ liên tục). Trong những tháng thời vụ hoặc phải gấp rút gia công hàng xuất khẩu theo đơn đặt hàng, nếu không thực hiện được nghỉ hằng tuần thì phải bảo đảm hằng tháng có ít nhất bốn ngày nghỉ cho người lao động...
Nhiều trường ở Hà Nội chuyển sang học trực tuyến
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội vừa gửi thông báo tới các phòng giáo dục và đào tạo quận, huyện, thị xã; các trường THPT và trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên thuộc TP Hà Nội về việc tổ chức dạy học linh hoạt, thích ứng với cấp độ dịch Covid-19 tại địa bàn.
Hiện, Hà Nội có tám đơn vị cấp quận có mức độ dịch cấp độ 3 gồm: Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Long Biên, Nam Từ Liêm và Tây Hồ. Ngoài ra, còn có 67 xã, phường có mức độ dịch cấp độ 3.
Để bảo đảm an toàn sức khỏe cho học sinh và cán bộ, giáo viên, nhân viên, trên địa bàn các xã, phường, thị trấn nếu có mức độ dịch cấp độ 3 thì cho học sinh lớp 9 và học sinh lớp 12 tạm dừng đến trường học trực tiếp, chuyển sang phương án dạy, học trực tuyến kể từ ngày 27/12 cho đến khi có thông báo mới.