Sản xuất bị thu hẹp, tín dụng tăng chậm
Theo số liệu công bố của Tổng cục Thống kê, sáu tháng đầu năm 2023, ngoại trừ khu vực dịch vụ tăng tốt, nông nghiệp ổn định…, một số nhóm ngành kinh tế có sự giảm tốc do doanh nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn như đơn hàng giảm, sức cầu yếu, chi phí đầu vào tăng cao…
Trong kỳ, giá trị tăng thêm của toàn ngành công nghiệp chỉ tăng 0,44% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (vốn là động lực chính của xuất khẩu) chỉ tăng 0,37%. Toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có chỉ số tiêu thụ giảm 2,2% so với cùng kỳ năm 2022; trong khi chỉ số tồn kho toàn ngành (ước tính tại thời điểm 30/6/2023) tăng 9,1% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 19,9% so với cùng thời điểm năm trước. Tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân sáu tháng đầu năm 2023 là 83,1%.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nửa đầu năm đạt 316,7 tỷ USD, giảm 15,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu đạt 164,5 tỷ USD, giảm 12,1%; nhập khẩu đạt 152,2 tỷ USD, giảm 18,2%. Thu hút FDI kém lạc quan khi tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam ước đạt 13,43 tỷ USD, giảm 4,3% so với cùng kỳ năm trước.
Kết quả là sáu tháng đầu năm, ngân sách hụt thu 7,8% so với sáu tháng đầu năm 2022 (đạt 875,8 nghìn tỷ đồng; bằng 54% dự toán) do thu nội địa, thu từ dầu thô và thu từ xuất nhập khẩu giảm lần lượt là 4,7%; 15% và 20,6%.
Theo đánh giá của TS Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện Đào tạo và nghiên cứu Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) trong một báo cáo mới công bố, doanh nghiệp ngày càng chịu tác động rõ nét hơn của hàng loạt khó khăn như sức chống chịu suy giảm sau ba năm đại dịch, chi phí đầu vào vẫn ở mức cao trong khi đầu ra khó khăn vì đơn hàng giảm, mặt bằng lãi suất dần hạ nhiệt nhưng còn cao, khả năng hấp thụ vốn và đáp ứng điều kiện vay vốn ở mức thấp, thị trường trái phiếu doanh nghiệp thu hẹp…
Trao đổi ý kiến với phóng viên, ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam chia sẻ, sáu tháng đầu năm nay, giá trị xuất khẩu của các doanh nghiệp trong Hiệp hội đạt 6,2 tỷ USD; giảm gần 30%, nhập khẩu giảm khoảng 40%.
Ông Vũ Công Huân, Giám đốc Công ty cổ phần HDC (doanh nghiệp phân phối trong nước và xuất nhập khẩu thuỷ sản) cho biết, đơn hàng xuất nhập khẩu trong nửa đầu năm của công ty giảm 25% so với cùng kỳ. Doanh nghiệp này đang thiếu nguồn vốn để đẩy mạnh kênh bán hàng trong nước nhưng không được ngân hàng giải ngân đủ theo hạn mức đăng ký do thiếu tài sản bảo đảm.
Còn theo ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME), có tới 25% hội viên của VINASME vẫn đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay tín dụng do tiêu chí cho vay còn khắt khe, cán bộ ngân hàng gây khó dễ...
Tại Hội thảo “Tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp” do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức sáng 25/7 tại Hà Nội, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, tính đến hết tháng 6/2023, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt 12,5 triệu tỷ đồng, tức chỉ tăng 4,7% so với đầu năm, bằng một nửa tốc độ của cùng kỳ năm trước. Mức tăng trưởng này là thấp nhất trong vòng 13 năm trở lại đây và còn cách khá xa kế hoạch tăng trưởng tín dụng cả năm là 14%.
Trong khi đó, số liệu của NHNN cũng cho thấy, mặc dù mặt bằng lãi suất huy động đã giảm 1-2,5% so với cuối năm 2022 nhưng tiền gửi dân cư vẫn tiếp tục tăng. Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, tiền gửi của dân cư vào hệ thống ngân hàng đã tăng thêm gần 400.000 tỷ đồng, đạt hơn 6,3 triệu tỷ đồng, gần gấp đôi tốc độ tăng của tín dụng toàn nền kinh tế.
Mặt bằng lãi suất dần hạ nhiệt nhưng vẫn còn cao. Ảnh: NAM NGUYỄN |
Phấn đấu giảm thêm lãi suất, nhưng cần nhiều giải pháp khác
Từ đầu năm đến nay, NHNN đã bốn lần giảm lãi suất điều hành (từ 0,5-1,5%) nhằm giảm lãi suất huy động và cho vay, góp phần tăng khả năng tiếp cận và cung cấp vốn cho nền kinh tế.
Bên cạnh đó, NHNN cũng đã ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu lại nợ, hoãn giãn nợ, không chuyển nhóm nợ (nhằm kiểm soát nợ xấu, tăng khả năng tiếp cận vốn cho người dân và doanh nghiệp); Thông tư 03/2023/TT-NHNN (sửa đổi Thông tư 16/2021) nới lỏng một số điều kiện về cho vay, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng, góp phần tháo gỡ khó khăn hiện tại cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Cùng với đó, gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng của bốn ngân hàng thương mại lớn, cho vay nhà ở xã hội với lãi suất ưu đãi, thấp hơn 1,5-2% cũng đã chính thức được hướng dẫn triển khai.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, hệ thống ngân hàng vẫn đang dư tiền trong kho và sẽ giảm thêm lãi suất. Song, ông Tú cũng khẳng định, “chính sách tín dụng không phải đôi đũa thần” giải quyết được mọi vấn đề, việc khơi thông nhu cầu vốn của nền kinh tế không thể dựa hết vào công cụ này.
Lãnh đạo NHNN nói chính sách tiền tệ sẽ cố gắng điều hành linh hoạt những công cụ trong tay ngân hàng có nhưng cần hài hòa nhiều yếu tố. “Đây là thời điểm cần sự vào cuộc của các chính sách khác như việc đẩy mạnh đầu tư công thông qua dùng nguồn vốn ngân sách nhà nước sẽ giúp tín dụng chảy vào doanh nghiệp nguyên vật liệu xây dựng, xây dựng, bất động sản và lan tỏa sang các ngành khác; lĩnh vực xuất khẩu đang gặp khó cần tới chính sách hỗ trợ tiêu dùng nội địa từ Bộ Công thương….”, ông Tú nói.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Thân cho rằng, để tăng khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp thì chính sách giảm lãi suất chỉ là một trong các giải pháp cần được tiếp tục triển khai. Bên cạnh đó, ông Thân đề xuất nếu các ngân hàng không thể hạ tiêu chuẩn do vướng quy định pháp luật hay tiêu chuẩn Basel quốc tế, thì cần phải có giải pháp để tăng cường bảo lãnh tín chấp, nâng cao năng lực doanh nghiệp; các doanh nghiệp cần phải nâng tầm trình độ về quản lý, kế hoạch sản xuất, kinh doanh và minh bạch tài chính để các ngân hàng yên tâm về sức khỏe của doanh nghiệp và nới lỏng điều kiện cho vay…
Trao đổi ý kiến với phóng viên, PGS, TS Hoàng Văn Cường (đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) cũng cho rằng bên cạnh chính sách tiền tệ nới lỏng hơn (giảm thêm lãi suất), cần kết hợp thúc đẩy tổng cầu (bằng các giải pháp kích cầu tiêu dùng trong nước) và hướng chính sách tài khóa giai đoạn này đến mục tiêu hỗ trợ lãi suất.
Đại diện cho tiếng nói của các ngân hàng thương mại, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, vừa rồi Hiệp hội tiếp tục kêu gọi các ngân hàng giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp.
Tuy nhiên, ông Hùng nêu vấn đề, giảm lãi suất có phải là vấn đề cốt lõi không khi mà không phải doanh nghiệp nào cũng đáp ứng đủ điều kiện vay, thiếu đơn hàng thì lãi suất giảm doanh nghiệp cũng không có nhu cầu vay…
Hiệp hội Ngân hàng kiến nghị muốn tháo gỡ khó khăn về hấp thụ vốn phải nhìn từ thực trạng của doanh nghiệp. Theo đó, Chính phủ cần đẩy mạnh cải cách thể chế để giảm chi phí thực thi của doanh nghiệp; cần đẩy mạnh đầu tư công để tạo đà phát triển; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính để tháo gỡ khó khăn cho các dự án tại các địa phương, nhất là các dự án bất động sản; tháo gỡ khó khăn cho thị trường vốn (cổ phiếu, trái phiếu…) để bớt phụ thuộc vào giảm lãi suất…
“Ngoài ra, chúng ta đã có Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Quỹ Bảo lãnh doanh nghiệp nhỏ và vừa tại 24 địa phương, Quỹ Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đây là thời điểm cần có sự hỗ trợ về vốn từ các quỹ trên cho doanh nghiệp”, ông Hùng đề xuất.