Tăng hàm lượng công nghệ trong xuất khẩu

Năm 2023, tỷ trọng xuất khẩu mặt hàng phần cứng, điện tử chiếm 31,9% kim ngạch xuất khẩu. Năm 2024, con số này tiếp tục tăng 34,3% (dữ liệu cập nhật đến 15/12/2024), bỏ xa toàn bộ các ngành, hàng khác…
0:00 / 0:00
0:00
Các sản phẩm của Việt Nam được giới thiệu tại triển lãm quốc tế về linh kiện điện tử thông minh. Ảnh: NAM ANH
Các sản phẩm của Việt Nam được giới thiệu tại triển lãm quốc tế về linh kiện điện tử thông minh. Ảnh: NAM ANH

Ngành công nghệ cho thấy sức bật trở lại sau giai đoạn khó khăn của năm 2023. Đặc biệt, xuất khẩu phần cứng và điện tử ghi nhận mức tăng trưởng đáng kể. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, tổng giá trị xuất khẩu các sản phẩm điện tử năm 2024 ước đạt 132,341 tỷ USD, tăng 16,8% so với năm trước, đánh dấu sự khởi sắc trở lại của lĩnh vực này. Năm 2025, Bộ Thông tin và Truyền thông đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu phần cứng, điện tử ước đạt 148,5 tỷ USD, ước tăng 12,3% so với năm 2024.

Đổi mới và ứng dụng công nghệ là ưu tiên hàng đầu

Theo dữ liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 68,54 tỷ USD, chiếm tỷ trọng cao nhất - 17,7% tổng kim ngạch xuất khẩu. Đặc biệt, tổng giá trị xuất khẩu nhóm hàng máy vi tính, điện thoại và linh kiện điện tử đã chiếm gần 40% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tính đến ngày 15/12/2024, vượt xa các ngành hàng khác.

Sau khi đạt mốc 1 tỷ USD doanh thu dịch vụ công nghệ thông tin từ thị trường nước ngoài vào năm 2023, Tập đoàn FPT đã đặt mục tiêu 5 tỷ USD vào năm 2030. Ông Phạm Minh Tuấn, Tổng Giám đốc FPT Software cho biết, với chiến lược đi trước đón đầu, tập đoàn tập trung nghiên cứu những công nghệ mới nhất và dịch chuyển mạnh mẽ sang những công đoạn cao hơn trong chuỗi giá trị công nghệ.

Doanh thu từ dịch vụ chuyển đổi số chiếm gần 50% tổng doanh thu từ dịch vụ công nghệ thông tin cho thị trường nước ngoài. Trong đó, tập trung vào các công nghệ mới như Cloud - chiếm 40% doanh thu dịch vụ chuyển đổi số; các công nghệ khác như AI, phân tích dữ liệu chiếm 12%; RPA & Lowcode chiếm 10%...

Năng lực trong những mảng công nghệ mới cũng là "vũ khí" để FPT cạnh tranh với các công ty cùng ngành đến từ Ấn Độ, Trung Quốc để có được những hợp đồng, khách hàng quy mô doanh số trăm triệu USD, cũng như đóng vai trò thầu chính trong các dự án lớn.

Không chỉ những doanh nghiệp công nghệ, tại nhiều doanh nghiệp sản xuất, yếu tố công nghệ và đổi mới sáng tạo đã trở thành yếu tố tiên quyết giúp nhiều doanh nghiệp gia tăng năng lực cạnh tranh chinh phục các thị trường khó tính.

Với mục tiêu giảm bớt phụ thuộc vào hàng nhập khẩu, từ cách đây 30 năm, Công ty CP Kinh doanh Gạch ốp lát Viglacera đã từng bước nghiên cứu và làm chủ công nghệ sản xuất gạch ốp lát. Từ chỗ chỉ phục vụ nhu cầu trong nước, đến nay, sản phẩm của doanh nghiệp đã xuất khẩu đi hơn 40 nước và vùng lãnh thổ.

Một trong những công trình tiêu biểu mà sản phẩm của doanh nghiệp được lựa chọn là tháp giải nhiệt nước cho hệ thống điều hòa của tòa nhà Quốc hội Mỹ Capital Hill. Vượt qua các đối thủ đến từ nhiều quốc gia trên thế giới, sản phẩm của doanh nghiệp đã được đối tác đánh giá rất cao.

“Để cung cấp gạch cho dự án tòa nhà Quốc hội Mỹ, chúng tôi đã tìm kiếm nhiều nhà cung cấp khác nhau trên toàn thế giới. Và cho đến nay, chỉ có doanh nghiệp Việt Nam là đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng, môi trường”, ông Rod Applegate, Chủ tịch Công ty Tower Engineering, Mỹ đánh giá.

Theo ông Mai Xuân Đức, Tổng Giám đốc Công ty CP Kinh doanh Gạch ốp lát Viglacera, công nghệ mới kết hợp với đào tạo nhân lực chất lượng cao là hai yếu tố mà doanh nghiệp luôn chú trọng trong hơn 30 năm qua. Từ đây, những sản phẩm mang hàm lượng giá trị gia tăng cao ra đời để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao từ thị trường quốc tế.

Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm công nghiệp tăng 21% so với năm ngoái. Nhận định thị trường không còn dễ dàng, doanh nghiệp xác định đầu tư khoa học - công nghệ là chìa khóa tăng trưởng. Đây là nền tảng để các doanh nghiệp sản xuất trong nước đón thêm nhiều đơn hàng từ các thị trường khó tính khác.

Nỗ lực để cởi bỏ lớp áo “gia công”

Nhận định về điểm yếu của hoạt động xuất khẩu ở nước trong những năm qua, chuyên gia kinh tế Lê Quốc Phương cho rằng, xuất khẩu của chúng ta chưa bền vững, mới tăng về số lượng, còn tăng về chất vẫn còn yếu. “Chúng ta vẫn phải tiếp tục cải cách thể chế, đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm chi phí một thời gian cho doanh nghiệp, để doanh nghiệp có thể tập trung vào sản xuất kinh doanh, nâng cao được năng lực cạnh tranh. Tiếp tục phát triển nguồn nhân lực, bởi vì chúng ta muốn đẩy mạnh xuất khẩu thì nguồn nhân lực kể cả công nhân, cũng như kỹ sư trong ngành công nghệ cao phải phát triển mạnh…”.

Còn theo chuyên gia marketing Vũ Quốc Chinh (Trường đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh), thực tế, với các nước đang phát triển, xuất khẩu hàng công nghệ khởi đầu là lắp ráp, gia công; phần thiết kế vẫn còn chiếm tỷ lệ thấp. Tuy vậy, với quãng thời gian làm gia công dài như thời gian qua, đã đến lúc chúng ta cần đẩy mạnh mảng thiết kế riêng, tìm cách xâm nhập chuyển đổi công nghệ để tăng tỷ trọng giá trị gia tăng cho sản phẩm. Lúc đó kim ngạch xuất khẩu mới có sự đột phá được.

Đáng chú ý, trong năm 2024, Việt Nam có 3 chỉ số đứng đầu thế giới là Nhập khẩu công nghệ cao, Xuất khẩu công nghệ cao và Xuất khẩu hàng hóa sáng tạo (theo % tổng giao dịch thương mại). Các chuyên gia dự báo, xuất khẩu công nghệ khả năng tiếp tục vượt xa các ngành hàng còn lại trong những năm tới.

Báo cáo Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2024 cho thấy, Việt Nam tiếp tục có sự cải thiện thứ hạng đầu vào đổi mới sáng tạo (ĐMST) khi tăng 4 bậc so với năm 2023, từ vị trí 57 lên xếp hạng 53. Đầu vào ĐMST bao gồm 5 trụ cột: Thể chế, Nguồn nhân lực và nghiên cứu, Cơ sở hạ tầng, Trình độ phát triển của thị trường, Trình độ phát triển của doanh nghiệp.

Về đầu ra ĐMST, Việt Nam tăng 4 bậc so năm 2023, từ vị trí 40 lên xếp thứ hạng 36. Đầu ra ĐMST gồm 2 trụ cột: Sản phẩm tri thức và công nghệ, Sản phẩm sáng tạo.