Tăng cường ra quân “nói không với rượu bia”

Để bảo đảm an toàn giao thông dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, lực lượng cảnh sát giao thông sẽ tăng cường xử lý các lỗi vi phạm về trật tự an toàn giao thông (ATGT), đặc biệt kiểm tra về nồng độ cồn với lái xe.
0:00 / 0:00
0:00
Tăng cường ra quân “nói không với rượu bia”

1/Vào thời điểm cuối năm, gần Tết Nguyên đán, các buổi liên hoan, tổng kết, tụ họp diễn ra thường xuyên, kèm theo đó là tình trạng sử dụng rượu, bia vẫn tham gia giao thông đang có dấu hiệu tăng nhiệt trở lại.

“Cơ quan, doanh nghiệp, nhà máy… đa số đều tổ chức tiệc tất niên cho cán bộ, công nhân viên. Kèm theo đó là thói quen tụ tập ăn nhậu của người dân Việt Nam những ngày này khiến tình trạng vi phạm nồng độ cồn cũng tăng cao hơn so bình thường”, Thiếu tá Đào Việt Long, Phó Trưởng phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho biết.

Thời gian qua, lực lượng CSGT cả nước đã rất mạnh tay đối với vi phạm nồng độ cồn. Tuy nhiên, thời điểm cuối năm nhiều cuộc liên hoan, tiệc tất niên kéo theo “ma men” xuất hiện nhiều trên đường phố. Như đêm 13/1, ông V.V.H. (SN 1962, trú tại Thành Công, Ba Đình, Hà Nội) đã bị Cảnh sát 141 dừng phương tiện kiểm tra nồng độ cồn. Kết quả 0,755 mg/L khí thở (cao gấp 1,9 lần mức vi phạm cao nhất về nồng độ cồn). Ông H. bị tạm giữ phương tiện bảy ngày, xử phạt 35 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 23 tháng. Hay tài xế V.N.T điều khiển ô-tô nhãn hiệu Mazda BKS 98A-331.xx trên phố Trần Đăng Ninh (Hà Nội) cũng bị xử phạt 36 triệu đồng, tạm giữ phương tiện bảy ngày do vi phạm nồng độ cồn ở mức 0,265 miligam/lít khí thở….

Theo Phòng CSGT Hà Nội, năm 2022 lực lượng CSGT đã xử lý hơn 17 nghìn trường hợp vi phạm nồng độ cồn, trong đó cao điểm từ 15/11/2022-10/1/2023 đã xử lý 4.380 trường hợp, bằng gần 26% cả năm 2022. Việc phát hiện và xử lý vi phạm với mức “kịch khung” cũng khiến nhiều người điều khiển ô-tô, xe máy biết “sợ” hơn trước rất nhiều, không còn dám lái xe sau khi dùng bia rượu. Dự báo tình hình, từ nay cho đến kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, lực lượng CSGT toàn quốc sẽ tăng cường tuần tra khép kín địa bàn, lập thêm các chốt kiểm tra nồng độ cồn tại các điểm, trong đó thường xuyên thay đổi vị trí để công tác kiểm tra và triển khai các đội kiểm tra nồng độ cồn lưu động trên đường. Tất cả đều trên tinh thần không có ngoại lệ.

2/Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, bia rượu là một trong ba nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng tai nạn giao thông ở Việt Nam. Ước tính có khoảng 40% số vụ tai nạn và 11% số người chết do tai nạn giao thông có liên quan đến việc sử dụng bia rượu. Bình quân mỗi ngày cả nước có khoảng 700 trường hợp vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông bị cơ quan chức năng xử lý.

Tuy nhiên, sau khi các đợt ra quân trấn áp của lực lượng cảnh sát giao thông, ý thức đã uống rượu bia là không lái xe cũng đã dần xuất hiện trong các cơ quan công sở. Các cơ quan chức năng, báo chí đã nhấn mạnh nhiều thông điệp mang tính cảnh báo như “Đã uống rượu bia thì không lái xe”, “Phía trước tay lái là tính mạng”… Đáng tiếc là với khá nhiều người, chỉ đến khi cơ quan chức năng xử phạt rất “nặng tay”, họ mới e ngại trong việc “nâng lên đặt xuống” ở các cuộc liên hoan, tiệc tùng, cưới hỏi cuối năm.

Nhưng rất đáng băn khoăn khi đã có các quy định xử phạt rất nặng về các lỗi vi phạm nồng độ cồn, chỉ đến dịp ra quân trấn áp người dân mới “biết sợ”. Cụ thể, từ khi Nghị định 100 ban hành, nồng độ cồn luôn là trọng điểm thanh kiểm tra. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị về tăng cường thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số 100 của Chính phủ. Thậm chí, quy định đã rất nghiêm khắc nhưng người điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi sử dụng rượu bia vẫn chưa chấp hành nghiêm, thậm chí phớt lờ những cảnh báo hoặc sẵn sàng chống đối lại lực lượng chức năng khi bị xử lý vi phạm.

Quy định tại Nghị định 100 cũng nêu rõ: Tuyệt đối không được có nồng độ cồn trong máu khi lái xe, mức phạt đến vài chục triệu đồng, tước giấy phép lái xe, giữ phương tiện, phạt tù nếu gây hậu quả nghiêm trọng đã được áp dụng. Chỉ thị về tăng cường thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ nêu rõ tinh thần: tuyệt đối không can thiệp vào quá trình xử lý vi phạm nồng độ cồn.

Số liệu từ Cục CSGT cũng cho biết, năm 2022 lực lượng CSGT toàn quốc đã xử phạt hơn 308.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Nhưng trong ba tuần (từ 15/11/2022-9/1/2023) CSGT toàn quốc đã lập biên bản vi phạm nồng độ cồn đối với 71.700 trường hợp, bằng 24% cả năm 2022.