Tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường

Mới đây, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã ra cảnh báo về mức độ ô nhiễm ở hai thành phố lớn là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và nhiều địa phương trên cả nước. Đồng thời đề nghị các địa phương tập trung nguồn lực để kiểm soát ô nhiễm bụi, khí thải.
0:00 / 0:00
0:00
Tình trạng ô nhiễm bụi trong không khí tại Hà Nội đang có diễn biến xấu. Ảnh: NAM ANH
Tình trạng ô nhiễm bụi trong không khí tại Hà Nội đang có diễn biến xấu. Ảnh: NAM ANH

Theo Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, hiện nay tình trạng ô nhiễm bụi trong không khí tại một số địa phương, đặc biệt là Hà Nội và các tỉnh lân cận đang có diễn biến xấu, nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội. Mặt khác, do ảnh hưởng của các điều kiện thời tiết giao mùa có nhiều biến động bất lợi, chênh lệch ngày, đêm về nhiệt độ, độ ẩm, hướng và tốc độ gió, bức xạ nhiệt… trong không khí rất lớn cũng góp phần ảnh hưởng khả năng khuếch tán các chất ô nhiễm trong không khí, đặc biệt là bụi.

Từ dữ liệu ảnh vệ tinh cho thấy nhiều khu vực trên toàn quốc xuất hiện các điểm đốt mở, tập trung nhiều tại khu vực miền núi Đông Bắc như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Tuyên Quang, khu vực Tây Bắc ở các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La và các tỉnh Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và Nam Bộ.

Kết quả quan trắc tại các trạm quan trắc tự động cho thấy chỉ số AQI ngày tại một số trạm ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Thái Nguyên ở mức xấu hoặc rất xấu. Thông số bụi PM2,5 đã vượt QCVN (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia) tại một vài Trạm ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Thái Nguyên. Các thông số PM10, NO2, O3, CO và SO2 về cơ bản vẫn nằm trong giới hạn cho phép của QCVN 05:2013/BTNMT.

Để kịp thời có các biện pháp cấp bách nhằm kiểm soát, giảm ô nhiễm và hạn chế các tác động tiêu cực của ô nhiễm không khí, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường vừa ban hành Công văn số 436/KSONMT-QTMT ngày 2/3 chi tiết để tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí và xử lý triệt để các điểm nóng về ô nhiễm bụi, khí thải.

Theo đó, Cục đề nghị các Sở Tài nguyên và Môi trường tập trung nguồn lực tăng cường các biện pháp kiểm soát ô nhiễm bụi trong không khí, đồng thời báo cáo UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo tăng cường tần suất quan trắc môi trường không khí trong chương trình quan trắc định kỳ và hệ thống các trạm quan trắc tự động, liên tục trên địa bàn. Thực hiện việc tính toán, công bố chỉ số chất lượng không khí chung quanh (AQI); Công bố kết quả quan trắc chất lượng môi trường không khí trên Cổng thông tin điện tử và phương tiện truyền thông của tỉnh, thành phố, đồng thời kết nối về Bộ Tài nguyên và Môi trường để các cơ quan chuyên môn, cơ quan thông tấn, báo chí có thể theo dõi, tiếp cận và đưa tin. Trường hợp xảy ra ô nhiễm môi trường không khí trên địa bàn có hại cho sức khỏe, đơn vị chức năng cần kịp thời cảnh báo cho cộng đồng, nhân dân.

Tổ chức kiểm tra, giám sát, yêu cầu nghiêm các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn thực hiện các biện pháp kiểm soát, bảo đảm xử lý khí thải đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường, đặc biệt là các cơ sở có phát sinh nguồn bụi, khí thải lớn. Đồng thời đôn đốc, giám sát các cơ sở sản xuất thuộc đối tượng phải lắp đặt quan trắc khí thải tự động và truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường theo quy định. Yêu cầu UBND cấp huyện, xã và các đơn vị chức năng, tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân không đốt chất thải rắn, rơm rạ sau thu hoạch để giảm phát sinh khí thải, bụi gây ô nhiễm môi trường. Khẩn trương kiểm tra thực tế, xác định và ngăn chặn kịp thời các hoạt động đốt mở trên địa bàn cũng như có các giải pháp triệt để, tận thu tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp cho các mục đích khác, hạn chế tình trạng đốt gây ô nhiễm môi trường. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đối với hành vi đốt chất thải rắn sinh hoạt sai quy định.

Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị chức năng liên quan tổ chức kiểm tra, đôn đốc các chủ dự án, đơn vị quản lý, thi công các công trình xây dựng, giao thông, cải tạo hạ tầng đô thị thực hiện nghiêm các biện pháp ngăn ngừa, giảm thiểu phát tán bụi, khí thải ra môi trường chung quanh bằng cách che chắn công trình, phương tiện vận chuyển vật liệu xây dựng, phế thải xây dựng, phun nước, rửa đường, rửa xe ra vào công trình...