Tận dụng tài nguyên nước

Trong bối cảnh nhiều địa phương trên cả nước như: Bắc Giang, Bắc Ninh… thậm chí cả Thủ đô Hà Nội phải thực hiện luân phiên cắt điện để tiết kiệm điện và ưu tiên cho sản xuất do thiếu điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phải huy động các loại hình điện năng khác với giá cao, thì nhiều nhà máy thủy điện (NMTĐ) vừa và nhỏ lại chịu cảnh nhìn nguồn tài nguyên nước lãng phí trôi đi mà không thể phát điện, bán cho EVN với giá thấp. Đâu là lý do dẫn đến nghịch lý này?
0:00 / 0:00
0:00
Hồ thủy điện Đơn Dương (Công ty cổ phần thủy điện Đa Nhim). Ảnh: NAM ANH
Hồ thủy điện Đơn Dương (Công ty cổ phần thủy điện Đa Nhim). Ảnh: NAM ANH

“Vô tình” phát vượt công suất

Trong suốt thời gian từ đầu tháng 3/2023 đến nay, các NMTĐ vừa và nhỏ (công suất dưới 30 MW và được huy động theo cơ chế chi phí tránh được) khu vực miền trung thường xuyên bị tiết giảm công suất do phát vượt công suất theo hợp đồng mua bán điện đã ký kết và theo giấy phép hoạt động điện lực cũng như giấy phép khai thác nước mặt.

Theo đại diện Công ty CP thủy điện Nước Trong, việc này gây ra nhiều khó khăn cho công tác vận hành và thiệt hại về kinh tế cho các NMTĐ nhỏ. Nguyên nhân của việc phát vượt công suất, chủ yếu là các NMTĐ bám biên công suất cao nhất của các tổ máy phát điện, nhằm bảo đảm hiệu quả kinh tế phát điện, do vậy khi có lưu lượng nước về hồ chứa nhà máy tăng đột ngột dẫn đến công suất phát của turbin cao hơn công suất thiết kế. Việc phát vượt công suất là nguyên nhân khách quan, do yếu tố thời tiết, các NMTĐ hoàn toàn không tự ý phát vượt công suất.

Dẫn trường hợp của một doanh nghiệp (DN) trong Hiệp hội DN thủy điện miền trung - Tây Nguyên, đại diện Công ty CP thủy điện Nước Trong cho rằng, việc “vô tình” phát vượt vài kWh trên khiến NMTĐ này thiệt hại lớn và sau đó phải thường xuyên phát dưới công suất thiết kế để tránh bị “tuýt còi”.

Đây là tình trạng chung ở nhiều DN thủy điện khác, gây lãng phí rất lớn trong bối cảnh cả nước bị thiếu điện, phải tiết kiệm điện.

Theo phân tích của đại diện Công ty CP thủy điện Trà Bồng, NMTĐ vừa và nhỏ thường không có hồ chứa hoặc lòng hồ rất nhỏ nên khi có mưa lớn là nước thường xuyên qua tràn xả thừa khi phát điện ở giờ thấp điểm cũng như giờ cao điểm.

Lý giải về nguyên nhân của việc phát vượt công suất, đại diện Công ty CP thủy điện Trà Bồng phân tích kỹ hơn, công suất phát điện của nhà máy tăng hay giảm phụ thuộc chủ yếu vào hai yếu tố chính là cột nước phát điện và lưu lượng qua các tổ máy. Thông thường các nhà cung cấp thiết bị thường thiết kế tuabin với lưu lượng lớn hơn lưu lượng thiết kế (Qmax) để dự phòng cho hiệu suất của thiết bị. Thiết bị tổ máy của nhà cung cấp thường có khả năng phát vượt công suất đến 20% khi có cột nước phát điện và lưu lượng qua tổ máy lớn hơn giá trị thiết kế.

Lãng phí tài nguyên, thất thu ngân sách

Thực tế trong vận hành, nhiều thời điểm mực nước hồ cao hơn mực nước chết nên cột nước phát điện sẽ lớn hơn cột nước thiết kế, dòng chảy tự nhiên đến hồ chứa thay đổi theo ngày và mùa, nhất là trong mùa lũ lưu lượng về hồ nhiều thời đoạn có lưu lượng lớn hơn lưu lượng phát điện thiết kế Qmax, vào các thời điểm này lưu lượng thừa sẽ được xả qua công trình tràn tháo lũ trả về sông thiên nhiên. Như vậy trong quá trình vận hành sẽ có nhiều thời đoạn cột nước phát điện, lưu lượng nước về hồ lớn hơn giá trị thiết kế nên đây là những thời điểm có thể phát điện vượt công suất lắp máy từ 0%-20%, nếu nhà máy không phát vượt công suất thì lượng nước thừa sẽ được xả thừa qua đập tràn…

Phân tích về mức độ thiệt hại của các NMTĐ và việc thất thu thuế do các NMTĐ không được phép phát vượt công suất gây ra, lãnh đạo Công ty TNHH MTV năng lượng Sovico Quảng Ngãi cho biết, chi phí đầu tư thời điểm này vào khoảng 35-38 tỷ đồng/1 MW. Bình quân mỗi MW sẽ phát được 3.500 giờ đến 3.800 giờ một năm, tức là bình quân mỗi MW sẽ làm ra sản lượng điện 3,5 đến 3,8 triệu kWh trong một năm. Giá bán điện có giờ cao điểm, trung bình và thấp điểm nhưng bình quân cả năm, giá bán điện của các NMTĐ nhỏ khoảng

1.110 - 1.150 đồng/kW, trong khi giá mua điện than hay khí bình quân từ 1.900 đến 2.200 đồng/kW và giá điện năng lượng tái tạo cũng 1.950-2.200 đồng/kW. Như vậy, so về giá, giá thủy điện là rẻ nhất! Tức là mỗi MW từ công suất lắp máy sẽ mang lại doanh thu 4 - 4,5 tỷ đồng trong một năm và như vậy mỗi MW sẽ nộp VAT vào ngân sách 400-450 triệu đồng/năm.

Từ phân tích trên, đại diện Công ty TNHH MTV năng lượng Sovico Quảng Ngãi khẳng định, NMTĐ nào công suất lớn sẽ nộp nhiều, công suất nhỏ sẽ nộp ít, chưa kể còn phải nộp tiền “cấp quyền khai thác nước mặt” mỗi năm một lần tùy theo công suất nhà máy và mỗi kW sản lượng trên hóa đơn bán điện cũng nộp thuế tài nguyên nước và phí môi trường rừng. Tức là nhà nước thu được thuế VAT, thuế tài nguyên nước và phí dịch vụ môi trường từ sản lượng các NMTĐ là rất lớn. Vì thế, việc các NMTĐ phát vượt công suất không những không bị ảnh hưởng gì mà con mang lại lợi ích kinh tế cho cả DN và Nhà nước.

Theo tính toán sơ bộ của Hiệp hội Nhà đầu tư và phát triển thủy điện Việt Nam, các NMTĐ vừa và nhỏ không tận dụng được nguồn nước mưa như hiện nay có thể thiệt hại 2-5 tỷ đồng/năm; còn Nhà nước thất thu một khoản thuế lớn từ thuế thu nhập DN, thuế VAT, thuế tài nguyên nước.

Tại thời điểm mùa mưa như hiện nay, giá điện của các dự án NMTĐ vừa và nhỏ chỉ có 706 đồng/kW mà không được phát vượt trong khi các nguồn khác như điện gió, mặt trời, nhiệt điện và điện khí giá lại rất cao từ 1.800 đồng đến 4.600 đồng/kW. Đây là một sự lãng phí rất lớn, góp phần dẫn đến việc thua lỗ của nhiều DN ngành điện và đẩy giá bán điện cho người dân lên cao”, đại diện Công ty CP thủy điện Nước Trong nêu quan điểm.

Đi tìm lời giải?

Tính đến tháng 11/2022, đã có hơn 400 nhà đầu tư tham gia đầu tư trên toàn hệ thống điện quốc gia, với khoảng 457 NMTĐ nhỏ có công suất khoảng 4.698 MW. Trung bình hằng năm, hòa lưới điện khoảng 17 tỷ kWh điện cho hệ thống điện quốc gia (chiếm khoảng 8% sản lượng điện toàn hệ thống năm 2021) nên với các quy định hiện hành đã gây thiệt hại rất lớn về kinh tế cho các nhà đầu tư và Nhà nước.

Ông Lương Minh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Nhà đầu tư và phát triển thủy điện Việt Nam cho biết, trong công văn gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) và EVN, chúng tôi đã nêu rõ mong muốn của các DN khi kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành liên quan và EVN tạo điều kiện để các NMTĐ vừa và nhỏ huy động công suất nhà máy theo “cơ chế chi phí tránh được” để tận dụng nguồn nước dồi dào mùa mưa, bảo đảm tăng cung cấp nguồn điện trong hoàn cảnh một số nơi xảy ra thiếu điện.

Ông Lương Minh Tuấn phân tích, tại Khoản 1, Điều 79 Thông tư 40/2014/TT-BCT quy định rõ “trừ trường hợp xảy ra quá tải hoặc ảnh hưởng đến an ninh hệ thống điện, cho phép nhà máy điện được huy động theo cơ chế chi phí tránh được, được tự điều khiển phát công suất tác dụng”. Như vậy, rõ ràng là có căn cứ để cho phép các NMTĐ phát vượt công suất. Trên thực tế, việc phát vượt công suất đã được tính toán trong Báo cáo kinh tế khả thi của dự án, đã được các cấp quản lý nhà nước thẩm định phê duyệt, mức phát vượt từ 10%-20% so công suất thiết kế. Mặt khác, chúng ta cần có cách ứng xử có khoa học đối với tài nguyên nước.

Trong khi đó, Thông báo số 185/TB-VPCP ngày 19/5/2023 thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ về việc bảo đảm cung ứng điện mùa khô năm 2023 tại mục 2 Khoản 2, cũng nêu rõ: “EVN thực hiện các giải pháp phù hợp để khai thác hiệu quả nhất các nguồn thủy điện vì lợi ích tổng thể quốc gia”.

Về vấn đề khai thác hiệu quả các nguồn thủy điện, tại Văn bản số 1491/TNN-LVSHTB, ông Ngô Mạnh Hà, Phó Cục trưởng Quản lý tài nguyên nước (Bộ TN&MT) cho rằng: Trong thời gian qua, trước bối cảnh tình trạng nắng nóng kỷ lục xảy ra nhiều nơi trên cả nước, vai trò của các thủy điện trong việc tham gia cung ứng điện là rất quan trọng và việc tiếp tục tận dụng tài nguyên nước để tăng hiệu quả phát điện, tránh lãng phí, tối ưu việc sử dụng nguồn nước là cần thiết, nhất là trong điều kiện diễn biến tài nguyên nước ngày càng phức tạp trước tác động của biến đổi khí hậu. Đồng thời, EVN cần có giải pháp phù hợp để khai thác hiệu quả nhất các nguồn thủy điện là một trong những yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ (tại Thông báo số 185/TB-CPCP).

Cục Quản lý tài nguyên nước đề nghị EVN chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai các giải pháp nhằm khai thác, huy động ở mức cao nhất nguồn năng lượng do tận dụng hiệu quả, tránh lãng phí nguồn nước đối với các NMTĐ đã được xây dựng với quy mô công suất lắp máy và các thông số kỹ thuật đúng quy hoạch ngành điện, giấy phép hoạt động điện lực, giấy phép tài nguyên nước,... tuân thủ các quy định của pháp luật liên quan.

Cho rằng đề xuất của các NMTĐ là hợp lý, ngày 18/7/2023, EVN đã có Văn bản số 4115/EVN-TTĐ do Phó Tổng giám đốc EVN Ngô Sơn Hải ký, gửi Bộ Công thương đề nghị cho ý kiến về chủ trương và hướng dẫn cụ thể để tháo gỡ vướng mắc theo đề nghị của các NMTĐ.

Tuy nhiên, cho đến nay kiến nghị của các DN vẫn chưa được giải quyết.