TMĐT bắt đầu xuất hiện trong nội dung các FTA thế hệ mới mà Việt Nam tham gia, điển hình là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), FTA Việt Nam - Liên hiệp châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Theo Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) Nguyễn Anh Dương, muốn tận dụng hiệu quả cơ hội từ các FTA với TMĐT, các DN cần nghiên cứu kỹ nội dung về TMĐT trong từng FTA. Mặt khác, cần liên hệ chặt chẽ với đối tác nước ngoài, thông qua cơ quan quản lý của Việt Nam để truyền tải kịp thời những ý kiến phản biện hay những vướng mắc tới cơ quan quản lý nước ngoài về TMĐT. Đây là nội dung tương đối mới trong các FTA của Việt Nam, chủ yếu chỉ có trong các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA và RCEP. Cả ba FTA thế hệ mới này đều có phần khung tương đồng nhưng nội dung, phạm vi, độ toàn diện cũng như những chế tài rất khác biệt. Với CPTPP, chương TMĐT là chương tương đối toàn diện. Trong ba FTA kể trên, CPTPP là FTA có nhiều quy định nhất và ngặt nghèo nhất về TMĐT.
Ông Nguyễn Anh Dương phân tích, thứ nhất, các chính sách chung như cam kết không đánh thuế xuất nhập khẩu (XNK) với các sản phẩm truyền dẫn điện tử. Điều này vẫn thống nhất với tinh thần chung của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Tuy nhiên, lưu ý là rất nhiều nước cũng đang tính toán vượt ra khỏi tinh thần chung của WTO về câu chuyện đánh thuế này. Thứ hai, các cam kết không phân biệt đối xử giữa các sản phẩm kỹ thuật số tương tự nhau. Nội dung này với Việt Nam được miễn trừ hai năm kể từ khi CPTPP có hiệu lực, ngày 14-1-2019. Đến thời điểm này, quy định miễn trừ đối với Việt Nam đã hết.
Tuy nhiên, phần liên quan sau này xuyên suốt CPTPP và với mọi FTA có chương về TMĐT khác là yêu cầu bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (NTD). Pháp luật về bảo vệ NTD trên môi trường mạng trước gian lận, lừa đảo trong TMĐT. Đây là quy chế rất quan trọng. DN làm XNK bình thường theo kênh truyền thống ra nước ngoài, bảo vệ quyền lợi NTD đã là vấn đề phức tạp, nhưng với TMĐT đây lại còn là nội dung phức tạp hơn. Bởi có thể có nhiều chế tài hơn, còn có những yêu cầu liên quan như vai trò của sàn TMĐT.
Đó cũng là thách thức, song thách thức quan trọng hơn là về văn hóa. TMĐT trong nước vi phạm về sản phẩm được đánh giá tương đối nhiều. Nếu không điều chỉnh thói quen văn hóa ít tôn trọng bảo vệ NTD, khi đi ra ngoài là “sân chơi”, thiết chế khác hẳn, DN sẽ đối mặt khó khăn. Với một số DN có thể dẫn tới câu chuyện xuất khẩu ra bên ngoài qua TMĐT khó quá liền quay trở lại trong nước.
Nội dung về TMĐT trong EVFTA và RCEP thì có những quy định tương đối mềm mại hơn so CPTPP. Cụ thể, không áp dụng các loại thuế hải quan đối với giao dịch điện tử; cam kết hợp tác thông qua việc duy trì đối thoại về các vấn đề quản lý được đặt ra trong TMĐT, bao gồm: Trách nhiệm của các nhà cung cấp dịch vụ trung gian trong việc truyền dẫn hay lưu trữ thông tin; ứng xử với các hình thức liên lạc điện tử trong thương mại không được sự cho phép của người nhận như: thư điện tử chào hàng, quảng cáo…; bảo vệ NTD khi tham gia giao dịch điện tử.
Trong khi đó, RCEP cũng có những nội dung tương đồng và cả những nội dung tương đối mới về TMĐT so CPTPP và EVFTA bao gồm: Thuận lợi hóa thương mại; ban hành quy định bảo vệ NTD để ngăn chặn gian lận, lừa đảo trên TMĐT; không áp dụng thuế hải quan đối với các loại hình truyền dẫn điện tử giữa các bên; yêu cầu đặt trang thiết bị máy tính trên lãnh thổ quốc gia như là điều kiện để thực hiện kinh doanh trên lãnh thổ quốc gia của bên đó… Tuy nhiên, phải sau 5 năm RCEP có hiệu lực mới phải thực hiện các quy định về TMĐT.
Nhìn từ góc độ các cam kết, theo ông Nguyễn Anh Dương, điều quan trọng thứ nhất là DN phải tìm hiểu thông tin liên quan đến TMĐT trong các FTA. Bên cạnh các nội dung nêu trên, còn rất nhiều nội dung khác liên quan đến sản phẩm kinh doanh trên TMĐT như: Bảo hộ sở hữu trí tuệ, kiểm dịch động thực vật hay chứng nhận hợp chuẩn hợp quy, các hàng rào kỹ thuật… Thứ hai, sự tham gia, tham vấn các đối tác nước ngoài, các cơ quan quản lý nước ngoài về quy định TMĐT hoặc thông qua cơ quan quản lý của Việt Nam để truyền tải những ý kiến phản biện hay những vướng mắc của mình tới cơ quan quản lý nước ngoài về TMĐT cũng là yếu tố rất quan trọng. Các cơ quan quản lý của Việt Nam sẽ có những cơ sở thực tiễn để trao đổi với phía đối tác. Thứ ba, DN cần lưu ý là các cam kết cũng chỉ là điều kiện cần tối thiểu, DN đáp ứng được các cam kết trong FTA không có nghĩa là DN đã đáp ứng được đầy đủ các tiêu chuẩn về TMĐT ở thị trường đối tác.