19% số trẻ em toàn cầu sống trong xung đột
Báo cáo do UNICEF công bố cuối tuần trước nêu rõ: Cộng đồng quốc tế đang trong thời điểm có số lượng các cuộc xung đột cao nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Từ các vùng lãnh thổ Palestine, Lebanon, Ukraine đến Sudan, Haiti..., số lượng trẻ em chịu tác động của xung đột tăng lên mức kỷ lục.
UNICEF ước tính hơn 473 triệu trẻ em, tương đương 19% số trẻ em toàn cầu, đang sống tại các khu vực có xung đột trên khắp thế giới. Tỷ lệ này đã tăng gấp đôi, từ khoảng 10% trong thập niên 1990. Khoảng 47,2 triệu trẻ em phải di dời do xung đột và bạo lực.
Cuộc chiến tại Dải Gaza được UNICEF mô tả là “cơn ác mộng” với trẻ em. Gần 17.500 trẻ em thiệt mạng trong gần 15 tháng xung đột, vốn đã biến dải đất này thành đống đổ nát. Theo LHQ, số trẻ em thương vong tại Dải Gaza và Ukraine trong 9 tháng năm nay đã cao hơn con số của cả năm 2023.
Chuyên gia truyền thông của UNICEF Rosalia Bollen nhấn mạnh: Trẻ em ở Gaza phải chống chọi thời tiết giá lạnh, dịch bệnh và tình trạng sang chấn tâm lý. Ước tính, 96% số phụ nữ và trẻ em tại đây không được đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cơ bản. Nhiều trẻ không có áo ấm, phải chật vật tìm kiếm thức ăn và đối mặt nguy cơ bệnh tật.
Báo cáo của UNICEF cũng nêu lo ngại về tình trạng bạo lực tình dục đối với trẻ em trong bối cảnh xung đột. Tại Haiti, số vụ được báo cáo đã tăng gấp đôi trong năm nay. Trẻ em khuyết tật có xu hướng phải chịu bạo lực nhiều hơn.
Các quyền trẻ em không được bảo đảm
Không chỉ bị thương vong trong xung đột, các quyền cơ bản cũng bị vi phạm đối với số lượng kỷ lục trẻ em, chẳng hạn bị đói, lỡ việc học tập, không được tiếp cận vaccine, suy dinh dưỡng nghiêm trọng... Tình trạng mất an ninh và cơ sở hạ tầng giáo dục bị phá hủy đã làm trầm trọng thêm tình hình giáo dục vốn gặp khó khăn trong bối cảnh xung đột.
UNICEF ước tính, hơn 52 triệu trẻ em ở các quốc gia có xung đột không được đến trường. Trẻ em ở Gaza và khu vực rộng lớn ở Sudan đã lỡ một năm học tập. Trường học tại Ukraine, CHDC Congo, Syria... bị phá hủy, hư hại hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng, khiến hàng triệu trẻ em không thể đến trường.
Xung đột vũ trang và bạo lực tiếp tục là nguyên nhân chính gây ra nạn đói ở nhiều điểm nóng, làm gián đoạn hệ thống lương thực, khiến người dân phải di dời và khó tiếp cận viện trợ nhân đạo. Tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em tại các khu vực đã lên mức báo động. Tại Sudan, nạn đói đã được tuyên bố tại Bắc Dafur, lần đầu kể từ năm 2017. Theo khảo sát của UNICEF, năm 2024 có hơn nửa triệu người ở 5 quốc gia bị ảnh hưởng xung đột phải sống trong tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng.
Xung đột làm gián đoạn, cản trở trẻ em tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng. Khoảng 40% số trẻ em ở các vùng xung đột không được tiếp cận, hoặc tiêm không đầy đủ các loại vaccine, khiến trẻ em càng dễ bị tổn thương trong các đợt bùng phát dịch bệnh. Tác động đến sức khỏe tâm thần của trẻ em cũng rất lớn. Việc phải chứng kiến bạo lực, mất người thân khiến trẻ em dễ rơi vào tình trạng trầm cảm, ác mộng, hoặc có hành vi thu mình, sợ hãi...
Phát biểu ý kiến khi công bố báo cáo, Giám đốc điều hành UNICEF Catherine Russell khẳng định rằng, xét theo hầu hết các thước đo, năm 2024 là một trong những năm tồi tệ nhất đối với trẻ em trong xung đột, kể từ khi UNICEF được thành lập. Bà Russell nhấn mạnh: Trẻ em lớn lên trong vùng xung đột có nguy cơ không được đến trường, bị suy dinh dưỡng hoặc phải di dời cao hơn và thường xuyên hơn so trẻ em sống ở những nơi có hòa bình. Đây không thể là “chuẩn mực bình thường mới” và thế giới không thể để trẻ em tiếp tục chịu tác động tàn khốc của các cuộc xung đột.