Tác động của công nghệ đối với giá trị doanh nghiệp

Công nghệ tạo ra giá trị kinh doanh. Nhưng một số doanh nghiệp đang bỏ lỡ giá trị tiềm năng của các khoản đầu tư vào công nghệ của họ. Có nhiều phương thức để liên kết các quyết định đầu tư công nghệ với các thước đo giá trị doanh nghiệp nhằm tối ưu hóa lợi ích cho doanh nghiệp.
0:00 / 0:00
0:00
Dây chuyền sơn tự động của Nhà máy ô-tô Trường Hải. Ảnh: SONG ANH
Dây chuyền sơn tự động của Nhà máy ô-tô Trường Hải. Ảnh: SONG ANH

Theo nghiên cứu mới nhất của tập đoàn kiểm toán và tư vấn Deloitte, công nghệ không chỉ là một bộ công cụ, nó còn là chất xúc tác quan trọng cho hiệu quả kinh doanh và khả năng cạnh tranh trong một thế giới đang thay đổi liên tục. Gần 90% số giám đốc chiến lược được hỏi ý kiến đều đồng ý rằng, áp dụng các công nghệ tiên tiến là một biện pháp ban hành chiến lược cơ bản. Nhưng việc nhận ra toàn bộ giá trị của công nghệ vẫn còn là một vấn đề mơ hồ. Các khảo sát cho thấy, chỉ 6% số nhà quản lý tin rằng công ty của họ đang thu được lợi nhuận hiệu quả từ các khoản đầu tư số.

Thực tế, nhiều doanh nghiệp vẫn còn sức ỳ trong nhận thức về công nghệ. Hiện tại, chỉ có 52% số công ty được khảo sát có quy trình ra quyết định đầu tư vào công nghệ; và chỉ 35% trong số đó có quy trình cụ thể để ưu tiên đầu tư cho công nghệ thông tin. Dữ liệu từ cuộc khảo sát Global Boardroom 2022 cho thấy, khi đánh giá và định hình giá trị công nghệ, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp phải đối mặt với một số vấn đề: không có khả năng liên kết việc đầu tư công nghệ với tăng trưởng, tỷ suất hoàn vốn quá cao so với các thước đo giá trị dài hạn, sự phân tán và khác biệt lớn trong báo cáo của những nhóm kinh doanh và công nghệ.

Những vấn đề trên xảy ra vì các doanh nghiệp chưa hiểu rõ tác động của công nghệ thông tin đến kinh doanh và các giá trị lâu dài của doanh nghiệp. Các công ty làm tốt việc tính toán chi phí nhưng chưa thật sự giỏi trong tính toán giá trị. Để giải quyết vấn đề này, các giám đốc trải nghiệm khách hàng (CXO) phải xây dựng được một phương thức kết nối cách tính giá trị toàn diện của doanh nghiệp với sự phức tạp đa sắc thái trong chuyển đổi số.

Ở đây, các doanh nghiệp nên nghĩ về giá trị theo hai phương thức mới. Thứ nhất, cần áp dụng góc nhìn bao quát hơn để tạo mối liên hệ giữa giá trị doanh nghiệp và các khoản đầu tư số mới. Đây là một lỗ hổng lớn đang tồn tại trong việc hiểu tổng giá trị doanh nghiệp từ một khoản đầu tư công nghệ trong tương lai. Thứ hai, kiểm tra chặt chẽ giá trị tiềm năng còn ẩn chứa trong “tài sản công nghệ” hiện có (tài sản, tài năng và cách thức làm việc)... Điều này cho phép các CXO cân bằng nhu cầu giành chiến thắng nhanh chóng với các chiến lược chuyển đổi số dài hạn.

Để có một góc nhìn bao quát hơn, lãnh đạo doanh nghiệp cần xây dựng một khung tổng thể nêu và giải thích được những cách mà doanh nghiệp tạo ra giá trị. Sau đó, họ có thể sử dụng nó để hoạch định một cách đầy đủ hơn về cách mỗi khoản đầu tư vào công nghệ ảnh hưởng đến các đòn bẩy giá trị. Hiện tại, hầu hết các doanh nghiệp đang dùng vốn nội bộ để hợp pháp hóa chi tiêu công nghệ, sau đó sử dụng khách hàng bên ngoài để chứng minh giá trị của công nghệ và họ bị mắc kẹt trong một vòng lặp. Mọi công việc kinh doanh và chi tiêu cho công nghệ trở nên bị cô lập và phân mảnh. Vì thế, cần phải suy nghĩ một cách tổng thể, làm cho toàn bộ hệ thống hoạt động hiệu quả hơn.

Một trong những khung như vậy là bản đồ giá trị doanh nghiệp (EVM) và “ngôn ngữ giá trị” mà nó thiết lập. Mục đích của EVM là gắn các khoản đầu tư với kết quả và giá trị của doanh nghiệp. Khi công nghệ trở nên phổ biến và ngày càng quan trọng hơn, EVM giúp các giám đốc điều hành tạo ra một câu chuyện hoàn chỉnh về giá trị của nó. Nói một cách đơn giản, mở rộng EVM xuống lĩnh vực công nghệ có thể làm cho mối quan hệ giữa các quyết định đầu tư và giá trị trở nên rõ ràng hơn.

Sau khi lập EVM, doanh nghiệp sẽ định hình được các mục tiêu đầu tư số có khả năng xảy ra (không loại trừ lẫn nhau): Thứ nhất là tối ưu hóa: liên quan việc triển khai công nghệ để vận hành doanh nghiệp hiệu quả và đây là một trong những mục tiêu chuyển đổi số điển hình nhất. Điều này bao gồm số hóa quy trình làm việc để giảm thời gian, cho phép doanh nghiệp cải thiện chất lượng sản phẩm... Thứ hai là giữ gìn và bảo vệ: sử dụng công nghệ để xây dựng chiến lược kinh doanh bền vững và bảo vệ mình trước những rủi ro thông qua việc cải tiến giám sát, phát triển các biện pháp bảo mật... Thứ ba là xây dựng và mở rộng: tận dụng công nghệ để tạo ra các năng lực mới, xây dựng sản phẩm mới mở rộng thị trường. Thí dụ, doanh nghiệp có thể tận dụng công nghệ số để mang lại trải nghiệm bán lẻ cho khách hàng ở xa.

Các nhà quản trị doanh nghiệp có thể sử dụng ba mục tiêu số nêu trên và EVM để đơn giản hóa việc ra quyết định và ước tính giá trị. Khi áp dụng cách nhìn bao quát này, họ không chỉ có thể ước tính tốt hơn giá trị doanh nghiệp mà còn nắm bắt được chi phí cơ hội của các khoản đầu tư mà họ từ chối thực hiện.

Ngoài ra, chuyển đổi số không phải lúc nào cũng yêu cầu các sản phẩm và nền tảng hoàn toàn mới. Bất động sản công nghệ hiện có đều có giá trị tiềm năng đáng kể. Doanh nghiệp cần xem xét kỹ hơn để giải quyết những hạn chế và phức tạp không cần thiết bằng cách: Xác định điều gì đang kìm hãm doanh nghiệp, giải quyết những thách thức đang tồn tại trước khi đầu tư lớn hơn; tái sử dụng tài sản để tận dụng những gì chúng có thể mang lại, như hoạch định nguồn lực doanh nghiệp (ERP) mới hiệu quả hơn...; khai thác toàn bộ tiềm năng của lực lượng lao động.

Cuối cùng, cần phải hiểu việc đầu tư vào công nghệ sẽ đem lại những giá trị gì cho doanh nghiệp. Một khung chung và nhất quán về cách đo lường giá trị công nghệ có thể giúp doanh nghiệp điều chỉnh các thước đo công nghệ với tham vọng về giá trị của doanh nghiệp. Và khi nghiên cứu về giá trị công nghệ trong tương lai, một khung giá trị nhất quán sẽ tạo ra nhiều lợi ích. Nó có thể làm rõ những yếu tố nào tạo ra giá trị cho doanh nghiệp để các nhà lãnh đạo hiểu rõ hơn và tối ưu hóa những yếu tố đó.