Chuyên đề: NHỌC NHƯ HỌC TRỰC TUYẾN

Sức khỏe tâm thần không phải chuyện nhỏ

Học sinh Hà Nội đã ở nhà tránh dịch hơn nửa năm, học trực tuyến hơn ba tháng. Đây là phương thức phù hợp trong hoàn cảnh dịch bệnh, được nhiều quốc gia sử dụng. Tuy nhiên, đang nổi lên vấn đề bất ổn về sức khỏe tâm thần của học sinh; cùng với đó, chất lượng dạy học trực tuyến cần tiếp tục được cải thiện.

Khám sức khỏe định kỳ cho học sinh.
Khám sức khỏe định kỳ cho học sinh.

Sau khi Hà Nội nới lỏng các biện pháp chống dịch, số người đến khám sức khỏe tâm thần tăng hơn bình thường. Bệnh nhân đến khám ở mọi lứa tuổi nhưng nhóm vị thành niên, thanh niên chiếm tỷ lệ cao nhất. Đa số bệnh nhân bị ảnh hưởng của dịch bệnh và việc học trực tuyến kéo dài.

Ảnh hưởng lâu dài

Như các bạn cùng lứa, N.V.H (15 tuổi) học online ở nhà từ khi dịch bùng phát nặng. Hơn năm nay, H. cảm thấy mọi thứ đều khó tiếp nhận, học hành giảm sút, chán ăn, hay cáu kỉnh và đổ lỗi cho bố mẹ… Thấy con thay đổi bất thường, bố mẹ H. chỉ nghĩ con đang ở tuổi thay đổi tâm sinh lý bình thường nên không quan tâm lắm. Chỉ đến khi H. có dấu hiệu trầm cảm nặng, mất ngủ triền miên, cân nặng giảm sút thì bố mẹ mới nhờ đến bác sĩ.

Theo TS, bác sĩ Trần Thị Hồng Thu, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương, đại dịch đang tiếp tục tác động nặng nề lên sức khỏe tâm thần của trẻ. Các em bị gián đoạn việc học tập, các hoạt động vui chơi, giải trí, giao tiếp bị hạn chế. Khi không có hoạt động nào khác ngoài môi trường, nhiều trẻ không có người trông nom, đã lên mạng xã hội chơi game, xem điện thoại suốt ngày. Vấn đề liên quan đến bạo lực, xâm hại trẻ em cũng có chiều hướng gia tăng. Tình trạng trẻ mắc Covid phải cách ly điều trị xa gia đình cũng đe dọa sức khỏe tinh thần của các em. “Đây là vấn đề nhức nhối nhất mà tôi đã phải tư vấn cho rất nhiều gia đình trong thời gian này”, bác sĩ chia sẻ. 

Bác sĩ Thu dẫn chứng, gần nhất có trường hợp một học sinh bảy tuổi ở Hà Nội bị chứng “nghiện” thiết bị điện tử. Giai đoạn học online, cháu càng có điều kiện để chơi. Vào giờ học, thay vì tập trung vào bài giảng, cháu lại mở các trò chơi và say sưa với chúng. Khi bị cô giáo phát hiện, báo cho gia đình giám sát thì cháu la hét, đập phá. Hoặc gần đây có cháu tám tuổi, ở nhà lâu ngày nên hay xem phim. Gần đây cháu xem nhiều quá, dẫn đến luôn miệng nhắc tên các nhân vật. Bố mẹ không cho mở lại bộ phim đó nữa nhưng cậu bé vẫn không thể quên được, vẫn luôn ngủ mơ với tình trạng hoảng hốt.

“Nhiều trẻ tiềm ẩn một số bệnh lý, lẽ ra nó không xuất hiện nhưng vì tâm lý bức bối, căng thẳng vì phải ở nhà quá lâu nên bệnh xuất hiện nhanh và rõ hơn. Bệnh hay gặp và phổ biến nhất là rối loạn tâm lý, lo âu, trầm cảm. Tình trạng bệnh lý này kéo dài sẽ ảnh hưởng chất lượng cuộc sống, việc học tập và tương lai lâu dài của trẻ”, bác sĩ Thu phân tích. 

Sức khỏe thể chất giảm sút

Theo nhiều chuyên gia, thể chất của trẻ bị ảnh hưởng rõ rệt trong mùa dịch. Hoạt động thể chất giảm khiến trẻ lười vận động, nhiều trẻ tăng cân. Tâm lý bị ức chế cũng dẫn đến trẻ hay đau đầu, ngủ kém, thị lực cũng kém bởi nhìn màn hình quá lâu trong thời gian dài.

Tại Trung tâm mắt kỹ thuật cao Bệnh viện Đông Đô (Hà Nội), tỷ lệ trẻ đến khám và mắc các vấn đề về mắt, tật khúc xạ tăng lên. Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa mắt Đinh Phương Thủy, Giám đốc điều hành Bệnh viện Đông Đô nhận xét: “Thời gian kéo dài cả học chính và học thêm, thậm chí giao lưu với các bạn cùng lứa và giải trí cũng sử dụng các thiết bị điện tử như điện thoại thông minh, máy tính… khiến mắt phải nhìn gần, hoạt động nhiều và ít thời gian nghỉ ngơi. Hiện, có đến 99% số trẻ đến khám tại Bệnh viện Đông Đô gặp vấn đề về mắt và tật khúc xạ 2”.

Hằng ngày vẫn phải đi làm nên chị Thanh Phương (Gia Lâm, Hà Nội) đành để hai con ở nhà tự bật máy học online. Gần đây, cả hai bé đều có biểu hiện nhức mỏi mắt nên chị đưa con đi khám thì phát hiện một bé đã cận thị 1,5 đi-ốp, một bé cận 2 đi-ốp. “Hơn nửa năm trời các con chủ yếu ở trong nhà, không được tham gia hoạt động thể thao, ngoại khóa ngoài trời nên mắt ít được nhìn xa. Học chính khóa, học thêm đều qua mạng. Hết giờ bố mẹ không ở nhà nên các bạn lại online không kiểm soát. Tôi thật sự mong cuộc sống sớm trở lại bình thường để con được trở lại trường học”, chị Phương chia sẻ.

“Để bảo vệ đôi mắt, cần phải xen kẽ giữa thời gian làm việc và nghỉ ngơi. Phụ huynh nên hướng dẫn và giám sát để con hình thành thói quen sau 20 phút cho mắt nghỉ 20 giây, nhìn ra xa 20 feet (tương đương 5 m). Chủ động chớp mắt để nước mắt dàn đều trên bề mặt nhãn cầu, tránh khô mắt. Ngoài ra, nên hướng dẫn con tăng cường tập thể dục, ngồi học đúng tư thế ở nơi đầy đủ ánh sáng và khám mắt định kỳ 3-6 tháng/lần”, bác sĩ Thủy đưa ra lời khuyên.

LÀM THẾ NÀO ĐỂ GIẢM THIỂU RỦI RO?

“Bản chất của mỗi đứa trẻ là hoạt động tương tác bên ngoài trong học tập để phát triển con người, nhân cách. Việc học online kéo dài như thế này là khá căng thẳng với trẻ. Gia đình cần có kế hoạch để trẻ học tốt nhất. Chuẩn bị cho trẻ có lịch trình, chuẩn bị không gian, tránh cho trẻ có sao nhãng nhiều nhất. Phải chú ý đến tập thể dục hằng ngày, dù trẻ ở cấp học nào cũng cần phải ý thức được vấn đề thể chất” (Thạc sĩ, chuyên gia tâm lý Vũ Thu Hà).