Sự tích chiếc khăn đội đầu mầu đỏ

Giữa năm 1975, ngọn gió tha hương thổi dọc con tàu đưa tôi từ nơi trũng nhất của đồng bằng Bắc Bộ lên mở đường trên núi rừng Tây Bắc, nơi Núi thẳm/Sông sâu/Đuổi nhau/Quây nhau/Đôn nhau/Được thua/Còn mất/Rưng rưng đón bước chân người.
0:00 / 0:00
0:00
Minh họa: MINH ANH
Minh họa: MINH ANH

Ngày ấy công trình 6 giao thông của chúng tôi dựng lán trên đất Khe Thỉn, một thôn của xã Tân An để mở rộng con đường trục nối Tân An với thị trấn Văn Bàn. Người Khe Thỉn đa phần là người Dao đỏ. Người Dao đỏ Khe Thỉn không quây thành chòm xóm như nhiều nơi khác mà từng nhà đơn lẻ, bám lấy chân núi, khe suối làm nơi sinh sống. Ngày ấy chi đoàn đơn vị tôi kết nghĩa với chi đoàn thôn Khe Thỉn, một cơ hội để hai bên giao lưu, thể hiện, cơ hội để tuổi trẻ hai bên gặp nhau. Ngày ấy tôi gặp được em.

Em là một cô gái Dao đỏ có cá tính. Em đang học lớp 10 trường nội trú tỉnh (hệ 10/10) thì bị dính chuyện yêu đương gì đó. Chuyện yêu đương tuổi học trò hồi đó bị nâng quan điểm nên nhà trường kỷ luật bắt em phải nghỉ học. Em về quê núi còn chàng trai đó sau khi bị đuổi học đã thành bóng chim tăm cá ở phương trời nào không rõ. Em về quê tâm trạng buồn, hẫng hụt một thời gian, song vốn tính năng động, say mê các hoạt động tập thể nên bỏ qua những dèm pha, dị nghị, em hăng hái tham gia và nhanh chóng thành đầu trò trong các hoạt động Đoàn, Đội trong thôn. Còn tôi, giữa “những người thợ gọt mình tròn vo như trái bưởi/như viên sỏi lăn trên đáy suối không bùn”, với chút vốn liếng chữ nghĩa, biết đàn hát, lợi khẩu, dễ hòa đồng nên tôi nổi lên như một kẻ đào hoa.

Tháng tám năm ấy, chi đoàn tôi và chi đoàn thôn Khe Thỉn chuẩn bị tổ chức chung một chương trình văn nghệ chào mừng Tết Độc lập. Chương trình được chuẩn bị khá chu đáo, hai bên hoa đỡ hoa, người đỡ người, háo hức mê say của tuổi trẻ được men say đàn hát đẩy đưa khiến khoảng cách được dỡ bỏ, tình cảm hòa đồng, những ánh mắt, cử chỉ tìm nhau, trao cho nhau ngưỡng mộ. Đã có ba chàng trai làm đường của đội văn nghệ, trong đó có tôi “say nắng” trước ba cô gái không lúc nào để chiếc khăn màu lửa rời đầu.

Em hút hồn tôi từ buổi tập văn nghệ đầu tiên.

Lúc 5 cô gái như 5 cánh chim ngũ sắc bước qua cổng vào lán công trường chúng tôi đã ngỡ người xốn xang từ con tim tới chân tóc. Nhất là em. Em - thon nhỏ, gọn gàng trong chiếc áo nhuộm chàm, hai nẹp áo đính nút bạc được trang trí những đường thêu họa tiết lấy mầu đỏ làm chủ đạo, giống như một cái yếm nửa giấu nửa khoe. Em - Hoa văn trên hai ống quần gợi lên mơ tưởng tới núi đồi khe suối. Em - với vòng cổ vòng tay chồng lên nhau khiến mỗi bước đi nên nhạc. Nhất là cái khăn mầu đỏ trên đầu trang trí hoa văn hình cây vạn hoa, vết chân hổ, có những sợi tua rủ xuống như gọi như mời. Em làm con tim tôi rạo rực ngay từ cái nhìn đầu tiên.

Qua phút bỡ ngỡ ban đầu, chúng tôi lao vào say mê tập luyện. Tôi được phân công hướng dẫn và đệm đàn cho em hát bài “Chiếc khăn Piêu”. Nói là hướng dẫn nhưng thật ra ngược lại, mới vào cuộc em đã hướng dẫn tôi, bởi đây là bài hát tủ, bài hát đã nằm trong lòng em từ lâu. Khi tiếng em như tiếng họa mi cất lên: “Nghe con chim cúc cu kìa nó hát lên một câu rằng/Có một nàng ở trong rừng, tìm trong rừng, kiếm trong rừng chiếc khăn Piêu…”. thì mọi người đã ồ lên hào hứng.

Sau màn dạo đầu tâm đầu ý hợp, hành trình tiếp theo của tôi và em là đưa được bài hát lên sân khấu. Còn nữa, tôi còn thêm mục tiêu tìm cách lấy được chiếc khăn đang đội trên đầu em.

Qua bài hát, qua em tôi được đến với gia đình em, được bố mẹ em mổ gà tiếp đãi, có cả anh em họ hàng tới chung vui.

Rồi buổi chợ phiên.

Rồi đêm bên khung cửi.

Rồi cùng nhau lên núi hái măng rừng.

Rồi bài hát tiếng đàn ngày chờ tháng nhớ trẻ trung, tràn ngập âm hưởng núi rừng quyện nhau, say nhau, say người.

Chỉ có em luôn như trong vòng tay tôi, luôn như vuột khỏi vòng tay tôi.

Trò chơi tình cảm được mất chờn vờn, đùa giỡn khiến tôi mất ăn mất ngủ ngót một tuần trăng thì đến đêm biểu diễn văn nghệ.

*

Sau khi đã đời với những tiếng vỗ tay cảm kích, sau bữa liên hoan đã đời tôi kéo em đi dọc con suối, nơi có những cối nước thì thụp bắt thóc ra gạo. Dưới ánh trăng vằng vặc soi chiếu. Trong tiếng rừng rì rầm to nhỏ, tiếng cối nước thì thụp cần mẫn tôi ngỏ lời tha thiết muốn em làm dâu miền quê cuối dòng sông. Em tránh mắt tôi nhìn ra mông lung rừng núi. Không đừng được tôi ôm xiết lấy em, em ngỡ ngàng rồi lấy hết sức đẩy tôi ra, tôi ngớ người rồi bẽ bàng như đang đêm vào trộm buồng nhà người.

Em lặng đi hồi lâu rồi hỏi tôi:

- Anh có biết sự tích chiếc khăn trên đầu của người phụ nữ Dao đỏ không?

Tôi nói:

- Không biết!

Em nói:

- Vậy em kể anh nghe.

Rồi không cần tôi đồng ý hay không em thủ thỉ:

- Ngày xưa, ở một vùng nọ có một cô gái Dao nết na, xinh đẹp. Đóa hoa rừng ấy làm cho biết bao chàng trai say đắm. Đêm đêm tiếng sáo, tiếng hát tình tứ quây quanh nhà nàng, nàng bước ra khỏi cửa là có người đón. Nàng lên nương, xuống ruộng là có người giúp. Nàng sống chan hòa với mọi người, nên chẳng mếch lòng ai, ai cũng coi nàng là niềm mơ ước của mình. Cuối cùng trái tim nàng thuộc về chàng trai tài giỏi bản bên. Trước sự chứng kiến của hai gia đình, hai người đã đính ước thề nguyền sống chết bên nhau. Song, cái đẹp của cô gái như sấm, như sét, không đánh tự nó đã vang. Tiếng tăm cô gái đẹp đã lọt vào tai nhà vua già. Lòng dạ nhà vua háo sắc vốn như cái cối nước, càng già càng thấy đói, lão liền cho lính bắt ngay về làm tỳ thiếp. Quá uất ức, cô gái phát điên ngay từ khi về cung vua. Nhà vua cùng quần thần dùng đủ mọi cách mà không thể động được đến cô, nên đành phải nhốt vào cung để chạy chữa.

Cũng lúc đó, ở vùng núi quê nhà, chàng trai cũng phát điên lên vì uất ức, chàng quyết chí đi tìm Ngọc Hoàng để thưa kiện. Chàng cứ đi, đi mãi. Chàng đã đi qua một mùa sấm đẻ, đã qua bao núi cao, vực sâu, đã biết bao lần đối mặt với thú dữ, với mưa gió bão bùng. Song, với quyết tâm giành lại được người mình yêu, đã làm chàng vượt qua tất cả. Cho đến một hôm, giữa khu rừng già hoang vắng chàng đã gặp một Tiên ông. Thấu hiểu nỗi lòng chàng, Tiên ông trao cho chàng một sải vải trắng rồi bảo chàng: ‘’Nếu con muốn lấy lại được người con yêu dấu, thì hãy lấy máu ở mười đầu ngón tay mình nhuộm đỏ sải vải này rồi treo ở cổng thành nhà vua, thì tự khắc đạt được ý nguyện’’.

Chàng trai kính cẩn đỡ lấy sải vải. Khi Tiên ông đi rồi, chàng lấy kim nhắm mắt chọc vào mười đầu ngón tay, những giọt máu ứa ra, loang dần trên sải vải, cho đến lúc chàng ngất đi. Những con chim rừng cảm phục trước tấm lòng của chàng đã thay nhau mang hoa thơm quả ngọt về để chàng ăn lấy sức. Khi chàng bắt đầu nhuộm tấm vải thì tán lá trên cây còn xanh, đến khi tấm vải thành mầu đỏ thắm thì lá vàng đã rụng xuống chất chồng chung quanh chàng. Cầm sải vải trong tay, lòng chàng tràn đầy hy vọng, chàng băng băng đi về phía kinh thành. Khác với lệ thường, buổi sáng hôm ấy, kinh thành huyên náo như có dịch. Tấm vải đỏ chàng trai bí mật treo trên cổng thành đêm trước bốc ra một mùi tanh tưởi làm cả hoàng cung phát ốm. Theo lệnh nhà vua, quan coi thành dùng đủ mọi phương cách mà vẫn không sao lấy được tấm vải xuống. Nhà vua cho mời thầy bói mù tới, thầy gieo quẻ rồi lắc đầu: ‘’Nếu bệ hạ không thả người con gái Dao kia ra thì tấm vải đỏ sẽ gây ra trận dịch làm chết cả hoàng cung này’’. Nhà vua sợ hãi, vội ban lệnh thả cô gái.

Nàng ra đến cổng thành thì gặp chàng đứng đón. Hai người mừng mừng, tủi tủi. Tấm vải treo trên cổng thành bay xuống đầu nàng. Một làn hương thơm mát quấn lấy hai người. Chàng kể cho nàng nghe cuộc hành trình gian khổ của mình, nàng xúc động ôm lấy chàng, nguyện sẽ đội cái khăn mang những giọt máu của chàng suốt đời. Tục lệ đội khăn mầu đỏ của người Dao đỏ bắt đầu từ đấy.

*

Kể xong chuyện em gỡ chiếc khăn trên đầu xuống, nói giọng rưng rưng:

- Chiếc khăn này là của Triệu Phù Vảng tặng em rồi kể cho em nghe sự tích chiếc khăn đội đầu của người Dao đỏ. Bây giờ em không biết anh ấy ở phương trời nào song chiếc khăn này còn mầu đỏ thì anh ấy còn nghĩ đến em, chúng em còn có ngày gặp lại.

Tôi bần thần nhìn em, nhìn chiếc khăn thả xuống những cái tua như tấm màn che mầu đỏ, đơn giản mà sâu sa, thâm trầm; trang điểm, vô tư mà ràng buộc, gắn kết, chao ôi bài học đầu đời.

Rồi thì đoạn đường đơn vị chúng tôi được giao thi công cũng hoàn thiện nền và rải đá cấp phối, chúng tôi được chuyển về làm đường ở Châu Quế Thượng rồi chuyển lên Khe Chấn, Võ Lao, Bắc Hà… Công việc và thời gian cuốn đi khiến tôi không được gặp lại em song sự tích chiếc khăn đội đầu mầu đỏ cùng tình yêu chung thủy của em vẫn mãi mãi trong tôi.