Ảnh hưởng nghiêm trọng
Bệnh viện (BV) Nhi T.Ư mới tiếp nhận một bệnh nhi 9 tháng tuổi nhập viện trong tình trạng nhiễm khuẩn nặng và đã tử vong sau đó. Trước đó, bệnh nhi bị bỏng cẳng chân, sau khi đắp lá của một bà lang ở gần nhà bốn ngày, bệnh nhi sốt cao, nổi ban, gia đình mới đưa đến BV Sản nhi Bắc Giang. Các bác sĩ đã xử lý sốc nhiễm khuẩn và chuyển lên BV Nhi T.Ư, nhưng khi được đưa đến nơi, toàn thân bệnh nhi đã tím tái, ngừng tim.
Trước đó, bệnh nhi 17 tháng tuổi ở Yên Bái bị bỏng hai bàn chân cũng không được gia đình đưa đi BV mà chỉ đắp thuốc nam. Sau sáu ngày, hai bàn chân bị nhiễm trùng nặng, bệnh nhi được đưa đến BV Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) khi vùng bỏng hai bàn chân sưng nề, nhiễm trùng nặng, nhựa lá cây dính bết vào vết bỏng…
Theo Giám đốc Trung tâm Cấp cứu và Chống độc nhi khoa, BV Nhi T.Ư Lê Ngọc Duy, bệnh nhân bỏng điều trị bằng đắp lá dễ bị nhiễm trùng nặng, thậm chí hoại tử. Khi đó, điều trị sẽ kéo dài, tốn kém, để lại nhiều di chứng. Các trường hợp này hay xảy ra ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Thời gian qua, BV Nhi T.Ư tiếp nhận nhiều bệnh nhi bị bệnh thận nhập viện trong tình trạng nguy kịch, sau khi gia đình tự ý điều trị bằng thuốc nam. Bác sĩ Nguyễn Thị Kiên, Khoa Thận - Lọc máu (BV Nhi T.Ư) cho biết, khoa từng tiếp nhận nhiều trẻ mắc bệnh với biến chứng rất nặng, do cha mẹ tự chữa trị bằng các bài thuốc nam được quảng cáo trên mạng internet hay các bài thuốc được mách bảo, truyền miệng không có cơ sở khoa học. Còn Trung tâm Chống độc (BV Bạch Mai) cũng từng tiếp nhận nhiều bệnh nhi bị ngộ độc chì, do sử dụng các loại thuốc cam gia truyền trái phép được quảng cáo chống còi xương, suy dinh dưỡng, biếng ăn, chậm lớn... Giám đốc Trung tâm Chống độc Nguyễn Trung Nguyên phân tích, chì là chất cực độc, khó thải loại, nhất là trong trường hợp ngộ độc cấp tính. Khi vào cơ thể, chì sẽ theo máu đến gan, thận, não, tủy xương, dây thần kinh, cơ… gây các triệu chứng thiếu máu, suy nhược cơ bắp, liệt chi, suy thận...
Nguy cơ thường trực
Những vị thuốc bắc, thuốc nam vốn được dân gian ưa chuộng vì “lành” tính. Có cầu, ắt có cung, trên mạng internet hiện có hàng trăm website, mạng xã hội (Facebook, Zalo…) kinh doanh thuốc đông y gia truyền, với đủ loại đặc trị các bệnh, trong đó có cả những bệnh nan y. Dạo quanh các khu phố bán thuốc đông y truyền thống tại Hà Nội, cả chợ cóc, chợ quê, thuốc đông y dễ mua như mớ rau. Các sản phẩm bày bán hầu hết đều không nhãn mác, thậm chí chỉ đóng gói sơ sài… Một cán bộ tại Viện Dược liệu T.Ư (Bộ Y tế) cho biết, những loại thuốc này có một nhược điểm là dễ bị sâu mọt hay ẩm mốc. Để bảo quản thuốc, sẽ phải sử dụng nhiều loại hóa chất. Khâu này, khó giám sát được. Trong khi, trên thị trường hiện nay, hầu hết các hóa chất bảo quản đều không có nguồn gốc hay tên gọi, được bày bán tràn lan với giá rất rẻ và số lượng không hạn chế.
Thầy thuốc Nhân dân Trần Văn Bản, nguyên Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam cho rằng, lâu nay, người Việt vẫn sử dụng kinh nghiệm dân gian để chữa các bệnh thông thường. Tuy nhiên, đây chỉ là các vị thuốc dân gian chứ không phải bài thuốc gia truyền và người lấy các vị thuốc cho người ốm dùng cũng không phải lương y.
Thực tế, kinh nghiệm chữa bệnh dân gian và bài thuốc gia truyền là khác nhau. Đã là bài thuốc gia truyền thì phải có tác dụng chữa bệnh thật sự và được trải nghiệm qua nhiều đời. Bộ Y tế đã có quy định về việc công nhận bài thuốc gia truyền - cả về chất lượng bài thuốc và lương y. Những video, bài quảng cáo trên mạng xã hội có nội dung chưa được công nhận, không hợp chuẩn theo quy định của pháp luật, chưa được xác minh có đúng với giấy phép hành nghề của lương y hay không, các bài thuốc gia truyền cũng chưa được kiểm chứng và công nhận... Chính vì thế, khi có bệnh, cần phải đến các cơ sở y tế được cấp phép rõ ràng, bảo đảm về mặt chuyên môn.