Sử dụng thẻ tín dụng đúng cách

Sự cố của người dùng thẻ tín dụng ngân hàng Eximbank bị thông báo nợ 8,8 tỷ đồng đã khiến rất nhiều người giật mình. Hiệu ứng đóng thẻ tại các ngân hàng lan khá rộng với những lo ngại về rủi ro phát sinh khi thanh toán.
Thẻ tín dụng có nhiều tiện ích giúp người tiêu dùng dễ thanh toán. Ảnh: NAM ANH
Thẻ tín dụng có nhiều tiện ích giúp người tiêu dùng dễ thanh toán. Ảnh: NAM ANH

Trước thông tin chủ thẻ tín dụng P.H.A (Quảng Ninh) bị Ngân hàng Eximbank yêu cầu trả nợ 8,8 tỷ đồng cho khoản nợ 8,5 triệu đồng sau 11 năm, chị Hoàng Thùy Linh ở Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết mình bất ngờ với khoản nợ phát sinh của chủ thẻ. “Tôi phải kiểm soát lại toàn bộ từ thẻ tín dụng đến thẻ ngân hàng cũng như các tài khoản ngân hàng của mình. Tôi sẽ đóng lại một số tài khoản để bảo đảm an toàn”.

Nhiều điểm giao dịch quá tải

Cũng như chị Linh, nhiều người dân trong những ngày qua đã đến các chi nhánh, điểm giao dịch ngân hàng kiểm tra tình trạng thẻ tín dụng hoặc đóng thẻ để bảo đảm không bị phát sinh nợ. Có nhiều điểm giao dịch đông đúc và quá tải.

Ông Võ Minh Tuấn, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho rằng: “Số nợ gốc từ 8,5 triệu đồng sau 11 năm tăng 1.000 lần lên 8,8 tỷ đồng, bất kỳ ai nghe qua đều thấy không hợp lý trong cách tính lãi”. Theo ông Tuấn, đây là cách tính lãi kép. Trong tất cả các giao dịch, riêng giao dịch thẻ tín dụng có nhiều đơn vị tính lãi như vậy. Còn với các giao dịch thông thường khác thì quy định không được tính lãi kép.

Tại cuộc họp báo mới đây, ông Nguyễn Hồ Hoàng Vũ, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu chia sẻ, về quy trình xử lý nợ thông thường, cán bộ xử lý nợ phải căn cứ tình hình nợ thẻ của khách hàng để đề xuất cấp lãnh đạo phê duyệt mức thu phí, lãi trước khi làm việc với khách hàng. Với trường hợp khách hàng P.H.A, khách hàng nợ thẻ quá hạn 11 năm, cán bộ xử lý nợ lại tương đối “máy móc”, không thông báo đến lãnh đạo mà trực tiếp thông báo đến khách hàng, gây bức xúc với khách hàng.

Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho biết, Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán quy định về việc đóng tài khoản thanh toán là tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán thực hiện đóng tài khoản thanh toán khi có văn bản yêu cầu của chủ tài khoản và chủ tài khoản đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ liên quan đến tài khoản thanh toán.

Thời hạn đối với việc đóng tài khoản thanh toán do không duy trì đủ số dư tối thiểu và không phát sinh giao dịch trong thời gian dài; thời hạn thông báo cho chủ tài khoản trước khi đóng tài khoản thanh toán và các vấn đề cụ thể khác liên quan đến việc đóng tài khoản thanh toán trong trường hợp này do tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán quy định và thông báo công khai cho khách hàng.

Do đó, trách nhiệm của ngân hàng phải thường xuyên thông báo, cảnh báo các khoản nợ và người sử dụng thẻ tín dụng phải bảo đảm thanh toán các khoản nợ, lãi phát sinh và thực hiện đúng, đủ các cam kết khi ký kết hợp đồng sử dụng thẻ tín dụng. Như vậy với các quy định trên, các ngân hàng sẽ đóng tài khoản khi không duy trì đủ số dư và không phát sinh giao dịch trong thời gian dài. Thời hạn thông báo cho chủ tài khoản trước khi đóng tài khoản thanh toán và các vấn đề cụ thể khác liên quan đến việc đóng tài khoản thanh toán trong trường hợp này do tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán quy định và thông báo công khai cho khách hàng.

Tìm hiểu kỹ khi sử dụng thẻ tín dụng

Trong khi một số người lo ngại về rủi ro khi sử dụng thẻ tín dụng, vẫn có nhiều khách hàng tin tưởng và duy trì sử dụng thẻ để tận dụng nhiều tiện ích mang lại.

Thường xuyên dùng thẻ tín dụng, chị Hà Thị Hải Vân (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã hình thành thói quen chi tiêu bằng thẻ khi mua sắm. Với chị, thẻ tín dụng còn là giải pháp cho những ngày chưa đến kỳ nhận lương. Các ngân hàng hay có chương trình hoàn tiền giảm giá, thí dụ như mua siêu thị, bệnh viện, đóng học cho con thì đều được hoàn tiền, rất hữu ích”, chị Vân cho biết.

Còn theo anh Tạ Minh Vũ (quận Thanh Xuân, TP Hà Nội), nếu sử dụng thẻ tín dụng đúng cách và tuân thủ việc trả nợ thẻ theo thông báo, thì thẻ tín dụng là sản phẩm rất tối ưu. Anh Vũ đánh giá, thẻ tín dụng cho người tiêu dùng có cơ hội chi tiêu trước, trả tiền sau, miễn lãi đến 45 ngày. Nếu chúng ta để ý kỳ sao kê thì rất tiện lợi. Vì nó thanh toán được cả quốc tế và trong nước.

Theo số liệu mới nhất, hiện Việt Nam có 36,7 triệu thẻ quốc tế đang lưu hành và phát triển nhanh chóng trong thời gian qua. Tiện ích của thẻ tín dụng là thấy rõ, nhưng nếu sử dụng không đúng cách, không hiểu hết quy định về thẻ, dễ phải chịu phạt lãi suất cao. Ông Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia đánh giá, lãi suất cho vay của ngân hàng nói chung và lãi suất thẻ tín dụng nói riêng luôn được công bố, đến kỳ hạn trả nợ thì phải trả đúng hạn. Nếu quá hạn thì lãi phạt gấp 1,5 lần so với thông thường. Cái này các nước cũng làm tương tự, nên chúng ta luôn phải để ý.

Thẻ tín dụng là một hình thức vay không phải thế chấp, các ngân hàng đều có quy trình liên quan đến việc nhắc nợ và thu hồi nợ của khách hàng với những bước tùy theo mức độ, thời gian trả nợ chậm hay lâu dài đến một mức độ nhất định nào đó. Điều quan trọng vẫn là việc người sử dụng phải có ý thức rất rõ về những lợi ích và nghĩa vụ phải tuân thủ để tránh rủi ro. Điều này đòi hỏi các ngân hàng bên cạnh việc phát hành thẻ cũng cần trao đổi và làm rõ với khách hàng về các điều khoản khi sử dụng thẻ.

Tại nhiều quốc gia, thẻ tín dụng là một hình thức phổ biến dành cho người tiêu dùng. Theo báo cáo của creditcards.com, hơn 3/4 số người Mỹ trưởng thành có thẻ tín dụng. Hơn nữa, theo Experian, trung bình một người tiêu dùng có ba thẻ tín dụng với hạn mức tương đương khoảng 5.525 USD, tức là gần 135 triệu đồng. Các ngân hàng Mỹ coi việc nợ quá hạn hơn 90 ngày trở lên đối với khoản vay tín dụng là thời điểm quá hạn nghiêm trọng.

Vào thời điểm này, các ngân hàng sẽ tăng cường nỗ lực thu nợ, như liên hệ với các cơ quan thu nợ hoặc theo đuổi hành động pháp lý để thu hồi nợ. Điểm tín dụng của người đi vay có thể sẽ bị thiệt hại nghiêm trọng, khiến việc tiếp cận tín dụng trong tương lai trở nên khó khăn. Nếu người vay tiếp tục không thể hoặc không muốn thanh toán, khoản vay này sẽ trở thành vỡ nợ. Và như vậy ngân hàng có thể tiến hành các biện pháp pháp lý để thu hồi khoản nợ tồn đọng. Điều này có thể bao gồm tịch thu tiền lương, tịch thu tài sản, tùy thuộc vào khoản vay và chính sách của từng ngân hàng.