Sóng gió mới bủa vây TikTok

Chủ tịch Ủy ban Năng lượng và Thương mại của Hạ viện Mỹ, bà Cathy McMorris Rodgers tuyên bố, Tổng Giám đốc điều hành (CEO) của TikTok, ông Shou Zi Chew (trong ảnh) sẽ tham dự phiên điều trần tại ủy ban vào ngày 23/3 tới. Hiện những nghi ngờ chung quanh nền tảng trực tuyến này vẫn hiện hữu trên toàn thế giới.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh: GETTY IMAGES
Ảnh: GETTY IMAGES

Theo AP, đây sẽ là lần đầu ông Shou Zi Chew trả lời chất vấn trước một ủy ban của Quốc hội Mỹ. Thông tin này được công bố trong bối cảnh Ủy ban Các vấn đề đối ngoại của Hạ viện Mỹ dự kiến bỏ phiếu vào tháng tới về một dự luật nhằm ngăn chặn việc sử dụng TikTok tại Mỹ, sau khi xuất hiện những mối quan ngại về an ninh quốc gia. Bà McMorris Rodgers cho biết, các nghị sĩ đang yêu cầu TikTok cung cấp thêm thông tin về tác động của ứng dụng đối với thanh, thiếu niên khi ngày càng nhiều lo ngại về những nội dung độc hại trên nền tảng chia sẻ video ngắn này.

Trong cuộc điều trần tới đây, CEO của TikTok sẽ phải đối mặt hàng loạt chất vấn đầy hoài nghi của giới chức Washington. Ông Shou Zi Chew đang ở hoàn cảnh tương tự như CEO của Facebook là Mark Zuckerberg, khi ông này từng trải qua một số phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ từ năm 2018. Người đứng đầu TikTok sẽ được yêu cầu trả lời những câu hỏi hóc búa về nhiều vấn đề, từ quyền riêng tư đến mô hình kinh doanh hay việc công ty có cố ý thu thập dữ liệu người dùng hay không…

Shou Zi Chew (40 tuổi), người Singapore, trở thành CEO của một trong những ứng dụng phổ biến nhất thế giới từ tháng 4/2021. Trước đó, ông từng dẫn đầu một nhóm các nhà đầu tư cho ByteDance, công ty mẹ của TikTok từ năm 2013 và là Giám đốc tài chính của “gã khổng lồ” công nghệ Trung Quốc Xiaomi năm 2018. Thông thường, các CEO công nghệ là những người quen thuộc và là gương mặt đại diện cho công ty mà họ lãnh đạo, nhưng Shou Zi Chew vẫn còn khá “kín tiếng” với giới truyền thông. Trong một buổi phỏng vấn với tư cách là CEO của TikTok, ông này cho biết: “Tôi tập trung nhất vào việc xây dựng lòng tin. Chúng tôi là một công ty trẻ và tôi nghĩ niềm tin là thứ có được thông qua hành động”.

Hiện Ủy ban Đầu tư nước ngoài của Mỹ (CFIUS), cơ quan quản lý hoạt động đầu tư thuộc Chính phủ Mỹ, đang tiến hành đánh giá nguy cơ mất an ninh quốc gia đối với TikTok và đề xuất một lộ trình để công ty này có thể tránh lệnh cấm vĩnh viễn tại thị trường này. Song, việc đàm phán giữa CFIUS và TikTok nhằm đạt được một “thỏa thuận an ninh quốc gia” vẫn luôn vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của nhiều nhà lập pháp Mỹ, vì họ cho rằng, thỏa thuận này không nhằm bảo vệ dữ liệu của người dùng TikTok ở “xứ cờ hoa”.

CNN cho hay, tới nay đã có khoảng 20 trong số 50 bang tại Mỹ áp đặt lệnh cấm một phần hoặc hoàn toàn với TikTok. Trước đây, mạng xã hội này từng bị chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa vào “tầm ngắm” năm 2020, khi ban hành sắc lệnh hành pháp cấm các công ty Mỹ kinh doanh với ByteDance. Vào tháng 6/2021, Tổng thống Joe Biden đã thu hồi lại lệnh này. Trong ba năm qua, ByteDance đã tìm nhiều cách để bảo đảm với Washington rằng họ không truy cập trái phép vào dữ liệu cá nhân của công dân Mỹ, cũng như không thao túng nội dung của người dùng trên nền tảng.

TikTok đang phải đối mặt sóng gió ngày càng lớn không chỉ ở Mỹ mà trên toàn thế giới, sau khi có không ít cáo buộc cho rằng nền tảng này ảnh hưởng tâm lý người dùng, đặc biệt là giới trẻ. Theo Reuters, hồi giữa tháng 1, Ủy viên phụ trách thị trường nội khối của Liên minh châu Âu (EU), ông Thierry Breton đã đề cập trực tiếp với ông Shou Zi Chew về việc tăng cường tuân thủ các quy tắc của EU về bản quyền, bảo vệ dữ liệu và Đạo luật dịch vụ kỹ thuật số (DSA). DSA là một quy định của EU đặt ra tiêu chuẩn về trách nhiệm giải trình của các nền tảng trực tuyến liên quan nội dung bất hợp pháp và độc hại, dự kiến sẽ có hiệu lực vào tháng 9/2023. Đạo luật này yêu cầu các nền tảng trực tuyến, bao gồm mạng xã hội và thị trường điện tử, phải giảm nội dung độc hại và phòng, chống các rủi ro trực tuyến đối với người sử dụng.