Sơn “xẩm” chơi xẩm

Những ai tham dự Liên hoan hát xẩm Ninh Bình mở rộng 2022 tại Ninh Bình vừa qua đều ấn tượng với phần biểu diễn của bạn trẻ Bùi Công Sơn (Sơn “xẩm”) khi em vừa chơi đàn nhị vừa hát bài “Phạm Công Cúc Hoa”, là một trong năm tiết mục xuất sắc giành giải A chung cuộc.
0:00 / 0:00
0:00
Bùi Công Sơn (giữa) biểu diễn tại Liên hoan hát xẩm Ninh Bình mở rộng.
Bùi Công Sơn (giữa) biểu diễn tại Liên hoan hát xẩm Ninh Bình mở rộng.

Sơn “xẩm” sinh năm 2000 tại xã An Cầu, Quỳnh Phụ, Thái Bình. Năm 12 tuổi, một lần xem các cô, chú ở Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam về diễn tại hội chùa làng, Sơn ấn tượng mãi với bài xẩm về mẹ. Rồi một hôm nghe qua đài giọng hát của nghệ nhân, NSƯT Hà Thị Cầu thể hiện bài “Thập ân” và “Theo Đảng trọn đời”, Sơn đã thật sự mê mẩn. Sơn tham gia đội nhạc dân tộc ở xã và bắt đầu tập nhị những bài “Cò lả”, “Bèo dạt mây trôi”… Đồng thời lên mạng ghi lời các bài hát xẩm. Năm 2015, sang huyện Ý Yên (Nam Định) làm thợ mộc, nhưng vì quá mê xẩm nên Sơn bỏ cả nghề mộc để đi học hỏi, tìm tòi. Sơn đã về nhà cố nghệ nhân Hà Thị Cầu, Vũ Xuân Năng ở Ninh Bình, đến nghệ nhân Bạch Linh ở Hải Phòng, các nghệ nhân Lê Hữu Vượng, Tô Quốc Phương, Lê Minh Sen ở Thanh Hóa và lên Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam để “tầm sư học đạo” từ nhạc sĩ Thao Giang, NSƯT Văn Ty. Ai có “món” nào hay là Sơn cố gắng học tập cho bằng được.

Năm 2018, Sơn cùng chị Lê Hải Chiến sáng lập và là chủ nhiệm nhóm xẩm chợ Lồng Yên Phong, huyện Yên Mô, Ninh Bình với 12 thành viên, hầu hết là các em học sinh từ mẫu giáo đến THPT. Câu lạc bộ sinh hoạt 1 buổi/tuần do Sơn đứng lớp và thường xuyên hơn vào các dịp hè. Mới thành lập nhưng câu lạc bộ đã giành một giải nhất, một giải nhì Liên hoan xẩm các tỉnh khu vực phía bắc năm 2019, một giải nhất Liên hoan hát xẩm Ninh Bình mở rộng. Mới đây nhất, em Lê Thảo Vy của câu lạc bộ đã giành giải nhất cuộc thi Giai điệu tuổi hồng tại Ninh Bình.

Sơn cũng không quên “vun trồng” xẩm tại quê nhà. Ngoài việc tham gia với tư cách là thành viên cố vấn nghệ thuật cho câu lạc bộ xẩm Quỳnh Phụ, Sơn còn xây dựng nhà thờ tổ nghề hát xẩm tại chính phần đất của gia đình. Tại đây, Sơn thường xuyên tổ chức các chương trình theo mùa và vào các tiết Vu lan, Trung thu… để anh em nghệ sĩ, nghệ nhân mọi nơi về giao lưu.

Tính ra, Sơn đã có đến 5 năm đi hát xẩm chợ liên tục ở khắp các tỉnh, thành phố, như Hải Phòng, Thái Bình, Hà Nội, Ninh Bình, Hà Nam, Nam Định… Trên tất cả các sân diễn, Sơn luôn cố gắng đem tất cả những vốn mình đã được học để giới thiệu cho khán giả cảm nhận được xẩm một cách tinh túy và lề lối nhất có thể. Sơn cũng đang kết hợp với NNND Ngô Văn Đảm phục hồi lại các bài xẩm cổ, đồng thời theo học ngũ cung nhạc cổ của người Việt từ thầy Lê Cường và học các lề lối đàn nhị, đàn bầu cổ từ NSND Xuân Hoạch.

Cuộc sống của Sơn hiện nay đều ngập tràn trong văn hóa Việt. Bản thân là người hướng nội nên ngoài hát xẩm, Sơn thích cả ca trù, hát văn, hát chèo và âm nhạc cổ truyền. Sơn còn làm diều sáo truyền thống bằng giấy dó, làm các đồ thủ công truyền thống như đan mây tre, cói, chạm khắc gỗ. Ngoài ra, Sơn cũng thích sưu tầm cổ vật, từ những viên gạch đất nung từ thời Hán cho đến các hiện vật bát đĩa sành sứ từ thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn hay các nông cụ, như nong, nia, dần, sàng, nơm, túm, đó… Tất cả những công việc đó là cách để Sơn bồi đắp, nuôi dưỡng tâm hồn trong hành trình gìn giữ, lan tỏa nghệ thuật xẩm.