1/ Cứ vào mỗi đầu mùa mưa, nỗi lo sạt lở gây mất nhà, mất đất luôn thường trực đối với những hộ dân đang sinh sống dọc bờ sông Kôn. Có năm thì nước khoét sâu bờ bên này, có năm khoét bờ bên kia. Vào thời điểm mưa lũ, cả khu vực này dường như bị ngập chìm trong nước. Khi nước rút đi lại kéo theo nhiều cây xanh bị ngã đổ do úng nước lâu ngày, nhiều mảng tường xây bị nứt vỡ khiến các hộ dân sống dọc bờ sông Kôn luôn trong tình trạng bất an.
Chị Đặng Vũ Diễm Phượng (phường Nhơn Hòa) bồn chồn nhìn những vết nứt xuất hiện dày đặc trong căn nhà cấp 4 của mình khi có chỗ nứt đã rộng tới 10 cm, bàn tay người lớn có thể xuyên lọt. Chị cho biết, tình trạng sạt lở sông Kôn diễn ra từ nhiều năm về trước và sau những đợt mưa lớn thì càng nặng thêm. Mỗi lần như vậy, “hà bá” lại ngoạm sâu vào phần móng phía sau nhà gây sụt lún nghiêm trọng. “Gia đình luôn phải chắt chiu tiền của để tự gia cố, sửa chữa nhưng không chắc sẽ được bao lâu. Có lần chứng kiến nhà bếp của hộ dân bên cạnh trôi cả xuống sông trong giây lát mà tôi lo lắm, bởi chẳng biết khi nào tới lượt nhà mình”, chị chia sẻ.
Cũng trong tình trạng tương tự, ngôi nhà của bà Nguyễn Thị Giống ngay bên cạnh cũng bị ảnh hưởng không kém. Tình trạng sạt lở thường xuyên đã cuốn trôi lượng lớn đất, đá tạo ra lỗ hổng sâu 2-3 m. Nhìn căn nhà xiêu vẹo với chi chít vết nứt dọc ngang mà không khỏi rùng mình, nhiều chỗ chưa kịp trám xi-măng bị “hở miệng” tới 20 cm. “Tôi rất lo lắng khi mùa mưa bão đã cận kề. Đêm nằm ngủ mà không yên, thi thoảng những âm thanh răng rắc vang lên lại khiến tôi tỉnh giấc. Nhìn mảng tường nứt thành hai, kéo cả mái tôn ra phía sông mà tôi giật mình, trong khi con cái thì làm ăn xa, chỉ có mình tôi ở đây nên cứ thấp thỏm lo âu vì nguy hiểm có thể ập đến bất cứ lúc nào. Người dân rất mong cấp có thẩm quyền quan tâm giải quyết để bà con yên tâm sinh sống”, bà Giống cho biết.
2/ Hiện nay vùng hạ lưu sông Kôn đã và đang xây dựng khá nhiều công trình hạ tầng cơ sở, đặc biệt là các khu vực thị xã An Nhơn, thành phố Quy Nhơn, các thị trấn, thị tứ đã và đang triển khai xây dựng một số cơ sở trường học, cụm công nghiệp và hạ tầng nhà ở… Điều này cũng là một phần nguyên nhân khiến vấn đề tiêu úng thoát lũ trong khu vực gặp khó khăn và làm cản trở dòng chảy gây úng ngập, sạt lở nghiêm trọng.
Chủ tịch UBND phường Nhơn Hòa Nguyễn Minh Muộn cho biết, địa phương đã thống kê được 18 ngôi nhà của người dân bị ảnh hưởng bởi sạt lở. Phần lớn các ngôi nhà này được xây dựng khá lâu nên đã xuống cấp nặng, dễ bị đổ sập khi sạt lở tái diễn. Chính quyền địa phương đã lên phương án di dời tạm thời các hộ này vào khu vực bên trong cầu Gành để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản trong mùa mưa bão năm nay. Về lâu dài, địa phương triển khai rà soát, xác định những vị trí có nguy cơ sạt lở để xây dựng phương án bố trí tái định cư, di dời các hộ ở các vị trí nguy hiểm đến nơi an toàn. Nguyện vọng của người dân là đề nghị có dự án di dời các hộ dân này, nhưng nguồn lực hiện vẫn còn khó khăn. Hiện UBND phường đã có văn bản kiến nghị các cấp xem xét, bố trí tái định cư cho người dân.
Nhiều năm qua, mặc dù các cơ quan chức năng đã quan tâm, hỗ trợ xây dựng kè để bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân. Tuy nhiên, do chi phí đầu tư quá lớn nên việc triển khai vẫn khó thực hiện toàn diện. Trước mắt, để bảo đảm an toàn cho bà con, phường đã lên kế hoạch di dời các hộ dân đến những khu vực cao ráo, an toàn khi mùa mưa lũ đến. Đồng thời, cử lực lượng kiểm soát việc đi lại, không cho phương tiện hoặc người dân tiếp cận những đoạn đường đã bị sạt lở nghiêm trọng. Về lâu dài, phường Nhơn Hòa mong tỉnh và thị xã An Nhơn sẽ sớm triển khai việc kiên cố hóa tuyến đê sông qua khu vực này để giảm thiểu rủi ro. Được biết, UBND tỉnh Bình Định đã thông qua chủ trương lập quy hoạch chi tiết xây dựng khu dân cư với diện tích hơn 1,2 ha. Thị xã An Nhơn đang tính toán, cân đối nguồn ngân sách để triển khai thực hiện trong thời gian tới.
Với tình hình diễn biến thời tiết thất thường như hiện nay, để chủ động phòng, chống những khu vực có nguy cơ xảy ra thiên tai trong mùa mưa bão, các ngành chức năng tỉnh Bình Định cần tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án kè chống sạt lở lũ quét, sạt lở đất. Bên cạnh đó, các địa phương trong tỉnh cần chủ động tổ chức cắm biển cảnh báo tại những khu vực bị sạt lở và có nguy cơ cao xảy ra sạt lở, đồng thời tổ chức di dời khẩn cấp các hộ dân ra khỏi khu vực bờ sông bị sạt lở và bố trí tái định cư phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương.