Sớm có phương thức quản lý thuốc lá mới

Điều tra của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) với gần 7.800 học sinh trong độ tuổi 13 - 17 tại 34 tỉnh, thành phố của Việt Nam cho thấy, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh vào năm 2019 là 2,6%, nhưng đến năm 2022 đã tăng lên 3,5%. Điều này tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe người sử dụng. Trong khi đó, Luật Phòng, chống thuốc lá tại Việt Nam chưa có điều khoản quy định về loại thuốc lá mới nổi này.
0:00 / 0:00
0:00
Hút thuốc lá điện tử tiềm ẩn nhiều nguy cơ về sức khỏe.
Hút thuốc lá điện tử tiềm ẩn nhiều nguy cơ về sức khỏe.

Ngộ độc ma túy thế hệ mới có trong thuốc lá điện tử

Theo thống kê, chỉ trong sáu tháng đầu năm 2023, cơ quan quản lý thị trường trên toàn quốc đã xử lý rất nhiều vụ thuốc lá điện tử nhập lậu. Theo đó, toàn lực lượng đã kiểm tra 728 vụ, xử lý 589 vụ vi phạm. Trong đó, xử lý hơn 27.467 bao thuốc lá và tương đương, xử lý hơn 4.392 sản phẩm các loại thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng; tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính gần 3,1 tỷ đồng; chuyển hồ sơ một vụ cho cơ quan công an xử lý. Trên thực tế, còn rất nhiều trường hợp tiêu thụ trái phép mà cơ quan quản lý thị trường chưa xử phạt được hết.

Ông Tạ Văn Hạ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, thuốc lá mới là sản phẩm công nghệ mới nhằm đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. Đây là xu thế khó tránh khỏi. Song, điều đáng lưu tâm là sản phẩm này đang bị tội phạm buôn lậu lợi dụng để hướng đến giới trẻ, đặc biệt là thanh thiếu niên. Kết quả một điều tra lứa tuổi 13 - 15 cho thấy, có tới 60% các em trả lời đã được người khác cho, tặng thuốc lá điện tử, 20% đi mua và 2% là mua từ chính các bạn của mình. “Đây là thực trạng rất đáng báo động!”, ông Hạ nhấn mạnh.

Thời gian gần đây liên tiếp các vụ ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử ở mọi lứa tuổi đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về một loại thuốc lá mới gây hại cho sức khỏe người sử dụng, thậm chí còn hơn thuốc lá truyền thống. Trong khi đó, Luật Phòng, chống thuốc lá tại Việt Nam chưa có điều khoản quy định về loại thuốc lá mới nổi này.

Ngành y tế cảnh báo điểm chung của các ca ngộ độc ma túy thế hệ mới (có trong thuốc lá điện tử) là tình trạng rất nặng với những biểu hiện co giật, kích thích, vật vã, ảo giác, không kiểm soát được hành vi, tổn thương não và nhiều cơ quan khác. Đáng chú ý, các mẫu xét nghiệm ma túy có trong thuốc lá điện tử trước đây thường chỉ phát hiện một chất, chứ không trộn tới ba đến bốn chất như gần đây. Khi thuốc lá điện tử phối trộn thêm các chất lạ, chất kích thích, ma túy thì không thể lường trước hậu quả và có thể dẫn tới những hệ lụy đau lòng, trong khi đối tượng sử dụng hầu hết là người trẻ, học sinh.

Theo PGS, TS Lương Ngọc Khuê, Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa quốc gia, Cục trưởng Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) với con số hơn 40 nghìn trường học, 20 triệu học sinh trong năm học 2023-2024, việc ngăn ngừa tác hại của thuốc lá đến lứa tuổi học sinh là vô cùng quan trọng. “Ngăn ngừa hút thuốc lá trong giới trẻ là một trong những mục tiêu ưu tiên trong các chính sách về phòng, chống tác hại của thuốc lá”, PGS, TS Khuê nói.

Tuy nhiên, trong khi tỷ lệ hút thuốc lá điếu thông thường giảm thì tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử gia tăng nhanh chóng, đặc biệt ở lứa tuổi trẻ. Điều tra năm 2019 của Tổ chức Y tế thế giới cho thấy, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh 15 - 17 tuổi tại Việt Nam là 2,6%. Điều tra tình hình sử dụng thuốc lá trong học sinh năm 2022 cho thấy, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử học sinh độ tuổi 13 - 15 là 3,5%.

Theo PGS, TS Khuê, thuốc lá điện tử được thiết kế đa dạng với nhiều kiểu dáng và nhiều hương vị, chủ yếu nhằm vào giới trẻ. Điều này dẫn đến việc sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh tăng nhanh, gây ảnh hưởng xấu tới hành vi, lối sống, sức khỏe của các em học sinh. Chuyên gia cảnh báo, trong thuốc lá điện tử cũng chứa nicotine như thuốc lá truyền thống. Đây là một chất gây nghiện khiến người hút ngày càng lệ thuộc vào thuốc lá.

Ngoài ra chất Propylene Glycol có trong thuốc lá điện tử cũng thường được dùng trong các máy tạo khói hoặc sương mù nhân tạo trên sân khấu, có thể gây kích ứng phổi và mắt, có thể gây hại cho những người bị bệnh phổi mạn tính như hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính; giãn phế quản. Còn với Glycerin, đây là một hóa chất không mầu, không mùi và có vị hơi ngọt. Đến nay, nhiều hãng sản xuất vẫn không công bố thành phần chi tiết của các chất tạo mùi này với lý do đó là “bí mật thương mại”.

Các nhà khoa học tìm thấy cả các kim loại nặng độc hại trong hơi khói của thuốc lá điện tử như thiếc, nickel, chì và thủy ngân. Họ cũng tìm thấy Diethylene Glycol là một chất độc hóa học độc hại được sử dụng trong chất chống đông. Khi hút thuốc lá điện tử, tinh dầu nóng lên và bay hơi sẽ sinh ra một số hóa chất độc hại như: Formaldehyde, Acetaldehyde là chất có thể gây ung thư; Acrolein là chất có thể gây tổn thương phổi và góp phần gây bệnh tim mạch ở những người hút thuốc… Vì thế, PGS Khuê mong muốn tuyên truyền phòng, chống tác hại của thuốc lá, thuốc lá điện tử đến từng học sinh từ mầm non đến đại học, từng giáo viên, nhân viên làm việc trong trường học, để mọi người nhận thức được tác hại của thuốc lá điện tử, góp phần xây dựng môi trường học đường không khói thuốc.

Cần chính sách quản lý phù hợp cho thuốc lá thế hệ mới

Hiện nay, Việt Nam vẫn chưa có quy định cụ thể về thuốc lá mới (thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng). Phó Trưởng ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, chúng ta vẫn đang có khoảng trống trong quy định pháp luật nên không có công cụ, phương tiện để quản lý thuốc lá mới, tức thiếu “điều kiện bảo đảm để phòng, chống tác hại của thuốc lá” theo quy định của Luật thuốc lá mới.

Ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Pháp luật dân sự kinh tế (Bộ Tư pháp) cho rằng, hiện tình hình quản lý thuốc lá mới đang rất cấp thiết, do vậy, đã đến lúc cần phải khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp luật có liên quan. Nếu chờ đưa “thuốc lá mới” vào trong Luật sẽ phải theo quy trình và cần thời gian, nên có thể xem xét giao cho Chính phủ quy định điều kiện kinh doanh, xuất nhập khẩu đối với sản phẩm này (tức sửa ngay Nghị định số 67/2013/NĐ-CP quy định điều kiện sản xuất và kinh doanh thuốc lá).

Ông Trương Xuân Cừ, đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam cho rằng, do thuốc lá mới tập trung hướng đến giới trẻ, việc sớm có văn bản pháp luật để phòng, chống tác hại của sản phẩm này là rất cấp thiết. Cùng với đó, do việc quản lý thuốc lá liên quan đến nhiều bộ, ngành, nên cần quy định rõ ràng trách nhiệm của các bên, cơ quan nào làm chủ quản. “Tinh thần chung là toàn dân phải cùng vào cuộc”, ông Cừ đề xuất.

Được biết, Bộ Công thương đã có hai lần trình Thủ tướng Chính phủ chính sách quản lý thí điểm thuốc lá thế hệ mới, song hiện vẫn chưa thống nhất với Bộ Y tế. Bộ Công thương đang xây dựng nghị định theo hướng tiệm cận gần nhất với Bộ Y tế để bảo đảm phù hợp thực tiễn quản lý cũng như thông lệ quốc tế.

Ông Kiều Dương, Vụ trưởng Chính sách - pháp chế (Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương) cho rằng, hiện nay, do hành lang pháp lý và thuế chưa được thiết lập cho thuốc lá thế hệ mới. Tất cả sản phẩm thuốc lá thế hệ mới tại Việt Nam đều được nhập lậu và tiêu thụ tràn lan trên thị trường “chợ đen”. Điều này đang đặt ra rất nhiều thách thức cho cơ quan quản lý thị trường trong việc kiểm soát và xử phạt do không có cơ sở pháp lý rõ ràng.

Nhu cầu của người tiêu dùng đối với các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới là rất lớn và có xu hướng ngày một gia tăng. Nếu các sản phẩm này không được quản lý minh bạch, đồng bộ và đồng thời thì một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng sẽ tiếp tục tìm kiếm và sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng trôi nổi trên thị trường với chất lượng không bảo đảm và gây ra nhiều rủi ro cho sức khỏe. “Các cơ quan chức năng cần ban hành một khung pháp lý đồng bộ, đồng thời và giải quyết dứt điểm những bất cập hiện nay cho cả thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng để góp phần đẩy lùi tình trạng nhập lậu như hiện nay, tạo cơ sở pháp lý rõ ràng cho cơ quan quản lý thị trường như chúng tôi”, ông Kiều Dương nhấn mạnh.

Theo ông Kiều Dương, cần bắt tay vào việc đưa cả hai sản phẩm vào một khung pháp lý cùng thời điểm, bao trùm từ quy định tiêu chuẩn chất lượng, quy chuẩn sản phẩm, các quy định về kinh doanh, sản xuất, xuất nhập khẩu và phân phối sản phẩm, chính sách về thuế, các quy định về ghi nhãn hàng hóa, quảng cáo, khuyến mại... Thay vì tiếp tục để ngỏ thị trường cho các sản phẩm lậu hoành hành và đẩy người tiêu dùng đến với các sản phẩm kém an toàn, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới phải sớm được đưa vào diện quản lý nhằm bảo đảm sức khỏe của người dân, hỗ trợ các cơ quan chức năng có cơ sở pháp lý rõ ràng trong việc thực thi chống thuốc lá lậu, giúp tăng nguồn thu ngân sách từ thuốc lá thế hệ mới.