“Dược sĩ thành bác sĩ”
Mới đây, Khoa Nội tổng hợp Bệnh viện (BV) Thanh Nhàn (Hà Nội) vừa tiếp nhận một nam thanh niên (25 tuổi ở quận Hoàng Mai) nhập viện trong tình trạng viêm phổi nặng. Trước đó năm ngày, bệnh nhân bị sốt, nhiễm khuẩn, viêm phế quản. Vì ngại đến bệnh viện khám nên bệnh nhân tự mua thuốc về nhà điều trị. Tuy nhiên, tình trạng bệnh càng nặng hơn, kèm theo khó thở, đau ngực, bệnh nhân mới nhập viện.
Bác sĩ Đoàn Thị Anh Đào, Phó trưởng Khoa Nội tổng hợp BV Thanh Nhàn cho biết, khoảng hai tháng trở lại đây, lượng bệnh nhân điều trị nội trú tại khoa đã giảm gần một nửa so cùng kỳ năm ngoái. “Dù viêm phế quản là bệnh đơn giản, nhưng nếu tự ý sử dụng kháng sinh không phù hợp, điều trị bằng truyền dịch tại nhà là rất nguy hiểm. Đặc biệt, với người có sẵn bệnh nền mà tự sử dụng thuốc không đúng dễ gây suy hô hấp, dẫn đến suy đa tạng và tử vong”, bác sĩ Anh Đào nói.
Tình trạng tương tự, số lượng bệnh nhân đến các BV lớn trên địa bàn Thủ đô, như: BV Nhi T.Ư, BV Bạch Mai, BV Việt Nam - Cuba… giảm hẳn. Nguyên nhân do lo sợ lây nhiễm Covid-19, nên nhiều người ngại đến BV mà chuyển sang khám bệnh, tự mua thuốc điều trị tại các cửa hàng thuốc. PGS, TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc BV Nhi T.Ư cho biết: “Trước những diễn biến khó lường của dịch Covid-19, người bệnh hoang mang, lo sợ khi đi khám cũng là điều dễ hiểu. Thế nhưng, đáng lo ngại là tình trạng nhiều người tùy tiện sử dụng thuốc kháng sinh cho con. Thậm chí, nhân viên quầy thuốc còn kê kháng sinh cho trẻ. Một nghiên cứu sàng lọc các bệnh nhân nhập viện được chúng tôi tiến hành cho thấy, có đến 30% các bé có vi khuẩn kháng thuốc trong phân khi nhập viện…”.
Liên quan vấn đề này, bà Trần Thị Nhị Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, theo quy định, bán lẻ thuốc mà không có đơn là hành vi bị nghiêm cấm. Thế nhưng, thay vì tìm bác sĩ ở các bệnh viện uy tín để được thăm khám, kê đơn, thì người dân lại tìm đến nhà thuốc để nhờ sự giúp đỡ của các dược sĩ, biến “dược sĩ thành bác sĩ” để mua thuốc về trị bệnh.
Từ năm 2021, triển khai kê đơn thuốc điện tử
Theo Sở Y tế Hà Nội, hiện trên địa bàn thành phố có 7.196 cơ sở cung ứng thuốc đang hoạt động, trong đó có 1.129 cơ sở bán buôn thuốc, nguyên liệu làm thuốc, 3.592 nhà thuốc và 2.475 quầy thuốc. Thời gian qua, ngành y tế đã đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin để kết nối các nhà thuốc, nhằm kiểm soát việc kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn. Tính đến hết năm 2019, tổng số cơ sở cung ứng thuốc thực hiện kết nối là 6.353/7.196 cơ sở, đạt 88,3%.
Trước thực tế người bán thuốc kiêm luôn vai trò bác sĩ, tự kê đơn, bán thuốc cho người mua vẫn diễn ra, ông Nguyễn Văn Khải, Trưởng phòng Nghiệp vụ dược (Sở Y tế Hà Nội) cho hay, trong năm 2020, mỗi quận, huyện, thị xã xây dựng từ ba đến năm nhà thuốc, quầy thuốc điểm, đạt tiêu chuẩn thực hành tốt quản lý nhà thuốc (GPP). Sở Y tế Hà Nội sẽ phối hợp với Hội Dược học Hà Nội tổ chức tập huấn, đào tạo cập nhật kiến thức chuyên môn, sử dụng phần mềm kết nối liên thông, các quy định về kê đơn thuốc, bán thuốc kê đơn cho chủ các nhà thuốc, quầy thuốc điểm. Các cơ sở này sẽ có nhiệm vụ hướng dẫn các cơ sở khác trên địa bàn thực hiện.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung cho rằng, dù không dễ triển khai việc thực hiện kết nối mạng các nhà thuốc, quầy thuốc, kiểm soát việc bán thuốc theo đơn nhưng thành phố vẫn quyết tâm thực hiện. Trong thời gian tới, Sở sẽ tổ chức kiểm tra khoảng 50% các BV trực thuộc, một số BV tư nhân, trung tâm y tế có nhà thuốc, quầy thuốc. Phòng y tế các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm rà soát, tổ chức kiểm tra 100% số cơ sở bán lẻ thuốc. Riêng với những cơ sở đạt thực hành tốt quản lý nhà thuốc, Sở Y tế sẽ tổ chức kiểm tra, đánh giá đột xuất. Qua kiểm tra, nếu phát hiện nhà thuốc nào không kết nối mạng và bán thuốc không có đơn sẽ bị thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược. Cùng với đó, ngành y tế Hà Nội sẽ tăng cường tuyên truyền để người dân dần từ bỏ thói quen tự ý mua thuốc, nhất là thuốc kháng sinh khi không có chỉ định của thầy thuốc, tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
TS Cao Hưng Thái, Phó Cục trưởng Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, Cục Quản lý khám, chữa bệnh đã triển khai thí điểm ứng dụng phần mềm kê đơn thuốc điện tử quốc gia tại hai BV thuộc tỉnh Hà Tĩnh và tỉnh Hưng Yên. Toàn bộ đơn thuốc đã kê của hai BV này đều được tích hợp với đơn thuốc điện tử quốc gia. Phần mềm sẽ loại bỏ được việc bác sĩ kê thực phẩm chức năng trong đơn thuốc, cảnh báo được tương tác có hại của thuốc dẫn đến một số nguy cơ khi sử dụng, nhất là kiểm soát được việc sử dụng kháng sinh, sai sót trong kê đơn, kê không đúng phác đồ... Sau khi triển khai thí điểm tại hai BV này, từ năm 2021, việc kê đơn thuốc điện tử sẽ được mở rộng triển khai trên toàn quốc.