“Se duyên” cho hoa bưởi

Giữa những ngày xuân tháng 3, nhiều vườn bưởi ở huyện miền núi Tuyên Hóa (Quảng Bình) hoa nở trắng muốt, hương bưởi thoảng nhẹ, vấn vương. Đó cũng là lúc người dân tất bật với công việc thụ phấn bổ sung cho hoa, giúp cây bưởi tăng tỷ lệ đậu quả. Nhiều người nói vui, họ đang “se duyên” cho hoa bưởi.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân xã Kim Hóa (Quảng Bình) thụ phấn cho hoa bưởi.
Người dân xã Kim Hóa (Quảng Bình) thụ phấn cho hoa bưởi.

1/Thuở nhỏ, tôi từng được mẹ hướng dẫn cách thụ phấn cho bí, bầu. Lớn lên, mẹ dạy cách thụ phấn cho cây gấc. Và bây giờ, được chứng kiến cách người dân “se duyên” cho hoa bưởi để tạo nhiều quả đã cho thấy sự sáng tạo đến bất ngờ của người nông dân. Về vùng trồng bưởi Tuyên Hóa, chúng tôi như ngây ngất trong hương hoa bưởi, được chứng kiến công việc tỉ mẩn để tăng khả năng đậu quả, tăng năng suất loại cây đặc sản này.

Khoảng 10 năm nay, người dân các xã Kim Hóa, Hương Hóa, huyện Tuyên Hóa chuyển đổi vườn cây, đưa giống bưởi Phúc Trạch (Hà Tĩnh) vào trồng. Những năm gần đây, giống cây đặc sản này đã mang lại nguồn thu nhập cao cho người dân. Những ngày tháng 3, hoa bưởi Phúc Trạch bung nở ngào ngạt, thu hút ong bướm từ khắp nơi về lấy mật, trợ giúp việc thụ phấn cho hoa. Tuy nhiên, để đạt năng suất quả cao, người trồng cây phải chủ động thụ phấn bổ sung cho hoa.

Ông Nguyễn Văn Minh, ở xã Kim Hóa cho biết, bưởi Phúc Trạch được chia thành hai loại: bưởi chua (trồng bằng hạt) và bưởi đường (nhân giống bằng cách cắt, chiết mắt của cây). Nếu để cây bưởi phát triển tự nhiên, tỷ lệ đậu quả khoảng 30%, trong khi có sự thụ phấn chủ động thì đạt từ 80% trở lên. Nửa tháng qua, vào đầu giờ sáng và chiều, ông Minh trèo lên cây bưởi cao lớn nhất trong vườn nhà hái hoa bỏ vào hộp nhựa quàng trước ngực để đưa đi thụ phấn cho các cây bưởi khác. Theo người trồng bưởi nhiều kinh nghiệm này, hoa bưởi được chọn phải cánh mịn, đều, chấm thử vào lòng bàn tay phấn hoa vàng rời ra thì việc thụ phấn tốt hơn, khả năng đậu quả cũng cao hơn.

Cách không xa vườn bưởi ông Minh, những ngày này, vợ chồng anh Nguyễn Văn Chung tạm sắp xếp công việc đồng áng để tập trung thụ phấn cho cây bưởi. Để không bỏ lỡ mùa hoa, gia đình anh còn thuê thêm người làm giúp thụ phấn cho cây bưởi. Nguyễn Văn Chung chia sẻ: “Tùy theo thời tiết từng năm mà cây bưởi ra hoa sớm hay muộn. Năm nay bưởi ra hoa rộ nhất từ giữa tháng 2, thời gian ra hoa kéo dài trong vòng một tháng. Việc thụ phấn đòi hỏi sự tỉ mỉ và mất khá nhiều thời gian. Cách thụ phấn bằng tay cho hoa bưởi là dựa trên nguyên tắc thụ phấn chéo, tức là nhị của hoa này sẽ kết hợp với nhụy của hoa khác, không bắt buộc là trên cùng một bông. Đang là lứa hoa cuối mùa, trời nắng hanh nên gia đình tôi tranh thủ thụ phấn thêm cho hoa để đạt tỷ lệ đậu quả cao nhất”.

2/Theo nhiều người trồng bưởi ở Kim Hóa, để thụ phấn bổ sung cho hoa bưởi, người dân lấy phấn của cây bưởi chua quét lên nhụy hoa của cây bưởi đường. Thời gian thụ phấn đạt hiệu quả nhất là vào buổi sáng. Hoa bưởi dày đặc, vì thế, người làm phải tỉ mỉ, kiên trì để không bị sót, thậm chí có hoa còn được quét phấn nhiều lần.

Với những cây bưởi thấp, người dân cầm bông hoa di chuyển chung quanh rồi quét phấn lên nhụy. Đối với những cây và cành cao, họ phải dùng cây sào hoặc que tre găm trực tiếp hoa bưởi chua vào vòng thép, cao-su ở đầu que để thụ phấn hoặc quét phấn hoa vào đầu que có chổi lông rồi bôi lên nhụy hoa cần thụ phấn. Công việc này phải làm vào ngày nắng vì nếu trời mưa hoa dễ bị thối hoặc ngày gió to phấn hoa bị rụng mất. Khoảng một tháng sau, người làm vườn kiểm tra cây bưởi để biết đậu quả nhiều hay ít. Khi cây định quả một thời gian, chủ vườn bọc quả bưởi lại để tránh côn trùng cắn hoặc bị rám nắng. Đến cuối tháng 8, đầu tháng 9, nhà vườn thu hoạch bưởi.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuyên Hóa Đinh Xuân Thương cho biết, toàn huyện có gần 300ha bưởi, chủ yếu là giống bưởi Phúc Trạch được thị trường ưa chuộng. Đây được xác định là cây chủ lực phát triển kinh tế của địa phương. Mỗi vụ, một gia đình trồng bưởi thu về từ 10 triệu đồng đến 200 triệu đồng tùy theo diện tích trồng. Bên cạnh việc chăm bón, phòng trừ sâu bệnh, kỹ thuật thụ phấn bổ sung cho cây bưởi đã góp phần nâng cao năng suất, sản lượng và giá trị kinh tế cho người dân.

Theo ông Nguyễn Văn Minh, việc “se duyên” cho hoa bưởi tuy không nặng nhọc nhưng khá tốn công sức, thời gian. Tuy nhiên, lao động giữa không gian xanh, giữa mầu trắng tinh khôi và hương thơm dịu dàng hoa bưởi, người nông dân cảm nhận được những sắc thái tươi mới, mang lại sự an yên, trong lành của cuộc sống thôn quê.

Chuyên gia nông nghiệp ở địa phương đánh giá, năm nay hoa bưởi chính vụ nở trong giai đoạn thời tiết nắng đẹp nên thuận lợi cho việc thụ phấn bổ sung, cây bưởi dễ đậu quả. Tuy nhiên, người dân cần tưới thêm nước để bảo đảm quá trình sinh trưởng cho cây.