Sắp có mô hình “Hợp tác xã Cloud”

Cùng với nhu cầu chuyển đổi số ở mọi ngành nghề thì dịch vụ điện toán đám mây (Cloud) là cơ sở hạ tầng quan trọng nhất cho xã hội số. Mô hình “Hợp tác xã Cloud” được ra mắt vào ngày 17/3 tới tại TP Hồ Chí Minh với quy mô 1.000 máy chủ, phát triển 1.000 đại lý, phục vụ 50.000 đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân sử dụng là cách thức để giúp dịch vụ điện toán đám mây Việt Nam phát triển bền vững, phù hợp Chiến lược Chuyển đổi số quốc gia.
0:00 / 0:00
0:00
Điện toán đám mây được tích cực triển khai để hỗ trợ các dịch vụ cho xã hội số.
Điện toán đám mây được tích cực triển khai để hỗ trợ các dịch vụ cho xã hội số.

Theo Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), những năm gần đây, điện toán đám mây được thúc đẩy mạnh để hỗ trợ nhiều dịch vụ triển khai nhanh và hiệu quả trên toàn thế giới, đặc biệt ở Việt Nam. Đại dịch Covid gây tê liệt chuỗi cung ứng toàn cầu nên việc mua sắm thiết bị cho hệ thống lưu trữ tại chỗ bị đình trệ, doanh nghiệp phải đợi rất lâu với chi phí bị đội lên đắt đỏ. Để đáp ứng tối đa nhu cầu của khách hàng và tăng sức cạnh tranh trên thị trường, từ sàn thương mại điện tử đến dịch vụ tài chính-ngân hàng, logistics… việc mở rộng tính năng và độ sâu rộng các sản phẩm dịch vụ của dịch vụ điện toán đám mây hay Cloud đã giúp thời gian đưa dịch vụ ra thị trường cho sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp được rút ngắn thậm chí giảm sâu chi phí mà vẫn bảo đảm tính bảo mật và tuân thủ cần thiết. Vì vậy Cloud không chỉ là xu hướng mà còn là thực tiễn đang diễn ra trên

thế giới.

Nhiều dự báo cũng cho thấy, Cloud ở Việt Nam có khả năng đạt mức doanh thu lớn trong nhiều năm tới. Thế nhưng, doanh nghiệp Việt vốn có xuất phát điểm chậm hơn quốc tế gần 10 năm nên còn nhiều hạn chế so các nhà cung cấp xuyên quốc gia ngay ở trong nước. Theo số liệu, với dịch vụ điện toán đám mây thì doanh nghiệp Việt Nam chỉ chiếm khoảng 20% thị phần, còn 80% thị phần còn lại nằm trong tay các nhà cung cấp nước ngoài như Amazon Web Services (33%), Google (21%), Microsoft (21%)… Do đó, mô hình “Hợp tác xã Cloud” được thành lập với khát vọng xây dựng dịch vụ điện toán đám mây có những bước đột phá trên “sân nhà”.

Đại diện Công ty cổ phần VinaCIS Group, đơn vị điều hành cho biết “Hợp tác xã Cloud” là mô hình tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân và hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động kinh doanh, sản xuất. Mô hình này tập hợp sức mạnh của các nhà đầu tư cá nhân và doanh nghiệp, các hãng máy chủ đa quốc gia, các trung tâm dữ liệu trong nước, các công ty phần mềm nhằm tập hợp sức mạnh Việt, tri thức Việt, con người Việt, ứng dụng các công nghệ tiên tiến giúp Cloud Việt Nam phát triển bền vững, kỳ vọng sẽ là giải pháp cho các doanh nghiệp ở mọi quy mô.

Bước đầu, dự án mong muốn đầu tư 1.000 máy chủ và phát triển 1.000 đại lý, phục vụ 50.000 đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân sử dụng dịch vụ hạ tầng công nghệ viễn thông vận hành các phần mềm, nền tảng số phục vụ cho hoạt động kinh doanh. Trong giai đoạn mới hình thành, các đơn vị đồng hành cùng “Hợp tác xã Cloud” sẽ là những gương mặt công nghệ nổi trội trong và ngoài nước như VinaCIS, Viettel IDC, Amtec, VietFiber, Lenovo, Dell & ADG... Trong đó, VinaCIS Group đảm nhận nhiệm vụ đóng góp nền tảng IBIZA quản trị theo thời gian thực và sử dụng quản lý vận hành hạ tầng để kết nối các bên lại cùng nhau kinh doanh trên một nền tảng minh bạch và chặt chẽ.