Sản xuất công nghiệp phục hồi tích cực

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2024 đạt kết quả tích cực với con số 6,42%. Đà phục hồi tích cực của hoạt động sản xuất công nghiệp đã có đóng góp quan trọng.
0:00 / 0:00
0:00
Tính chung 6 tháng đầu năm, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp đạt 7,54%. Ảnh: NAM ANH
Tính chung 6 tháng đầu năm, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp đạt 7,54%. Ảnh: NAM ANH

Theo Tổng cục Thống kê, khu vực công nghiệp 6 tháng đầu năm có nhiều chuyển biến tích cực, đạt mức tăng trưởng tốt. Đặc biệt trong quý II, sản xuất công nghiệp phục hồi tích cực trên nền tăng trưởng khá thấp của cùng kỳ năm 2023 (0,86%), giá trị tăng thêm đạt 8,55% so với cùng kỳ; trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo bứt phá với tốc độ tăng đạt 10,04%; ngành sản xuất và phân phối điện tiếp tục tăng trưởng cao, đạt 14,15% bảo đảm cung ứng điện cho sản xuất, kinh doanh và nhu cầu của người dân; ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,83% và riêng ngành khai khoáng tăng trưởng âm 9,06% do chủ trương giảm dần sản lượng khai thác khoáng sản trong nước.

Tính chung 6 tháng, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp đạt 7,54%, nhiều ngành cấp 2 có mức tăng trưởng 2 con số.

Doanh nghiệp phục hồi vượt kỳ vọng

Mặc dù có nhiều dự báo không mấy lạc quan từ đầu năm, song những doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp nửa đầu năm nay có sự phục hồi khá tốt. Nhiều doanh nghiệp đã có sự trở lại ngoạn mục.

Đối với tập đoàn đa ngành như DNP Holding, việc vận hành hệ thống trong điều kiện kinh tế còn nhiều bất ổn trong nửa năm qua là thách thức rất lớn. Nhưng đến hết tháng 5 năm nay, doanh thu của doanh nghiệp đã vượt 50% kế hoạch, lợi nhuận cũng tăng hơn 50%.

Ông Trần Hữu Chuyền, Phó Tổng Giám đốc tập đoàn cho rằng, kết quả này ngoài dự báo đánh giá từ đầu năm nhờ những đơn hàng được phục hồi đáng kể trong bối cảnh tín dụng rẻ hơn và dễ tiếp cận hơn. “Mặc dù trong điều kiện kinh tế hết sức khó khăn nhưng chúng tôi đánh giá cao những hỗ trợ kịp thời của Chính phủ. Chúng tôi đã tận dụng các cú huých về chính sách để tái cơ cấu và phục hồi hiệu quả”.

Một điểm sáng trong bức tranh kinh tế 6 tháng qua là thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Dòng vốn tiếp tục tăng cao, ước đạt 10,84 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là con số cao nhất của 6 tháng đầu năm trong 5 năm qua.

Điều này đã giúp những doanh nghiệp trong lĩnh vực cung ứng phòng sạch và công nghệ cao như Tập đoàn Intech nhận được nhiều lợi thế. Theo ông Cao Đại Thắng, Tổng Giám đốc Tập đoàn, hoạt động sản xuất công nghiệp của doanh nghiệp FDI khá sôi động với nhu cầu lớn về xây dựng hệ thống sản xuất, nên doanh nghiệp có điều kiện phục hồi tốt hơn.

Bà Phí Hương Nga, Vụ trưởng Thống kê công nghiệp và Xây dựng (Tổng cục Thống kê) đánh giá, công nghiệp tăng trưởng tích cực, trong đó sản xuất công nghiệp tiếp tục đà phục hồi từ quý I/2024 và tăng trưởng với xu hướng rõ nét hơn trong quý II/2024. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng sau cao hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước: quý I/2024 tăng 5,9%; quý II/2024 ước tăng 9,5%; sáu tháng đầu năm 2024 ước tăng 7,7% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, có 3/4 số ngành công nghiệp cấp I (gồm: công nghiệp chế biến, chế tạo; sản xuất và phân phối điện; cung cấp nước và xử lý nước thải, rác thải) tăng so cùng kỳ năm trước với mức tăng lần lượt là: 8,5%; 13,0% và 6,3%.

Đặc biệt, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (ngành chiếm hơn 74% giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp) tiếp tục đà tăng trưởng với xu hướng rõ nét hơn, sáu tháng đầu năm tăng 8,5% so cùng kỳ, trong khi cùng kỳ năm trước giảm 1,8%.

Trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, tồn kho sản phẩm giảm thể hiện qua chỉ số sản xuất tăng, chỉ số tiêu thụ tăng cao hơn sản xuất, chỉ số tồn kho giảm. Cụ thể: Chỉ số sản xuất tăng 8,5%, chỉ số tiêu thụ tăng 10,8% (mức tăng chỉ số tiêu thụ cao hơn 2,3 điểm phần trăm so với chỉ số sản xuất), chỉ số tồn kho thời điểm 30/6/2024 dự kiến tăng 9,6% so với cùng thời điểm năm trước, thấp hơn nhiều so với mức tồn kho tăng 19,9% cùng thời điểm năm 2023. Tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân 6 tháng đầu năm 2024 là 76,9%, thấp hơn nhiều so với mức tăng cùng kỳ năm 2023 là 83,1%.

Niềm tin kinh doanh

Nhìn nhận về đà phục hồi của khu vực doanh nghiệp, ông Lê Duy Bình, chuyên gia kinh tế cho rằng, sự phục hồi này còn được thể hiện rõ nét ở mức tăng khá cao cả xuất khẩu và nhập khẩu. Xuất khẩu tăng 14,5%; nhập khẩu tăng 17%, cho thấy doanh nghiệp không chỉ có lượng đơn hàng tốt mà còn cho thấy mức độ nhập khẩu nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất rất tích cực.

Ông Bình đánh giá, số lượng doanh nghiệp quay trở lại thị trường cũng như doanh nghiệp thành lập mới gia tăng mạnh mẽ cho thấy sức khỏe của khu vực doanh nghiệp đã tốt lên. Điều này đã đảo ngược so với những năm trước đây khi số lượng doanh nghiệp rút lui còn cao hơn số lượng thành lập mới. “Đặc biệt, sự phục hồi của ngành công nghiệp chế biến chế tạo đã mạnh mẽ hơn, cho thấy sự phục hồi đáng tin cậy hơn của nền kinh tế”, ông Bình nói.

Trưởng phái đoàn phụ trách Việt Nam tại Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), ông Paulo Medas đánh giá tích cực về công tác điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ linh hoạt của Việt Nam. Chính sách hỗ trợ của Nhà nước đặt đúng trọng tâm để cho nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng bền vững hơn. “Đặc biệt, sự phục hồi của khu vực doanh nghiệp cho thấy niềm tin kinh doanh đã quay trở lại. Điều này còn thể hiện khá rõ ở khu vực FDI. Khi nguồn vốn này trên toàn cầu còn rất ảm đạm thì Việt Nam vẫn là điểm đến tin cậy của nhiều nhà đầu tư nước ngoài”, ông Paulo đánh giá.

Tuy nhiên, trong bối cảnh thế giới còn nhiều bất ổn, ông Bình cho rằng, Chính phủ và các bộ, ngành cần tiếp tục quan tâm hỗ trợ hoạt động của doanh nghiệp. Vẫn còn hơn 100 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường hay kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy có hơn tới hơn 60% vẫn cho rằng, tình hình kinh doanh sẽ không tốt lên. Điều này cho thấy vẫn còn những điểm cần chú ý để cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy tinh thần và sự hứng khởi trong kinh doanh của doanh nghiệp.