Những ngày cuối năm lại về
Trong những ngày cuối tuần, chị Phạm Thị Hòa, 45 tuổi, thôn Đông (Lý Sơn) cùng nhóm phụ nữ trong làng tập trung tại khuôn viên Nhà văn hóa thôn để trồng hoa và cải tạo cảnh quan. Chị Hòa cho hay: “Tết là dịp đặc biệt trong năm, cả gia đình, làng xóm đoàn tụ. Vì vậy, chúng tôi muốn chung tay làm cho Lý Sơn đẹp hơn, không chỉ cho người dân mà còn để thu hút khách du lịch dịp lễ”.
Ngoài trồng hoa cúc, hoa giấy và các loài hoa truyền thống, phụ nữ trong xã còn tận dụng những khoảng đất trống để trồng thêm cây cảnh, cải tạo các khu vực công cộng như đường làng, sân đình. Cô giáo Hoàng Thị Cúc Xuân cho biết: “Công việc này đã khuyến khích mọi người cùng chung tay bảo vệ và làm đẹp nơi mình sống. Đây là cách để gắn kết cộng đồng, khơi dậy tinh thần trách nhiệm và tình yêu với đảo”.
Phong trào nhanh chóng thu hút cả cộng đồng cùng chung tay. Đang cùng các thanh niên tình nguyện dọn dẹp con đường chính dẫn ra cảng, anh Lê Văn Minh, 50 tuổi, khu dân cư An Vĩnh nói: “Người Lý Sơn sống gắn bó với biển cả và thiên nhiên. Việc làm đẹp, làm sạch không chỉ là trách nhiệm mà còn là niềm vui mỗi dịp Tết đến”. Trong khi đó, nhóm học sinh trường THPT Lý Sơn giúp sơn lại các bức tường cũ kỹ dọc khu chợ hải sản. Những bức tranh phong cảnh, tàu thuyền, biển xanh được các em vẽ lên đầy sáng tạo, làm sống động hơn cho không gian đảo.
Chị Trần Thị Mai, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Lý Sơn cho biết: “Hội Liên hiệp Phụ nữ đã phát động phong trào làm đẹp huyện đảo từ đầu tháng 11. Các hội viên đều rất tích cực tham gia. Đây không chỉ là hoạt động chuẩn bị đón Tết mà còn góp phần xây dựng Lý Sơn xanh, sạch, đẹp hơn trong mắt du khách”.
Rực rỡ chờ xuân
Nhờ sự kiên trì, khéo léo và tình yêu thiên nhiên của người dân nơi đây, những cánh đồng hoa thược dược, cúc vàng đã nở rộ, thắp sáng mùa xuân cho đảo xa. Ở giữa biển cả mênh mông, nơi nắng gió và vị mặn bao trùm, không ai nghĩ một ngày nào đó, huyện đảo Lý Sơn lại rực rỡ sắc hoa đến vậy.
Ông Trần Văn Bền, một người nông dân lâu năm tại thôn Đông, đã có hơn 7 năm gắn bó với nghề trồng hoa nhớ lại: “Khi trước, đảo chủ yếu nhập hoa từ đất liền. Hoa cúc khi được vận chuyển ra đảo thường bị ảnh hưởng bởi nước mặn, mất đi vẻ tươi tắn vốn có. Ngoài ra, do chi phí cao khiến việc mua hoa trở thành điều xa xỉ với nhiều gia đình”.
Chính những khó khăn đó đã khiến ông và những người dân khác suy nghĩ đến việc trồng hoa trên đảo. Tuy nhiên, việc không hề đơn giản. Đất ở đây pha cát, chứa nhiều chất vôi, khiến giống hoa từ đất liền không thể thích nghi. Ông Bền đã phải thử nghiệm nhiều lần và cuối cùng chọn hoa thược dược, loài có khả năng chịu được điều kiện khắc nghiệt hơn. “Người dân phải tự nhân giống để phù hợp với đất đai ở đảo”, ông Bền chia sẻ. Những nỗ lực không ngừng nghỉ ấy đã dần dần đưa sắc hoa thược dược trở thành một nét đặc trưng riêng của Lý Sơn.
Không chỉ những nông dân như ông Bền, mà ngay cả những ngư dân sau khi gác lưới, ngưng chèo, cũng cầm cuốc xẻng để góp phần vào việc làm đẹp cho đảo. Chị Nguyễn Thị An Vui, một người dân trong thôn, tự hào nói: “Trước đây, đảo chỉ có hoa rừng, hoa rau muống biển mọc hoang ven bờ cát. Giờ đây, nhìn những cánh đồng hoa nở từ chính bàn tay mình, tôi thấy hạnh phúc lắm!”.
Không khí trồng hoa vào những ngày cuối năm ở Lý Sơn rất nhộn nhịp. Người người, nhà nhà cùng nhau chăm sóc hoa, trồng 1.000 cây bàng rồi dọn dẹp ven bờ biển. Nhìn cảnh lao động trên những mảnh đất hẹp hệt như trong đất liền, cô giáo Hoàng Thị Cúc Xuân cảm nhận: “Việc trồng hoa trên đất đảo không chỉ đơn thuần là một công việc mưu sinh, mà còn là cách để người dân thể hiện tình yêu đối với đất đảo. Họ không chỉ vun đắp những bông hoa mà còn là niềm tự hào rằng Lý Sơn dù xa đất liền, vẫn có thể rực rỡ, tràn đầy sức sống”.
Mùa xuân đến, những người con của biển cả không chỉ háo hức chờ đón những chuyến tàu về sum vầy bên gia đình mà còn mong ngóng khoảnh khắc hoa nở, làm sáng lên không gian của đảo xa. Sắc hoa thược dược vàng, đỏ hòa quyện trong cái nắng cuối đông, mang lại một khung cảnh rực rỡ và ấm áp.
Ngoài làm đẹp cảnh quan, nhiều hộ gia đình cũng tranh thủ dọn dẹp, sửa sang nhà cửa, chuẩn bị các món đặc sản địa phương như tỏi đen, bánh ít lá gai, mực khô để làm quà biếu.