Nếu không bị say sóng, đây là lúc bạn thả hồn mình theo không gian dài rộng của hòn đảo cực nam này. Đó là một chòm dân cư nằm sát mép biển thuộc địa bàn bãi Ngự, là nơi ngày xưa Nguyễn Ánh từng trú ẩn. Khi ông lên ngôi vua, người dân ở đây gọi là bãi Ngự.
Số lượng tàu thuyền neo đậu trong khu vực này nhiều hơn rất nhiều lần tổng số nóc nhà trên đảo cộng lại. Ở đây có nhiều tàu đánh cá từ miền trung như Quảng Ngãi, Bình Định đến bán cá và mua nước ngọt, dầu máy. Đó là chuyện mưu sinh của họ, còn chúng tôi đi chơi nên chỉ tập trung cho việc ngắm cảnh.
Chiều trên đảo vào những ngày cuối năm có hai mầu rõ rệt. Mầu xanh của thảm rừng nhiệt đới trên đảo với những tầng cao thấp lô nhô của cánh rừng nguyên sinh chưa bị khai thác, xanh của nước biển gần giống như nước của bể bơi, thỉnh thoảng có lớp sóng nhẹ trườn trên bề mặt trắng xóa.
Mầu sắc của đảo cứ chuyển động chầm chậm theo ánh nắng mặt trời lặn. Ngồi ở bãi Ngự, cách ngắm hoàng hôn quen thuộc là một quả cầu hồng chìm dần trong dài rộng khơi xa.
Đêm xuống, ngoài những chiếc thuyền câu mực sáng choang ánh đèn. Xa xa, ánh sáng của những con tàu vận tải đường biển. Những con tàu này nối nhau như một vòng cung nhận biết qua chuyển động ánh sáng trên tàu.
Qua một đêm nghỉ ngơi trên đảo, ngày hôm sau bạn cứ từ từ mà thưởng thức không gian xanh, nước biển sạch. Ở đảo có các hòn được đặt tên theo cách quan sát của người xưa, nhưng có một chỗ bạn nên đến, đó là thềm Mài Mòn. Đây là thềm đá với những hòn đá mỏng dài giống như “cái lưỡi” vươn ra mặt nước lúc triều xuống thì hiện ra, khi triều dâng thì chìm xuống.
Đến đảo Thổ Chu du lịch, bạn nên quan tâm đến lịch sử của hòn đảo bởi hành trình đi và đến không đơn giản. Và cũng có khi trong hành trình đó bạn lại lóe lên câu hỏi rằng, “ngày xưa Nguyễn Ánh ra đảo này bằng tàu hay bằng bè tre?”, mang đi hỏi người dân địa phương để được nghe kể những giai thoại vừa lạ và thú vị.