Sắc ban và nhạc ve dắng dỏi

Đầu hạ, vùng cao như bừng thức bởi thiên nhiên dâng hiến niềm vui thầm lặng hoa lá và côn trùng.
0:00 / 0:00
0:00

Đầu tiên là hoa ban, loài hoa hồn cốt của miền tây, của vùng này.

Loài ban dào dạt nở, nở ngồn ngộn tinh khôi, trắng như tuyết mát như sương mai, bao phủ núi rừng. Những cây ban to xòe tán lá che kín trời kín suối, đó là loài hoa năm cánh phớt hồng. Hoa bừng nở, hoa bung cánh, hoa trĩu cành vì dưới sức nặng làn sương sớm. Trong bản mường, các gái non rủ nhau đeo ép vào rừng hái hoa ban làm món ăn. Gọi là rừng nhưng ngay trong vườn nương, ngay cạnh cầu thang đã thấy hoa ban bạt ngàn. Trong chốc lát các gái đã hái đầy ếp hoa và nụ ban. Mặt tươi như hoa và da phấn như sương, vòng cổ vòng tay lanh canh, các gái non kéo tay nhau về bản. Bữa cơm nào cũng có hoa ban xào, hoa ban nộm, hoa ban luộc vị thơm ngọt đậm đà trong cuống họng. Cả mường ngắm hoa ban, ngửi hoa ban và bụng ấm hoa ban. Có mùa hoa ban, bữa cơm dân mường ngon lành và thú vị hơn nhiều.

Giữa đêm, hương hoa ngào ngạt làm cho đêm tháng ba, mùa gieo hạt giấc ngủ nhẹ nhàng như ngủ giữa rừng ban.

Có hoa ban ướp núi rừng là có muôn trùng ong bướm và các loài ve rủ nhau về.

Dưới lớp lớp hoa ban, hàng triệu triệu cánh ong mật vội vã thi nhau cùng ức triệu cánh bướm đủ mầu dập dờn hút mật thụ hoa. Ong bay, ruồi muỗi cũng bay theo, cả vùng rộn lên ong ong ve ve của đàn côn trùng bay lượn kín trời.

Đến giờ thìn trở ra, ve sầu kêu inh ỏi vừa vui vừa chói tai không dứt. Khắp cánh rừng khe suối ướt đẫm bản nhạc rừng ve sầu.

Loài ve đực tạo âm thanh bằng cách rung hai cái “loa” mỏng mảnh phát ra từ lồng ngực, co giãn cực nhanh tạo thành sóng âm thanh mạnh mẽ và quyến rũ. Chú ve lắc mình dùng cánh tạo nhịp lên xuống tạo ra cường độ, cao độ khác nhau để rủ rê các nàng ve cái. Tạo hóa sinh ra những nàng ve chẳng biết hát, nhưng nghe thì rất giỏi. Các nàng mang theo bên hông - cái màng loa nhỏ xinh, để nghe, để cảm thụ và ngất ngây, cùng lịm dần đi trong dàn đồng ca của ve đực.

Trên thế gian chẳng được đếm bao nhiêu là loài ve và to nhỏ thế nào. Nhưng có thể loại tô ngoạng là loại ve “khủng” nhất trong các loài ve. Cứ xuân sang, lộc lá tưng bừng thì ấu trùng ve tô ngoạng chả hẹn từ dưới đất chui lên nhiều vô kể. Nhỏ hơn một chút là ve i liễng trú ngụ ở rừng già, đại ngàn. Giữa tiết xuân mùa hoa ban nở cũng là lúc loài i liễng cất lên dàn nhạc “i liễng, i liễng” bồi hồi, tha thiết. Nên người Thái nói i liễng là “ca sĩ của rừng già”.

Còn loài ve đông đảo nhất là tô chắc chắn, cũng xuất hiện vào mùa ban nở nhưng nhỏ hơn bé hin hin. Tiếng kêu thành bè, thành mảng từ sáng đến chiều kêu ra rả trên rừng, dưới thung.

Và có thể có một loại ve nhỏ nhất là ve tô è, cũng xuất hiện vào mùa đầu ban nở, khi người dân đi phát nương dọn rẫy. Sáng ra cùng với sương mai, tô è bám vào ngọn mạy lay mạy trúc nhấm nháp mầm non và ca hát…

Cả thế giới loài ve từ to đến nhỏ hợp thành đồng ca bất tận gần như quanh năm. Muôn loài tựa nhau mà sinh tồn, trong nhạc ve hối hả.

“Sen tàn cúc lại nở hoa”. Mùa hạ nồng nàn khép lại mùa thu mát mẻ lại về. Nhạc ve dẳng dỏi vãn dần. Chỉ còn tiếng ve than thở trút hơi thở tiễn biệt loài ve. Gửi lại trong lòng đất ấm muôn triệu ấu trùng ve chờ năm sau lại sinh sôi khởi nhạc.