Rủi ro từ “cơn sốt” thuốc Ozempic

Dù được phê duyệt điều trị bệnh tiểu đường, song thuốc Ozempic của hãng dược phẩm Novo Nordisk (Đan Mạch) được nhiều người tiêu dùng sử dụng nhằm mục đích giảm cân, do thuốc có chứa hoạt chất semaglutide giúp người dùng cảm thấy no lâu và giảm cơn thèm ăn. “Cơn sốt” thuốc này đang tạo ra nhiều hệ lụy khi người mắc tiểu đường thiếu hụt thuốc để dùng, trong khi người sử dụng để giảm cân lại gặp phải những tác dụng phụ nghiêm trọng.
0:00 / 0:00
0:00
Thuốc Ozempic đang tạo nên cơn sốt thuốc trên khắp thế giới. Ảnh: GETTY IMAGES
Thuốc Ozempic đang tạo nên cơn sốt thuốc trên khắp thế giới. Ảnh: GETTY IMAGES

Kể từ sau khi tỷ phú người Mỹ Elon Musk và nhiều ngôi sao Hollywood tiết lộ “bí kíp” giảm cân của họ là nhờ thuốc Ozempic, loại thuốc này nhanh chóng được săn lùng trên thế giới. Theo CNN, Ozempic là tên thương mại của thuốc semaglutide, được sử dụng điều trị bệnh tiểu đường type 2 trong hơn 15 năm. Thuốc này mô phỏng hoạt động của loại hormone glucagon-like peptide-1 (GLP-1), xuất hiện tự nhiên trong cơ thể, có chức năng điều chỉnh lượng đường trong máu, làm chậm tốc độ gia tăng đường huyết sau khi ăn. Nó cũng làm chậm quá trình tiêu hóa, giảm tốc độ đào thải thức ăn khỏi dạ dày, khiến người dùng no lâu hơn, giúp giảm cảm giác thèm ăn, từ đó giảm cân.

Trên các nền tảng như Douyin, TikTok…, nhiều người bán hàng quảng cáo: “Ozempic là một loại thuốc giảm cân kỳ diệu. Bạn không cần ăn kiêng hay tập thể dục mà vẫn có thể giảm cân ngay cả khi nằm yên chỉ với một mũi tiêm Ozempic”. Nhiều tài khoản chia sẻ, sau thời gian dùng thuốc, khẩu phần ăn của họ giảm đáng kể so trước đây do không có cảm giác thèm ăn.

Chính vì vậy, kể từ khi được tung ra thị trường năm 2021, semaglutide đã luôn trong tình trạng thiếu hụt khiến những người bị mắc bệnh tiểu đường, được chỉ định sử dụng Ozempic, không có thuốc để dùng. Không chỉ vậy, nhu cầu tăng cũng đẩy giá thuốc tăng cao, đặc biệt tại các thị trường “chợ đen”. Thông thường, một chiếc bút tiêm Ozempic liều 1mg rơi vào khoảng 700 USD, song nhiều người tiêu dùng sẵn sàng chi số tiền gấp hai lần để sở hữu một mũi thuốc này.

Đáng nói, nhiều kẻ xấu đã lợi dụng tình hình để sản xuất thuốc giả và đẩy vào thị trường. Ngày 24/10, Văn phòng liên bang Áo về chăm sóc y tế an toàn (BASG) cho biết, một số người đã phải nhập viện sau khi sử dụng thuốc trị tiểu đường Ozempic bị nghi là giả. Cụ thể, các bệnh nhân đã bị hạ đường huyết, co giật và bị tác dụng phụ nghiêm trọng do sản phẩm có chứa insulin, thay vì thành phần hoạt chất semaglutide trong Ozempic. Cơ quan quản lý dược phẩm của Liên minh châu Âu (EU) sau đó cho hay, thuốc Ozempic chứa hoạt chất semaglutide bào chế dưới dạng dung dịch trong bút tiêm bị dán nhãn sai, trong khi hãng dược phẩm Novo Nordisk khuyến cáo sự gia tăng các phiên bản giả mạo của thuốc Ozempic.

Trước tình hình sử dụng tràn lan thuốc Ozempic, Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) cảnh báo đây không phải là “thần dược” giảm cân. FDA đưa ra cảnh báo bởi Mỹ là một trong những quốc gia có tỷ lệ người mắc chứng béo phì cao nhất thế giới. Theo FDA, đã có tình trạng u tuyến giáp phát triển sau khi sử dụng thuốc và thuốc có thể kém an toàn với những bệnh nhân bị viêm tụy hoặc ung thư tuyến giáp. Các chuyên gia sức khỏe khác cũng bày tỏ quan điểm cho rằng, thuốc chỉ có tác dụng hỗ trợ chứ không giải quyết được căn nguyên của vấn đề. Một số nghiên cứu cho thấy, một năm sau khi ngừng thuốc, bệnh nhân có xu hướng tăng cân trở lại.

Không chỉ vậy, một khi bắt đầu sử dụng thuốc, người dùng sẽ phải duy trì sử dụng mà không biết rõ về tác dụng kéo dài. Điều này tiềm ẩn những rủi ro về sức khỏe khi quá trình tiêm loại thuốc này kéo dài tới 104 tuần. TS Duane Mellor, chuyên gia dinh dưỡng của Trường Y khoa Aston tại Đại học Aston ở thành phố Birmingham (Anh) khuyến cáo, không nên lạm dụng hoạt chất semaglutide, thay vào đó sử dụng nó để hỗ trợ quá trình thay đổi lối sống lành mạnh. Trên thực tế, tập thể dục đều đặn và có chế độ ăn kiêng hạn chế calories là hai cách giảm cân được chứng minh có hiệu quả và an toàn nhất.