Park Jeong-su, một thành viên của nhóm KAIST cho biết, việc phát triển một loại robot hỗ trợ cuộc sống hằng ngày của những người khuyết tật, có thiết kế phù hợp với từng cá nhân người sử dụng. Với thành phần là nhôm và titan, robot là một bộ khung có tổng trọng lượng 50 kg. Robot sử dụng năng lượng từ 12 động cơ điện tử mô phỏng chuyển động của khớp người khi đi bộ. Trong quá trình sử dụng, robot có thể di chuyển đến gần người sử dụng, áp sát và tự động “khóa” mình vào thân họ, hỗ trợ họ trong việc đi lại, vượt các chướng ngại vật và cả leo cầu thang.
Để bảo đảm sự cân bằng của người dùng khi đi bộ, robot được trang bị các cảm biến ở đế và thân trên để theo dõi 1.000 tín hiệu mỗi giây và dự đoán các chuyển động dự định của người dùng. Cùng với đó, các thấu kính ở phía trước của robot hoạt động như đôi mắt để phân tích môi trường chung quanh, xác định độ cao của cầu thang và phát hiện chướng ngại vật để bù đắp cho khả năng cảm giác yếu của người dùng bị liệt hoàn toàn.
Với thiết kế bao gồm bộ truyền động và giảm tốc, hệ thống kiểm soát cân bằng và bộ truyền động tuyến tính để hỗ trợ mắt cá chân, người dùng có thể trực tiếp điều khiển robot hỗ trợ họ đi theo dáng đi của con người. Bên cạnh đó, robot WalkOn Suit còn có chức năng tích hợp, tự động phát triển phương pháp đi bộ tối ưu cho từng người dùng.
Anh Kim Seung-hwan, thành viên của nhóm KAIST, cũng là một người bị liệt nửa người cho biết, với sự hỗ trợ của robot này, anh có thể đi bộ với tốc độ 3,2 km/giờ, leo lên một cầu thang và bước sang một bên để ngồi vào băng ghế. Một trong những tính năng đặc biệt nhất của robot này là tự di chuyển như một robot hình người, tiếp cận người sử dụng và tự động “khóa” vào người họ, giúp họ đứng dậy, thay vì cần phải đưa người khuyết tật ra khỏi xe lăn và đặt họ vào thiết bị hỗ trợ như nhiều bộ khung hỗ trợ khác.
“Nó có thể đến gần tôi ở bất cứ đâu, ngay cả khi tôi đang ngồi trên xe lăn”, anh Kim nói. Anh cho biết, robot giúp anh cảm thấy tự tin hơn và có thêm nhiều trải nghiệm vui cùng với con trai của mình.