Sửa đổi, bổ sung điểm ưu tiên
Dự thảo Thông tư có các nội dung sửa đổi liên quan đến: Sử dụng thiết bị, phần mềm công nghệ thông tin và truyền thông; đăng ký dự thi; trách nhiệm của thí sinh; hội đồng ra đề thi; in sao, vận chuyển và bàn giao đề thi tại Hội đồng thi; làm thủ tục dự thi cho thí sinh; Ban làm phách bài thi tự luận và điểm ưu tiên.
Trong đó, đáng chú ý là dự thảo quy định, thí sinh được đăng ký dự thi trực tuyến hoặc đăng ký dự thi trực tiếp tại trường phổ thông nơi học lớp 12 (quy định hiện hành là đăng ký tại trường phổ thông nơi học lớp 12). Cũng liên quan đến đăng ký dự thi, dự thảo sửa đổi liên quan đến quy định về hồ sơ đăng ký dự thi dành cho đối tượng là người đã học xong chương trình THPT trong năm tổ chức kỳ thi.
Cụ thể, hồ sơ đăng ký dự thi gồm: Hai phiếu đăng ký dự thi giống nhau; bản chính hoặc bản sao học bạ THPT hoặc học bạ Giáo dục thường xuyên cấp THPT, hoặc phiếu kiểm tra của người học theo hình thức tự học đối với Giáo dục thường xuyên do Hiệu trưởng trường phổ thông cấp; các giấy chứng nhận hợp lệ để được hưởng chế độ ưu tiên, khuyến khích (nếu có); file ảnh (hoặc 2 ảnh 4x6 trong trường hợp đăng ký trực tiếp) kiểu căn cước công dân được chụp trước thời gian nộp hồ sơ không quá sáu tháng.
Liên quan đến trách nhiệm của thí sinh, dự thảo sửa đổi, bổ sung điểm k, m khoản 4 Điều 14. Theo đó, thí sinh không được rời khỏi phòng thi trong suốt thời gian làm bài thi trắc nghiệm. Đối với buổi thi môn tự luận, thí sinh chỉ được ra khỏi phòng thi sau khi hết hai phần ba thời gian làm bài của buổi thi; phải nộp bài thi kèm theo đề thi, giấy nháp cho cán bộ coi thi trước khi ra khỏi phòng thi và phải ở tại phòng chờ trong suốt thời gian còn lại của buổi thi. Thí sinh chỉ được mang vào phòng thi: Bút viết, bút chì, compa, tẩy, thước kẻ, thước tính; máy tính bỏ túi không có chức năng soạn thảo văn bản, không có thẻ nhớ; Atlat Địa lý Việt Nam đối với môn thi Địa lý (quy định cụ thể trong hướng dẫn tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT hằng năm của Bộ Giáo dục và Đào tạo).
Về điểm ưu tiên, dự thảo sửa đổi, bổ sung liên quan đến một trong những đối tượng thuộc diện cộng 0,25 điểm ưu tiên, đó là:
Người Kinh, người nước ngoài cư trú tại Việt Nam có ít nhất hai phần ba thời gian học cấp THPT tại các trường phổ thông không nằm trên địa bàn các quận của các thành phố trực thuộc Trung ương và có nơi thường trú từ 3 năm trở lên trong thời gian học cấp THPT (tính đến ngày thi) ở xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu thuộc diện đầu tư của Chương trình 135; xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; xã khu vực I, II, III; các xã có thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số, miền núi theo quy định hiện hành của Thủ tướng Chính phủ.
Một trong những đối tượng thuộc diện cộng 0,5 điểm ưu tiên cũng được sửa đổi, bổ sung trong dự thảo, cụ thể:
Người dân tộc thiểu số đang học tại các trường phổ thông dân tộc nội trú hoặc các trường phổ thông không nằm trên địa bàn các quận nội thành của các thành phố trực thuộc Trung ương và có nơi thường trú ở xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu thuộc diện đầu tư của Chương trình 135; xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; xã khu vực I, II, III; các xã có thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số, miền núi theo quy định hiện hành của Thủ tướng Chính phủ.
Tăng số lượng và chất lượng kỳ thi riêng
Năm 2023, ngoài xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, các trường đại học còn sử dụng thêm nhiều phương thức khác để xét tuyển như sử dụng kết quả của các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy, đánh giá năng lực chuyên biệt (kỳ thi riêng), điểm học bạ THPT, xét tuyển kết hợp. Đáng chú ý là chỉ tiêu của nhiều trường đại học dành cho phương thức sử dụng kết quả các kỳ thi riêng tăng lên so với năm 2022.
Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cũng vừa phê duyệt Đề án tổ chức thi đánh giá năng lực từ năm 2023. Trung tâm Khảo thí của Đại học Quốc gia Hà Nội dự kiến năm 2023 sẽ tổ chức các đợt thi từ tháng 3 đến tháng 6 với quy mô khoảng 100.000 lượt thi tại tám tỉnh, thành phố trên cả nước. Thí sinh đăng ký dự thi trực tuyến và được duy trì 24 tháng kể từ thời điểm hoàn thành thủ tục đăng ký. Thí sinh cũng được đăng ký dự thi nhiều đợt trong năm nhưng thời gian cách nhau giữa hai đợt thi tối thiểu 28 ngày (bao gồm cả các ngày thi). Khi đăng ký dự thi, thí sinh được quyền chọn đợt thi, điểm thi.
Đề án tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực của Trường đại học Sư phạm Hà Nội dự kiến tổ chức một hoặc hai đợt vào cuối tháng 4 và tháng 5 hằng năm. Ngoài ra, tám trường đại học sư phạm lớn của cả nước cũng thống nhất công nhận kết quả kỳ thi đánh giá năng lực và Trường đại học Sư phạm Hà Nội chuyên biệt để xét tuyển trong năm 2023.
Trong khi đó, Trường đại học Bách khoa Hà Nội có kế hoạch tổ chức ba đợt thi đánh giá tư duy trong năm 2023 vào các tháng 5, 6 và 7, tăng 2 đợt so với năm 2022. Năm ngoái, kỳ thi này thu hút hơn 7.100 thí sinh tham dự, hơn 20 trường sử dụng kết quả để xét tuyển.
Hội đồng tuyển sinh Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh vừa thống nhất và quyết định năm 2023 tiếp tục phát triển kỳ thi đánh giá năng lực cả về quy mô lẫn chất lượng. Cụ thể, ngoài 17 địa điểm thi tại các tỉnh, thành phố như năm 2022, kỳ thi sẽ được tổ chức thêm tại một số địa phương. Trong năm 2022, có hơn 120.000 lượt thí sinh dự thi và có gần 100 trường cao đẳng, đại học sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực để xét tuyển. Năm 2023, với việc mở rộng địa điểm thi, lãnh đạo Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh khẳng định, số lượng thí sinh dự thi sẽ tăng lên, đồng thời số trường đăng ký sử dụng kết quả của kỳ thi để xét tuyển cũng sẽ tăng. Đó là chưa kể kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh sẽ được công nhận lẫn nhau để tạo thuận lợi cho thí sinh trong việc đăng ký xét tuyển trong năm 2023.
Điểm nổi bật của các kỳ thi riêng trong năm 2023 được các trường đại học nhìn nhận là sẽ thay đổi về cấu trúc cũng như chất lượng đề thi. Cụ thể, kỳ thi đánh giá tư duy của Trường đại học Bách khoa Hà Nội sẽ thay đổi theo hướng tiệm cận với các kỳ thi của quốc tế. Thay vì diễn ra cả ngày và thi trên giấy như năm 2022, kỳ thi năm 2023 được tổ chức trên máy tính trong một buổi. Sau khi hoàn thành bài thi, các em được cấp giấy chứng nhận có giá trị trong hai năm, được đăng ký xét tuyển vào bất cứ trường đại học nào sử dụng kết quả của kỳ thi. Lý giải về sự thay đổi đề thi, một lãnh đạo Trường đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, nhằm mở rộng khả năng sử dụng kết quả bài thi cho các trường thuộc khối ngành kinh tế, tài chính, ngân hàng, nông nghiệp, y dược và quan trọng hơn là phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới.
Theo TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh), kỳ thi đánh giá năng lực của nhà trường năm 2023 có một số điều chỉnh nhằm tạo thuận lợi hơn cho thí sinh. Về cấu trúc đề thi, độ khó không thay đổi so với năm 2022 nhưng ngân hàng câu hỏi sẽ có sự bổ sung phù hợp hơn. Ngoài ra, năm nay thí sinh đăng ký dự thi sẽ dễ dàng hơn khi hệ thống đăng ký được đầu tư và nâng cấp, thí sinh dễ dàng thao tác, chuyển khoản trực tuyến.
Trong khi đó, các kỳ thi riêng của Trường đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường đại học Sư phạm Hà Nội… cũng sẽ có một số điều chỉnh nhằm tạo thuận lợi cho thí sinh cũng như giúp các trường đánh giá và tuyển chọn thí sinh đủ năng lực để phù hợp với yêu cầu đào tạo của từng trường.