Quyền được lựa chọn

NDO - Giữa dòng chảy cuộc sống bận rộn này, nhiều khi, ta không nhận ra văn hóa đang được thực hành như chúng ta hằng biết. Tuy vậy, khoảnh khắc nhận ra văn hóa đã, đang và có thể sẽ khác cũng là một cơ hội để ta nhìn nhận sâu sắc hơn về văn hóa của chính mình.
Cô Kao Thị Sơn giới thiệu thổ cẩm của người Mường, tại sự kiện "Dệt nên câu chuyện mình", tháng 1/2021. (Ảnh: Minh Đức)
Cô Kao Thị Sơn giới thiệu thổ cẩm của người Mường, tại sự kiện "Dệt nên câu chuyện mình", tháng 1/2021. (Ảnh: Minh Đức)

Ðể phong tục mãi là phong tục

Trong suốt sáu năm qua, một nhóm bạn trẻ người H’Mông, đến từ nhiều tỉnh ở miền bắc, cứ trở đi trở lại với một thảo luận: Làm sao để tục "kéo vợ" không còn bị thực hành một cách bạo lực nữa?

Kéo vợ vốn là một phong tục. Nhìn bề ngoài, đó là cảnh nam kéo nữ về nhà, nhưng thật ra, hai bên nam nữ đã liên hệ với nhau từ trước. Đây là cơ hội để người nữ quan sát gia đình người nam trong ba ngày trước khi đưa ra quyết định cưới. Để bảo đảm an toàn, người nữ được rủ bạn thân đi cùng hoặc yêu cầu được ngủ chung với mẹ của người nam. Nếu không được đối xử tử tế, cô có quyền tố cáo và người nam sẽ bị phạt vạ rất lớn.

Hiện nay, tại nhiều nơi, tục kéo vợ của người H’Mông bị một số người trẻ thực hành như một hình thức ép buộc người nữ. Bối cảnh kinh tế-xã hội thay đổi, bố mẹ đi làm xa, lớp trẻ ít có thời gian tìm hiểu kỹ về văn hóa từ trong chính cộng đồng, nên một số người nam trẻ đã hiểu sai, chỉ thấy cái vỏ mà không thấy cái lõi, đi bắt vợ không đúng với tinh thần của phong tục truyền thống.

Cộng hưởng thêm, những hiểu lầm từ ngoài cộng đồng, tác động tiêu cực từ sự đăng tải thông tin "câu view" rẻ tiền của một số kênh truyền thông và mạng xã hội khiến vấn đề càng thêm phức tạp.

Trước bối cảnh ấy, nhiều bạn trẻ người H’Mông đã cho rằng, khi không thể giữ được phong tục một cách đúng đắn thì tốt nhất là hủy bỏ nó. Song, số khác lại mong muốn tìm cách dung hòa với thực tại và đưa ra các câu hỏi về phía cộng đồng để tìm giải pháp cân bằng. Năm 2018, chương trình "Tết Mông xuống phố" của nhóm các thanh niên hành động vì văn hóa H’Mông (AHD) được tổ chức với chủ đề "Kéo không méo".

Chương trình là một cách tiếp cận của thanh niên H’Mông xa quê với những thay đổi đang diễn ra đối với phong tục văn hóa "kéo vợ"."Kéo không méo" nghĩa là "làm thế nào để việc Kéo vợ không (bị hiểu) méo mó". Ban tổ chức thúc đẩy các bạn thí sinh tìm hiểu về truyền thống hôn nhân của người H’Mông, trưng bày triển lãm về nghiên cứu phong tục người H’Mông.

Và đặc biệt nhất là một hoạt động sân khấu mở-kịch tương tác, trong đó, bối cảnh kéo vợ được diễn ra trên sân khấu, khán giả có thể tham gia "đóng vai" một người bị kéo hay người trong đoàn kéo.

Bằng những kiến thức và thông tin được cung cấp, khán giả sẽ đưa ra những quyết định cá nhân về phong tục. Hình thức sáng tạo này đã giúp phong tục truyền thống tiếp tục được truyền dạy, trao đổi; giới trẻ trong cộng đồng người H’Mông xa quê tiếp tục suy ngẫm để tìm giải pháp thực hành phong tục đó trong đời sống đương đại.

Chọn cách làm khác, Ma Lẩu, một bạn trẻ người H’Mông ở Sa Pa, đang ấp ủ một lớp học về giáo dục giới tính và truyền thống hôn nhân của người H’Mông cho thanh thiếu niên địa phương. Theo Lẩu, những thanh niên hay đi bắt vợ thường ở độ tuổi đang học trung học cơ sở và phổ thông, nên cần những lớp học phổ biến kiến thức về văn hóa truyền thống một cách dễ hiểu và sinh động cho các em, nhất là để các em nữ biết về quyền của mình trong văn hóa và các em nam hiểu mà không thực hành sai lệch phong tục.

Hai cách làm nêu trên của những thanh niên người H’Mông đã tác động tích cực tới nhiều người khác, cùng hướng tới giải pháp để phong tục kéo vợ được hiểu đúng bởi người ngoài cộng đồng và được thực hành một cách đúng đắn từ bên trong cộng đồng. Một thực hành văn hóa không bao giờ ở vị trí hoàn toàn độc lập, không đứng yên như một hiện vật trong bảo tàng mà nó luôn bị chi phối bởi bối cảnh đời sống hiện tại.

Truyền thống văn hóa đồng hành phát triển cộng đồng

Trong một trường hợp khác, những cộng đồng người H’Mông, Chăm, Pà Thẻn đang cùng gây dựng nhiều hoạt động để văn hóa truyền thống của tộc người được chia sẻ, cùng sử dụng, góp phần để chính văn hóa truyền thống cùng dự phần vào phát triển cuộc sống vật chất tiến bộ hơn.

Trong năm 2021, một số nhóm cộng đồng đã cùng thực hiện dự án "Dệt câu chuyện mình" về ý nghĩa hoa văn thổ cẩm. Đứng trước vấn đề họa tiết của các tộc người bị người ngoài cộng đồng sử dụng mà không hiểu đầy đủ ý nghĩa, có thể tạo nên những hiểu sai về văn hóa, xâm phạm điều kiêng kị, nhóm dự án đã chọn cách làm nổi bật ý nghĩa của những họa tiết thổ cẩm thông qua quá trình sưu tập, tổng hợp và xuất bản theo nhiều hình thức (sách, file vector, phim hoạt hình). Hoạt động này đã tạo tiền đề để giải quyết những mâu thuẫn văn hóa sau đó.

Tháng 10/2021, mẫu giày "Hoa trong đá" của hãng Biti’s được ra mắt với cảm hứng từ thổ cẩm miền trung. Tuy vậy, nội dung của phần thổ cẩm trên mẫu giày bị truyền thông sai: họa tiết chân chó của người Chăm bị nhầm là thổ cẩm Tây Nguyên. Anh Sohaniim, thành viên của dự án "Dệt câu chuyện mình" đã nhanh chóng chỉ ra nhầm lẫn và phản hồi trên Facebook.

Hãng Biti’s đã tiếp nhận, thay đổi nội dung truyền thông. Kết quả này cho thấy, những tri thức đầy đủ về truyền thống luôn có vai trò quan trọng trong đời sống đương đại. Và khi mỗi người trong và ngoài cộng đồng cùng giữ tinh thần trao đổi cởi mở, minh bạch, sẽ tạo nên những thay đổi phù hợp cho tất cả các bên, đem tới sự cân bằng, chính xác, tôn trọng và hiểu đúng về
truyền thống.

Ta có thể lựa chọn để giữ gìn những phong tục truyền thống tốt đẹp dù bối cảnh đang có nhiều biến đổi như cách nhiều thanh niên người H’Mông tác động vào phong tục kéo vợ; ta cũng có thể tạo nên không gian mở, chủ động đưa những kiến thức, quan điểm của tộc người tới với cộng đồng để cùng khai thác và lan tỏa các giá trị văn hóa đặc sắc. Trước sự thay đổi của văn hóa, con người chủ thể của nó có quyền lựa chọn hướng phát triển cho các thực hành phong tục.