Phóng viên (PV): Hiện nay tại Hà Nội, việc phát triển “nóng” các cao ốc, khu đô thị đã ảnh hưởng tới giao thông ra sao, thưa ông?
Ông Ngô Mạnh Tuấn (NMT): Việc đô thị hóa luôn luôn gắn liền với phát triển dân cư, phát triển các phương tiện giao thông cá nhân và xây dựng các tòa NCT. Đây là xu thế tất yếu tại nhiều đô thị chứ không riêng gì Hà Nội. Với quỹ đất có hạn, NCT là giải pháp tối ưu để giải quyết chỗ ở cho người dân. Tuy nhiên tại một số khu vực, tuyến đường của thủ đô, việc xen cấy dày đặc các dự án (DA) chung cư cao tầng đã gia tăng áp lực khiến tình trạng UTGT diễn biến phức tạp. Năm 2017, trong số 41 điểm ùn tắc, thành phố giải quyết còn 24 điểm nhưng lại phát sinh thêm nhiều điểm mới.
Dù vậy vẫn phải nhìn nhận, NCT cũng chỉ là một trong nhiều nguyên nhân gây nên UTGT. Thời gian qua, tuy kết cấu hạ tầng giao thông (HTGT) thành phố Hà Nội đã được quy hoạch và đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng được với tốc độ tăng trưởng của phương tiện giao thông. Năm 2017, toàn thành phố có 5,48 triệu xe máy, tốc độ gia tăng hàng năm là 6,7% và 669.000 ô-tô, tốc độ gia tăng hàng năm là 10,2%. Trong khi đó, tốc độ phát triển của HTGT chỉ đạt 3,9%. Việc phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu cả về số lượng, loại hình, chất lượng. Ngoài ra, ý thức tuân thủ pháp luật của người dân khi tham gia giao thông chưa cao cũng là một yếu tố quan trọng dẫn đến tình trạng này...
PV: Được cho là một trong các nguyên nhân gây nên UTGT, Sở GTVT Hà Nội đã bao giờ tham gia vào việc đánh giá tác động giao thông trước khi phê duyệt các dự án chung cư, NCT chưa?
Ông NMT: Các DA xây dựng hiện nay đang thực hiện đều được các cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy hoạch. Tuy nhiên, theo tôi, thời gian tới, để giảm thiểu UTGT, đối với các DA xây dựng lớn ngoài việc đánh giá tác động của môi trường nên có đánh giá tác động đối với hệ thống giao thông liên quan đến DA. Ở bước thực hiện đầu tư, cần tập trung nguồn lực triển khai thực hiện đồng bộ các hạ tầng liên quan đến DA như: hạ tầng xã hội gồm trường học, bệnh viện, khu buôn bán, trung tâm thương mại... và HTGT như: hệ thống đường, bến, bãi đỗ xe, các kết nối giao thông… Bên cạnh đó, cần phải tăng cường kết nối các khu đô thị với các hệ thống VTHKCC hiện có, khuyến khích người dân sử dụng VTHKCC hướng tới giảm giao thông cá nhân.
Kết cấu hạ tầng giao thông TP Hà Nội đã được quy hoạch và đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng được tốc độ tăng trưởng của phương tiện giao thông.
PV: Để cải thiện tình trạng UTGT, theo ông cần có những giải pháp gì?
Ông NMT: Sở GTVT Hà Nội đang tham mưu thành phố ban hành “Chương trình tổng thể Đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu HTGT khung trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2017-2021, định hướng đến năm 2030”. Theo đó, quy hoạch đô thị phải gắn liền với phát triển HTGT là một trong những giải pháp lâu dài để cải thiện tình hình UTGT trên địa bàn thành phố.
Hiện tại, để giải quyết vấn đề trước mắt, Sở GTVT Hà Nội vẫn đang phối hợp Công an thành phố Hà Nội và các đơn vị liên quan tập trung rà soát để thí điểm tổ chức giao thông trên các tuyến, các nút thường xuyên ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm. Chúng tôi đang tiếp tục rà soát và có giải pháp cụ thể phấn đấu đến hết năm 2018 khắc phục dứt điểm 10/37 điểm có nguy cơ và thường xuyên UTGT còn tồn lại của năm 2017; điều chỉnh tổ chức giao thông hợp lý, khoa học phù hợp thực tế và nhu cầu của lưu lượng giao thông tại từng thời điểm (điều chỉnh vạch sơn, biển báo, đèn giao thông…); chủ động phát hiện sớm và xử lý các điểm có nguy cơ UTGT mới phát sinh.
Đặc biệt, hiện nay thành phố đã và đang chuẩn bị tổ chức thi công các công trình trọng điểm như: các nhà ga ngầm S9, S10 thuộc DA đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội đoạn Nhổn - ga Hà Nội; đường vành đai ba dưới thấp và trên cao (đoạn Mai Dịch - Cầu Thăng Long); Cầu vượt Phạm Ngọc Thạch - Chùa Bộc... Sau khi các DA triển khai thực hiện, Sở GTVT Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp Công an thành phố và các đơn vị tổ chức rà soát các điểm UTGT, trong đó có ảnh hưởng của việc thi công các công trình trọng điểm.