Quy củ hơn trong lễ hội đầu năm

Trong tháng Giêng có rất nhiều lễ hội quy mô lớn nhỏ được tổ chức trên khắp cả nước. Cũng vào dịp này, du khách từ khắp nơi đổ về các khu di tích, đền, chùa, danh lam thắng cảnh để du xuân, đi lễ đầu năm.
0:00 / 0:00
0:00
Khai hội chùa Tam Chúc. Ảnh: PHAN QUỲNH
Khai hội chùa Tam Chúc. Ảnh: PHAN QUỲNH

“Mùa khai hội” nhộn nhịp

Cả trong và sau Tết Nguyên đán, du xuân vãn cảnh, chiêm bái cầu Phật được ưa chuộng hơn bất kỳ hình thức du lịch nào khác. Người dân đổ về những ngôi đền, chùa, hòa mình vào không khí rộn ràng của lễ hội.

Tại chùa Tam Chúc (huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam), dòng người thong dong hơn, thoải mái và quy củ hơn. Ước tính trong bảy ngày Tết Giáp Thìn (29 tháng Chạp đến mồng 5 tháng Giêng), lượng khách lên tới hơn 370 nghìn người, phần lớn là khách du lịch trong nước, đem lại doanh thu cho địa phương lên tới gần 300 tỷ đồng.

Khu di tích Yên Tử (Quảng Ninh), nơi diễn ra lễ hội Xuân Yên Tử kéo dài đến hết tháng 3 âm lịch, ngày khai hội 19/2 (mồng 10 tháng Giêng), lượng khách tham dự khoảng 20 nghìn người, gấp đôi so năm 2023. Các lối đi và cáp treo được cải tạo sạch sẽ với nhiều biển hướng dẫn cụ thể. Cảnh quan trong khuôn viên chùa được tu bổ khang trang, các bãi đỗ xe, đèn chiếu sáng, biển hướng dẫn được đầu tư sửa chữa hoặc xây dựng mới.

Có mặt tại chùa Hương vào ngày khai hội (mồng 6 Tết), chị Phan Trịnh Hà My (thành viên đội văn nghệ khai hội) cho biết, người về đúng ngày khai hội vẫn rất đông, nhưng không có hiện tượng chèo kéo khách, chen lấn chỗ đỗ đò, lái đò xin tiền thêm. Năm nay cũng là năm đầu tiên Hợp tác xã dịch vụ du lịch Chùa Hương đi vào hoạt động bài bản từ khâu đưa đón khách bằng xe điện cho đến kiểm soát vé đò. Các hoạt động này diễn ra trơn tru, bài bản, không có sự chen chúc gây ùn tắc.

Tại Khu Di tích lịch sử, văn hóa Đền Trần-Chùa Tháp (thành phố Nam Định), lễ khai ấn được diễn ra trong thời tiết không mấy thuận lợi khi trời đổ mưa phùn, nhiệt độ giảm sâu. Lượng khách đến đây không suy giảm so mọi năm. Bất chấp thời tiết, hàng dài người che ô nối đuôi vào đền dâng hương sắp lễ.

Còn tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Sơn Tây, Hà Nội), chung vui với đồng bào dân tộc trong đại gia đình dân tộc Việt Nam, lãnh đạo Đảng và Nhà nước đánh giá: sức sống của các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc mở ra những triển vọng phát triển công nghiệp văn hóa du lịch giàu có và phong phú của tài nguyên văn hóa, làm gia tăng cơ hội phát triển kinh tế, tạo nên sự thịnh vượng cho mỗi quốc gia. Đây cũng là con đường chạm đến trái tim của mỗi du khách và bạn bè thế giới.

Nhìn chung người dân đã có sự văn minh hơn trong việc du xuân đầu năm. Mạng xã hội cũng không có những tin tức dậy sóng khiến người ở nhà ngao ngán với suy nghĩ “không đi là lựa chọn đúng đắn”.

Vẫn còn “con sâu làm rầu nồi canh”

Với số lượng lễ hội đầu năm lên tới hàng nghìn và diễn ra trên khắp cả nước dẫn đến việc khó kiểm soát được chặt chẽ. Tất yếu, những câu chuyện dựa vào tâm linh để trục lợi, tâm lý mê muội nặng về cầu cũng khiến cho nhiều lễ truyền thống đang bị biến tướng, trở nên hỗn loạn, ảnh hưởng tới hình ảnh tâm linh.

Tại lễ hội đền Sái (huyện Đông Anh, Hà Nội), không khó để bắt gặp hình ảnh những người tự xưng là thầy bói trải chiếu ngồi hai bên đường trên lối đi ở phía sau đền. Vị trí này thuận tiện để gặp người dân sau khi lấy quẻ sẽ đi qua, “thầy bói” tự xưng sẽ chèo kéo khách dừng lại “giải quẻ”, hoặc xem bói bài với mức phí “tùy tâm” nhưng tối thiểu là 20 nghìn đồng. Đại diện lãnh đạo địa phương, ông Nguyễn Văn Thu, Chủ tịch UBND xã Thụy Lâm cho biết, hoạt động xem bói là tự phát và hoàn toàn không được cấp phép, thẻ mà những “thầy bói” này đeo cũng không phải do ban tổ chức cung cấp.

Hay ở bên ngoài Đền ông Hoàng Bảy (xã Bảo Hà, tỉnh Lào Cai), những túi đồ khô được người bán quảng cáo là “thuốc rừng”, “thuốc nam” chữa được bách bệnh vẫn được chào mời liên tục với du khách. Qua việc thổi phồng chức năng và được bày bán ở nơi tâm linh như cổng đền, nhiều du khách đã vô tình bị thu hút bởi những lời chào mời mà sẵn sàng bỏ ra những số tiền không nhỏ để mua những gói thuốc chưa được kiểm chứng này.

Bên cạnh đó, một trong những vấn đề ảnh hưởng nhiều nhất tới trải nghiệm của du khách đó là vấn đề bãi đỗ xe. Với lượng du khách đổ về lớn trong thời gian ngắn, nhiều địa điểm đã không sát sao trong việc kiểm soát thu vé, thu phí gửi đỗ xe dẫn đến nhiều nhập nhằng trong khâu thu phí, gây bức xúc cho người dân.

Tại di tích tâm linh đền, chùa Cầu Muối (Thái Nguyên), cách khu di tích cả 500 m đã có rất đông những cò xe chèo kéo khách, trung bình mỗi lần là 30 nghìn đồng. Ở một số bãi gửi khác gần di tích hơn thì giá có thể là 40 nghìn đồng. Anh Phan Hữu Chung (Bắc Giang) chia sẻ, năm nào gia đình anh cũng đi đền Cầu Muối nhưng năm nào cũng gặp vấn đề với bãi đỗ xe. Năm thì giá cao mà không có vé gửi đàng hoàng, chỉ là tờ giấy ghi biển số, năm thì phải gửi xa và gửi nhiều lượt.

Cũng là vấn đề vị trí đỗ xe, tại hội Lim (huyện Tiên Du, Bắc Ninh) xuất hiện nhiều bãi đỗ xe tự phát ngoài quy hoạch, thu phí gửi xe giá cao khiến nhiều du khách bức xúc khi về du xuân. Giá vé gửi xe ô-tô lên tới 100 nghìn đồng, xe máy là 20 nghìn đồng, cao gấp nhiều lần giá vé gửi trung bình…

Để có một mùa hội an toàn, tươi vui cho du khách, công tác an ninh trật tự được mỗi địa phương triển khai và thực hiện nghiêm ngặt. Tại hội xuân Tam Chúc, công tác an ninh trật tự được làm nghiêm dưới sự phối hợp của Công an tỉnh, Công an huyện Kim Bảng và Ban Quản lý khu du lịch chùa Tam Chúc. Tại Yên Tử, Công an tỉnh Quảng Ninh đã cùng Công an TP Uông Bí xây dựng “Kế hoạch đảm bảo ANTT Lễ hội Xuân Yên Tử năm 2024”. Lực lượng chức năng được bố trí khắp các địa điểm tham quan. Còn tại Khu Di tích lịch sử, văn hóa Đền Trần-Chùa Tháp, hai bãi trông giữ xe phía trước khuôn viên được chuyển ra xa đền hơn, có hàng rào từ xa cấm các phương tiện đi vào bên trong đền. Công tác an ninh bảo đảm an toàn cho du khách tại Đền Trần được tăng cường, hạn chế người dân vào khu vực làm lễ trong đêm khai ấn.

Ấn tượng tốt trong lòng du khách

Chị Nguyễn Thị Linh (Thái Nguyên) chia sẻ về chuyến vãn cảnh tại Tây Yên Tử (Bắc Giang), cả gia đình chị đi đúng vào ngày khai hội, lượng người đến khá đông nhưng không có tình trạng hét giá cho các dịch vụ ăn uống. Phí đỗ xe, đi xe điện cũng ở mức chấp nhận được nên gia đình cũng hoan hỷ đầu năm. Còn trên cung đường leo lên đỉnh chùa Đồng (Yên Tử, Quảng Ninh), thực phẩm đều được nâng giá lên gấp rưỡi hoặc gấp đôi nhưng hầu hết du khách đều cảm thấy thoải mái vì những người bán hàng đều khó khăn khi vận chuyển lên cao.

Tuy vẫn còn xuất hiện các hoạt động đánh tráo khái niệm tâm linh, trục lợi nhưng tính chất không còn quá nghiêm trọng và hầu hết đều được ban quản lý phối hợp lực lượng các di tích phát hiện sớm và xử lý kịp thời. Các hành vi vi phạm thuần phong mỹ tục, làm xấu hình ảnh tâm linh giảm về số lượng. Tại nhiều lễ hội đã có đổi mới trong khâu tổ chức, sáng tạo nhiều hoạt động nhằm quảng bá quê hương như Lễ khai ấn Đền Trần đã kết hợp triển lãm, tổ chức trò chơi dân gian, trưng bày đặc sản,…

Việc người dân tham gia các hoạt động lễ hội đầu năm ngày một tăng cả về số lượng và chất lượng phản ánh bản sắc văn hóa tín ngưỡng lâu đời nhưng không hề bị mai một theo năm tháng. Ngoài dâng hương, cầu khấn, tham gia lễ, hội còn là hoạt động tiêu biểu cho tư tưởng “uống nước nhớ nguồn”, bày tỏ lòng thành kính với công lao của những vị anh hùng, hiền nhân đi trước, thể hiện sức sống mạnh mẽ của những truyền thống đạo lý dân tộc. Đối với du khách quốc tế, đó là hình ảnh đẹp đẽ về phong phục tập quán, về tinh thần yêu nước của mỗi người dân Việt Nam.