Tái định cư để an cư
Trong những ngày nắng thu đầu tháng 10 này, Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Văn Nhì đưa chúng tôi vào thăm khu tái định cư bản Sắt, ở huyện Quảng Ninh. Từ trên con đường vắt ngang đồi cao nhìn xuống thung lũng, bản Sắt bình yên trong nắng chiều giữa đại ngàn Trường Sơn.
Đồng chí Nguyễn Văn Nhì cho biết, giữa tháng 7/2021, toàn bộ khu tái định cư bản Sắt hoàn thành và 34 hộ dân với 152 nhân khẩu được nhận nhà mới khang trang hợp theo yêu cầu của bà con. Giữa bản có một khu nhà xây kiên cố 2 tầng là điểm trường học vừa kết hợp nhà tránh lũ cộng đồng. Đường sá đi lại thuận lợi, ban đêm có đèn năng lượng mặt trời chiếu sáng.
Cũng như bản Sắt, trong một đêm mưa cực lớn 4 năm trước, núi lở làm doanh trại của Bộ đội Biên phòng và cả bản Cha Lo sụp xuống. Rất may, trước đó nhận thấy những dấu hiệu không bình thường của địa hình nên Bộ đội Biên phòng đã di dời doanh trại và dân bản nên không gây ra thiệt hại về người. Sau một thời gian tá túc, khu tái định cư bản Cha Lo được xây dựng vững chải ở khu đất mới cách bản cũ chừng 2 km.
Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng bản Cha Lo Hồ Thông nhớ lại, cuối năm 2021, khu tái định cư bản Cha Lo với diện tích khoảng 5 ha, có đầy đủ hệ thống cơ sở hạ tầng và 34 ngôi nhà xây kiên cố, diện tích 50 m2/nhà, trị giá mỗi nhà 150 triệu đồng được bàn giao cho bà con. Chị Hồ Thị Giáo cho biết, trước đây gia đình chị sống trong ngôi nhà sàn bằng gỗ thiếu chắc chắn, lại nằm trong vùng thường xuyên bị lở núi nên rất lo lắng. Từ khi được chính quyền cho di dời đến nơi ở mới này yên tâm hơn. Chỉ mong Nhà nước xây cho điểm trường nữa để các cháu đi học gần hơn.
Cấp bách ứng phó với sạt lở đất
Theo Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình, toàn tỉnh hiện có 164 điểm sạt lở và nguy cơ sạt lở núi, khu dân cư, bờ sông, bờ biển, trong đó, 10 điểm có nguy cơ cao, đặc biệt nguy hiểm. Ngoài ra, có 35 hồ chứa hư hỏng, xuống cấp, cần nâng cấp, sửa chữa, trong đó, có 2 hồ không được phép tích nước trong thời điểm này là hồ Dạ Lam và hồ Hóc Chọ.
Trước các cơn bão số 3 và số 4, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình đề nghị UBND các huyện, thị xã khẩn trương kiểm tra, rà soát kỹ lưỡng khu vực, điểm sạt lở đất để chủ động di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn. Đặc biệt, tại các vị trí có nguy cơ sạt lở cao, nguy hiểm có các tổ, nhóm xung kích ứng trực để xử lý các tình huống đột xuất xảy ra.
Riêng tại tổ dân phố 8, thị trấn Quy Đạt, huyện Minh Hóa xảy ra các đường lún nứt, xuất hiện cung sạt trượt khu vực đồi núi phía sau khu dân cư uy hiếp đến sự an toàn của các hộ dân. Huyện Minh Hóa đã triển khai đầu tư công trình kè chống sạt lở (giai đoạn 1) với tổng mức đầu tư 17,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, do địa hình, địa chất khu vực vùng đồi núi này phức tạp, một số vị trí đã hình thành điểm trượt và cung trượt mới tiềm ẩn nhiều rủi ro, nếu không được giải quyết triệt để. Sau bão số 4, khu vực sạt lở này tiếp tục xuất hiện thêm các nguy cơ mới. Vì thế, ngày 24/9, UBND tỉnh Quảng Bình ban hành quyết định về việc công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai, sạt lở đất tại tổ dân phố 8, thị trấn Quy Đạt. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Đoàn Ngọc Lâm cho rằng, hiện nay do tác động của biến đổi khí hậu nên tình hình thiên tai diễn biến rất khó lường, vì vậy, để bảo đảm an toàn cho người dân, tỉnh đã ban bố tình trạng khẩn cấp nhằm chủ động biện pháp di dời bảo đảm an toàn tính mạng người dân; đồng thời rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục đầu tư, kịp thời triển khai dự án cấp bách chống sạt lở theo quy định của pháp luật.
Ở huyện Bố Trạch, có một khu vực có nguy cơ sạt lở rất cao khác là đồi Hạ Vàng, tổ dân phố Xuân Sơn, thị trấn Phong Nha - nơi phía dưới chân đồi có 36 hộ, với 144 nhân khẩu đang sinh sống. Mái nhà ở của các hộ dân vừa thấp, vừa sát dưới chân đồi nếu chẳng may xảy ra sạt lở, cả quả đồi sẽ trùm lên, gây thiệt hại nặng cho người dân. Để hạn chế nguy cơ sạt lở, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân, UBND huyện Bố Trạch thực hiện phương án xử lý hạ thấp độ cao đồi Hạ Vàng bằng hình thức xã hội hóa. Đến nay, dự án gần hoàn thành và độ cao của đồi Hạ Vàng được hạ xuống theo đúng thiết kế và đơn vị thực hiện đang hoàn thổ lớp đất phong hóa bề mặt để cho người dân trồng cây nhằm hạn chế sạt lở.