Quảng bá du lịch với lễ hội sông nước

Chuỗi hoạt động văn hóa - giải trí - nghệ thuật mang tên Lễ hội Sông Nước Thành phố Hồ Chí Minh sẽ được tổ chức lần đầu tiên vào tháng 8 tới. Cùng với chương trình biểu diễn đặc sắc bên dòng sông Sài Gòn, lễ hội còn có nhiều hoạt động trải nghiệm, khuyến mãi mua sắm, kích cầu du lịch với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp.
0:00 / 0:00
0:00
Thành phố Hồ Chí Minh sẽ triển khai nhiều hoạt động để quảng bá hiệu quả hơn dịch vụ du lịch trên sông.
Thành phố Hồ Chí Minh sẽ triển khai nhiều hoạt động để quảng bá hiệu quả hơn dịch vụ du lịch trên sông.

Nằm ở hạ lưu sông Đồng Nai và sông Sài Gòn, Thành phố Hồ Chí Minh có đường bờ biển dài 23 km và mạng lưới sông ngòi, kênh rạch khá dày đặc với mật độ lên tới

3,38 km/km2. Sông Sài Gòn là sông lớn nhất, có thể tiếp nhận các tàu biển và các tàu du lịch lớn, có tiềm năng phát triển loại hình du lịch sinh thái, đường thủy nội đô, cũng như các tuyến đường sông kết nối với khu vực Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long. Với lợi thế trên, thành phố đang triển khai nhiều kế hoạch nhằm đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng gắn liền với sông nước, hướng tới xây dựng hình ảnh điểm đến “Hấp dẫn - Sống động - Hiện đại”.

Điểm nhấn của sự kiện Lễ hội Sông Nước là chương trình nghệ thuật với chủ đề “Sài Gòn - Dòng sông kể chuyện” diễn ra vào tối ngày 6/8 tại Cảng Sài Gòn. Đây là chương trình thực cảnh đầu tiên tái hiện sự hình thành của tự nhiên, con người qua các thời kỳ phát triển của Gia Định - Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh. Câu chuyện được kể bằng sự kết hợp các loại hình nghệ thuật từ dân gian đến đương đại, âm nhạc, vũ kịch, ánh sáng, điện ảnh đậm sắc màu văn hóa - nghệ thuật, giải trí kết hợp cùng các công nghệ trình diễn hiện đại với sự tham gia của 700 diễn viên và nghệ nhân dân gian.

Lễ hội cũng tái hiện lại không gian “Trên bến dưới thuyền” tại khu vực kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (Quận 1) và Bờ kè tuyến đường Bến Bình Đông (Quận 8). Tại đây, Ban tổ chức sẽ trưng bày, giới thiệu nông sản, đặc sản, trái cây các vùng miền để người dân và du khách tham quan mua sắm. Ngoài ra còn tổ chức hoạt động nghệ thuật dân gian, chương trình nghệ thuật đờn ca tài tử cùng các gian hàng giới thiệu ẩm thực vùng miền. Không gian văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian tại Công viên bến Bạch Đằng và Công viên Lam Sơn là nơi sẽ tổ chức biểu diễn các loại hình nghệ thuật di sản văn hóa dân tộc trong những ngày diễn ra lễ hội. Hoạt động diễu hành trên sông với sự tham gia của gần 40 tàu thuyền của các đơn vị đang khai thác du lịch trên sông Sài Gòn cũng được chọn làm điểm nhấn quảng bá cho lễ hội lần này. Cùng với đó là các hoạt động thể thao dưới nước, giải đua thuyền, trình diễn dù lượn, biểu diễn ca-nô… nhằm giới thiệu rõ nét các loại hình trải nghiệm, giải trí đặc sắc trên sông nước. Tại lễ hội lần này, ngành du lịch thành phố sẽ công bố từ 30 đến 50 sản phẩm du lịch đường thủy và tour kích cầu du lịch với nhiều điểm đến đặc biệt, đồng thời giới thiệu các sản phẩm du lịch đường thủy mới và tổ chức chương trình khảo sát cho các doanh nghiệp, khách hàng tiềm năng.

Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, Lễ hội Sông Nước là cơ hội cho các doanh nghiệp lữ hành và lưu trú giới thiệu các sản phẩm dịch vụ du lịch với du khách trong nước và quốc tế. Nét độc đáo của lễ hội năm nay là không chỉ quảng bá lịch sử, đặc trưng văn hóa mà còn khai thác các giá trị từ tài nguyên sông, biển, góp phần định vị thương hiệu của thành phố.