Quan tâm phát triển môi trường du lịch Phong Nha

Thị trấn Phong Nha nằm ở phía tây bắc huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, nơi có Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng. Tuy nhiên, trên hành trình đi lên của thị trấn du lịch này còn rất nhiều trăn trở.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân thị trấn Phong Nha mở homestay đón khách du lịch.
Người dân thị trấn Phong Nha mở homestay đón khách du lịch.

Tiềm năng dồi dào

Sinh ra và lớn lên ở tỉnh Quảng Trị nhưng anh Nguyễn Văn Sỹ lập gia đình và sinh sống tại thị trấn Phong Nha. Nhận thấy những tiềm năng du lịch tại vùng đất này, anh Sỹ đã đi tìm hiểu và học hỏi cách làm du lịch cộng đồng ở nhiều nơi như Quảng Nam, Sa Pa… Sau khi tích lũy được kinh nghiệm, anh lại trở về Phong Nha để lập nghiệp bằng cách mở homestay phục vụ khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng. Lê Văn Sỹ cho biết, khách của Sỹ Homestay phần lớn là người nước ngoài. Họ đến không chỉ tham quan, khám phá hệ thống hang động mà còn muốn trải nghiệm, thưởng thức văn hóa, ẩm thực đặc sắc của người dân bản địa nơi miền di sản này.

Cũng như Sỹ, vợ chồng anh Trần Văn Uẩn ở tổ dân phố Cù Lạc 1, thị trấn Phong Nha chuyển hướng từ sản xuất nông nghiệp và buôn bán vật liệu xây dựng sang dịch vụ du lịch bằng cách mở homestay. Bây giờ, khách đến với Phong Nha Love Homestay của vợ chồng anh ngoài dịch vụ nghỉ ngơi, ăn uống, còn được giới thiệu tham quan các hang động, đạp xe thăm thú phong cảnh, trải nghiệm làm nông dân… Theo anh Trần Văn Uẩn, khi mới mở dịch vụ thì bị ảnh hưởng của đại dịch nên gặp khó khăn nhưng bây giờ đã đi vào hoạt động ổn định, tạo công việc và thu nhập cho nhiều lao động ở địa phương.

Thị trấn Phong Nha hiện có 123 cơ sở lưu trú, với 1.134 phòng; 132 cơ sở dịch vụ ăn uống; 26 quán cà-phê, giải khát; 401 thuyền và 189 nhân viên nhiếp ảnh phục vụ du lịch. Nguồn nhân lực phục vụ du lịch dịch vụ của địa phương hiện có hơn 4.000 người. Điều đáng nói là từ xã nghèo Sơn Trạch trước đây, mô hình du lịch cộng đồng đã mở ra sinh kế mới, bền vững ngay trên mảnh đất có cảnh quan hùng vĩ.

Nhờ chuyển hướng sang phát triển thương mại, dịch vụ du lịch nên đời sống người dân Phong Nha ngày càng được cải thiện với thu nhập bình quân đạt gần 60 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 6,67%. Phong Nha từ những ngôi làng nhỏ bé, nép mình bên dòng sông Son thơ mộng đã chuyển mình thành một đô thị du lịch mới từng bước khang trang, xinh đẹp.

Người dân cần được nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong việc xây dựng tổ dân phố văn hóa-văn minh, giữ gìn môi trường, cảnh quan sạch đẹp, tạo lập văn hóa trong ứng xử, phục vụ du khách. Cần thành lập chi hội du lịch trên địa bàn để các đơn vị, doanh nghiệp hỗ trợ nhau trong hoạt động. Cần tuân thủ các quy hoạch, quy định trong hoạt động du lịch nhằm chấm dứt việc phát triển tự phát và cạnh tranh không lành mạnh, ông Hồng nói.

Nhưng khai thác còn bất cập

Theo ông Trần Đức Bình, Chủ tịch UBND thị trấn thừa nhận, có thời điểm, việc tăng trưởng “nóng” số lượng homestay tại Phong Nha là do thiếu sự định hướng. Người dân tự phát và đua nhau đầu tư cơ sở lưu trú cộng đồng nhưng hầu như chưa hiểu về loại hình du lịch này, thiếu vốn lẫn kiến thức, ngoại ngữ. Khi số lượng nhiều dẫn tới thiếu khách nên một số chủ homestay và khách sạn, nhà nghỉ tại khu vực Phong Nha đưa ra nhiều chiêu thức cạnh tranh thiếu lành mạnh như hạ thấp giá phòng lưu trú, tăng chiết khấu cho người môi giới tìm khách, chèo kéo khách. Điều đó phần nào ảnh hưởng đến môi trường du lịch tại Di sản Phong Nha-Kẻ Bàng. Một số hộ đã tự ý chuyển đổi đất nông nghiệp sang kinh doanh sai quy định hoặc chiếm dụng hành lang đường để kinh doanh homestay gây nên tình trạng vi phạm, lộn xộn…

“Mặt khác, thị trấn Phong Nha là trung tâm du lịch nhưng khu chợ lại tạm bợ như chợ xép. Chợ Xuân Sơn ở thị trấn Phong Nha vốn từng bị cháy, sau đó được sửa chữa lại rồi tồn tại nhếch nhác cho đến nay. Rồi các sản phẩm du lịch về đêm thì hoàn toàn không có nên không thể phục vụ gì cho du khách lưu trú. Đó là chưa kể hệ thống điện chiếu sáng cũng chưa đáp ứng được nhu cầu của một thị trấn du lịch”, ông Bình thẳng thắn bày tỏ.

Cũng theo Chủ tịch UBND thị trấn Phong Nha, hiện trên địa bàn có rất nhiều dự án đầu tư du lịch chậm tiến độ, ảnh hưởng đến bộ mặt và sự phát triển của đô thị. Ông Bình mong muốn, UBND và các ngành của tỉnh Quảng Bình cần đốc thúc các dự án sớm hoàn thành, đưa vào hoạt động để khai thác hiệu quả tiềm năng và tạo thêm nhiều việc làm cho con em địa phương.

Thêm một hạn chế nữa ở Phong Nha là tình trạng nhiều trâu bò của một số hộ dân thường thả rong, phóng uế đầy trên các con đường của thị trấn, khiến không ít du khách ái ngại khi đạp xe đi tham quan phong cảnh. Trước tình hình này, UBND thị trấn thành lập hai tổ tuyên truyền, vận động các hộ gia đình giữ gìn vệ sinh môi trường và hạn chế thả rong trâu bò.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch Nguyễn Hữu Hồng, để phát triển du lịch thân thiện, bền vững ở Phong Nha, trước hết, tỉnh Quảng Bình cần quan tâm, ưu tiên nguồn vốn đầu tư mở rộng đường giao thông, xây dựng mới chợ trung tâm thị trấn, thúc đẩy tiến độ các khu nghỉ dưỡng cao cấp, hình thành phố đêm, khu chợ đêm nhằm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch và yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Sở Du lịch quan tâm hơn nữa trong việc đào tạo nâng cao nghiệp vụ, ngoại ngữ cho đội ngũ nhân lực du lịch tại địa phương.