Quan tâm đúng mức y tế học đường

Do điều kiện kinh tế-xã hội thay đổi, tỷ lệ bệnh tật lứa tuổi học đường ngày càng tăng cao như tật khúc xạ, bệnh răng miệng, thừa cân, béo phì, rối loạn tâm thần học đường, bạo lực học đường… Đặc biệt, trong thời gian vừa qua, dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp. Nếu công tác y tế trường học được thực hiện tốt sẽ góp phần chăm sóc sức khỏe học sinh và đem lại hiệu quả kinh tế-xã hội.
0:00 / 0:00
0:00
Công tác y tế trường học ngày càng được quan tâm. Ảnh: KHIẾU MINH
Công tác y tế trường học ngày càng được quan tâm. Ảnh: KHIẾU MINH

Vẫn còn nhiều hạn chế

Theo Thạc sĩ, bác sĩ Đặng Thị Ngọc Sen, Phó Trưởng khoa Nội Nhi tổng hợp, Bệnh viện E (Hà Nội), tai nạn thương tích ở trẻ em là một vấn đề đòi hỏi toàn xã hội phải có những hành động thiết thực để ngăn chặn. Rất nhiều thương tích nghiêm trọng tại trường học có thể phòng tránh được nếu thầy, cô giáo, cha mẹ và các em có ý thức và thực hiện nghiêm túc những biện pháp phòng ngừa. Chẳng hạn như chấn thương liên quan tới hoạt động thể thao, ngã, va đập thì nhà trường phải lưu ý đến nền sàn bằng phẳng, chống trơn trượt, lan can, cầu thang có tay vịn và chiều cao an toàn. Đánh nhau, bạo lực trường học: học sinh không mang vật dụng nguy hiểm đến trường lớp, giáo dục trẻ trong cách ứng xử với bạn bè. Điện giật, bỏng: bảo đảm pháp lệnh về an toàn phòng cháy, chữa cháy. Ngộ độc thực phẩm: nguồn nước, nguồn thức ăn cần bảo đảm an toàn, sạch sẽ, rõ nguồn gốc; trẻ cần vệ sinh tay trước khi ăn. Đuối nước: một số trường ở gần khu vực có ao hồ cần có cảnh báo, rào chắn quanh khu vực ao hồ; giáo dục trẻ về sơ cứu đuối nước…

Cô giáo Nguyễn Thị Phương, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) chia sẻ, cần phải có nhân viên y tế trong trường học để hỗ trợ kịp thời và ngay lập tức các trường hợp học sinh bị bệnh hoặc tai nạn trong trường học trước khi chuyển đến cơ sở y tế để khám, chữa. Trường hợp học sinh bị hen, lên cơn co thắt phế quản cần có sự can thiệp, cấp cứu kịp thời của nhân viên y tế có trình độ chuyên môn; học sinh bị ngã rách ngoài da hoặc có thể tổn thương xương khớp cũng cần sơ cứu kịp thời đúng kỹ thuật; học sinh bị hóc dị vật cũng cần có sự cấp cứu kịp thời đúng chuyên môn; học sinh, giáo viên bị tăng huyết áp, tụt huyết áp hoặc có bệnh lý cấp cũng cần được sơ cứu kịp thời theo chỉ định của nhân viên y tế; trường hợp học sinh, giáo viên, nhân viên y tế bị bỏng (nếu có ở các lớp bán trú) cũng cần được sơ cứu đúng chuyên môn…

Tiến sĩ, bác sĩ Bùi Hữu Toàn, chuyên viên chính Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) nhận định, phần lớn các tỉnh, thành phố thiếu kinh phí cho hoạt động chăm sóc sức khỏe học đường; thiếu sự chỉ đạo thống nhất của các ban, ngành như y tế, giáo dục, bảo hiểm xã hội, tài chính. Ngoài ra, nguồn kinh phí cho các trường chủ yếu dựa vào kinh phí trích từ bảo hiểm y tế học sinh. Nguồn từ ngân sách, kinh phí từ tài trợ, đóng góp còn thấp, không đáng kể. Công tác kiểm tra, khám sức khỏe định kỳ/chuyên khoa cho học sinh còn nhiều khó khăn, bất cập về kinh phí. Một số nơi khám còn qua loa, chiếu lệ, chất lượng khám chưa cao, việc khám chuyên sâu chưa thực hiện được nhiều nên hạn chế trong việc phân loại bệnh tật cho học sinh. Bên cạnh đó, các hoạt động kiểm tra vệ sinh môi trường lớp học chưa được thực hiện đầy đủ và thường xuyên, do đó chưa kịp thời khuyến nghị được biện pháp can thiệp để hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng của môi trường tới sức khỏe trẻ em.

Tương tự, công tác tư vấn sức khỏe cho học sinh ở một số nơi còn nhiều hạn chế do sự thiếu hụt về đội ngũ cán bộ y tế trường học cũng như chuyên môn, năng lực của cán bộ y tế trường học chưa cao. Công tác truyền thông giáo dục sức khỏe, phòng, chống bệnh tật học đường, các hành vi nguy cơ sức khỏe còn hạn chế, chưa được quan tâm đúng mức. Một số văn bản về lĩnh vực y tế trường học, tiêu chuẩn, quy định về vệ sinh trường học hiện hành không còn phù hợp với tình hình hiện nay.

Quan tâm đúng mức y tế học đường ảnh 1

Khám sức khỏe thường niên cho học sinh ở một trường tiểu học tại Hà Nội. Ảnh: LÊ MINH

Phê duyệt Chương trình y tế trường học

Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã ký quyết định phê duyệt Chương trình y tế trường học trong các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông gắn với y tế cơ sở giai đoạn 2021-2025.

Chương trình hướng tới củng cố, nâng cao năng lực hệ thống y tế trường học trong các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông gắn kết với hệ thống y tế cơ sở nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, bảo đảm tốt các điều kiện chăm sóc sức khỏe cho trẻ em mầm non, học sinh. Đối tượng thụ hưởng là trẻ em mầm non, học sinh tại các cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông và trường chuyên biệt trong hệ thống giáo dục quốc dân. Đối tượng thực hiện là cán bộ, nhân viên phụ trách công tác y tế trường học của ngành giáo dục và ngành y tế từ T.Ư đến cơ sở, các tổ chức và cá nhân có liên quan.

Chương trình đặt ra mục tiêu 100% chính quyền các cấp ở địa phương thực hiện rà soát, sắp xếp lại hệ thống y tế trường học trong các cơ sở giáo dục, xây dựng cơ chế quản lý và phương thức hoạt động y tế trường học phù hợp với điều kiện thực tiễn ở địa phương. 100% số cơ sở giáo dục có nhân viên phụ trách công tác y tế trường học (nhân viên chuyên trách hoặc phân công nhân viên kiêm nhiệm theo dõi công tác y tế trường học) hoặc ký hợp đồng cung ứng dịch vụ với cơ sở y tế ở địa phương. 100% số trung tâm y tế cấp huyện; trạm y tế cấp xã có phân công cán bộ phụ trách công tác y tế trường học.

Bên cạnh đó, 100% chính quyền các cấp ở địa phương có cơ chế phối hợp giữa ngành y tế và ngành giáo dục về công tác y tế trường học gắn với y tế cơ sở. 100% số cơ sở giáo dục và trạm y tế cấp xã trên địa bàn có cơ chế phối hợp về công tác y tế trường học. 95% số cán bộ phụ trách công tác y tế trường học ở các sở giáo dục và đào tạo, phòng giáo dục và đào tạo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục được bồi dưỡng nâng cao năng lực tổ chức quản lý về y tế trường học. 95% số nhân viên y tế trường học trong các cơ sở giáo dục và y tế cơ sở được bồi dưỡng về công tác y tế trường học dành cho từng đối tượng chuyên trách hoặc kiêm nhiệm.

95% số cơ sở giáo dục được bảo đảm điều kiện làm việc cho công tác y tế trường học: Phòng làm việc, giường, trang thiết bị, dụng cụ sơ cấp cứu thông thường, thuốc thiết yếu và nguồn kinh phí trích lại từ bảo hiểm y tế dành cho chăm sóc sức khỏe ban đầu đối với học sinh. 100% số cơ sở giáo dục công lập được bố trí nguồn kinh phí hoạt động y tế trường học từ ngân sách dành cho sự nghiệp giáo dục, y tế hằng năm theo phân cấp ngân sách hiện hành.

Để đạt được mục tiêu trên, chương trình đặt ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp, trong đó có việc hoàn thiện hệ thống văn bản, chính sách về công tác y tế trường học gắn với y tế cơ sở. Theo đó, rà soát, sửa đổi và bổ sung các văn bản của Chính phủ, các bộ, ngành liên quan về cơ chế quản lý, chính sách đối với công tác y tế trường học; vị trí việc làm, chức năng, nhiệm vụ, hình thức tổ chức, tiêu chuẩn chế độ, chính sách đối với nhân viên y tế trường học; trách nhiệm quản lý, nhiệm vụ của y tế cơ sở, kiểm tra sức khỏe định kỳ cho học sinh, bảo hiểm y tế, kinh phí hoạt động, danh mục thuốc, trang thiết bị thiết yếu; quy định đối với các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo, lớp mầm non độc lập.

Quan tâm đúng mức y tế học đường ảnh 2

Vệ sinh môi trường lớp học.

Rà soát, sắp xếp đội ngũ nhân viên y tế trường học tại các cơ sở giáo dục. Đối với cơ sở giáo dục công lập, căn cứ số nhân viên y tế chuyên trách tại các trường học đã được tuyển dụng trên địa bàn tỉnh, tổ chức sắp xếp lại theo hướng ưu tiên bố trí nhân viên chuyên trách y tế trường học đối với các trường chuyên biệt; cơ sở giáo dục phổ thông có nhiều cấp học; cơ sở giáo dục có vị trí xa trạm y tế cấp xã, cơ sở khám, chữa bệnh (những nơi y tế cơ sở không thể can thiệp, chăm sóc y tế kịp thời cho học sinh).

Đối với cơ sở giáo dục không sắp xếp, bố trí được nhân viên chuyên trách y tế trường học, thực hiện phân công nhân viên kiêm nhiệm làm đầu mối theo dõi công tác y tế trường học và ký hợp đồng cung ứng dịch vụ với cơ sở y tế, cơ sở khám, chữa bệnh để triển khai công tác y tế trường học. Các cơ sở giáo dục ngoài công lập chủ động bố trí nhân viên chuyên trách y tế trường học hoặc ký hợp đồng với cơ sở y tế, cơ sở khám, chữa bệnh để triển khai công tác y tế trường học theo quy định. Phân công cán bộ thuộc trạm y tế cấp xã theo dõi công tác y tế trường học; hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật để thực hiện công tác y tế trường học đối với các cơ sở giáo dục trên địa bàn, nhất là đối với những cơ sở giáo dục không có nhân viên chuyên trách y tế trường học…