Thị trường chứng khoán Việt Nam cuối tuần (ngày 19/8) chứng kiến một phiên giao dịch thanh khoản thấp, thị trường giằng co. Điểm sáng đến từ các mã ngành dầu khí với thông tin giá dầu thế giới phục hồi cũng như dự án chuỗi khí, điện Lô B - Ô Môn dự kiến sẽ được khởi công vào quý II/2023. Đây là những thông tin tích cực ảnh hưởng đến giá trị cổ phiếu toàn ngành. Một số mã dầu khí chủ đạo có dấu hiệu tích cực, tạo điểm mua mới ngay trong phiên như PVC, PVS, PVD.
Với nhóm cổ phiếu được giao dịch mạnh trong tuần như chứng khoán với các mã SSI, VND, HCM; bán lẻ với các mã FRT, SAB, VNM; khu công nghiệp với các mã IDC, SZC, VGC, hay thậm chí cả ngân hàng với mã VCB đều có xu hướng điều chỉnh trong nền ngắn hạn.
Theo Tổ chức Tư vấn, đầu tư và quản lý tài sản TVI, sau bốn phiên tăng điểm về chỉ số, thị trường đã có ba phiên phân phối nên hiện sẽ có hai kịch bản được TVI đưa ra:
Với kịch bản tốt, thị trường sẽ đi theo hướng vượt đỉnh, chỉ số VN Index (Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh - sàn HoSE) về vùng kháng cự 1.300 điểm, với điều kiện các nhóm ngành phải có sự tăng trưởng luân phiên như thời gian vừa qua.
Với kịch bản xấu, chỉ số VN Index sẽ trở về vùng 1.245-1.250 điểm. Ở kịch bản này cơ hội cho nhà đầu tư tham gia mua mới sẽ rất lớn. Đặc biệt từ ngày 29/8, thời gian thanh toán giao dịch chứng khoán (cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, chứng quyền có bảo đảm) sẽ được rút ngắn, thị trường sẽ chính thức chuyển sang giao dịch T+2, nhưng thực chất là T+1,5 thay vì T+3 như trước. Điều này giúp cho dòng tiền và cổ phiếu luân chuyển nhanh hơn, xác suất nắm bắt được cơ hội của nhà đầu tư cũng cao hơn so với trước đó. Đây chính là cơ hội lớn để kích thích nhà đầu tư mới (F0) tham gia thị trường.
Theo nhận định của Công ty chứng khoán SSI, hiện thị trường vẫn đang phản ứng khá tích cực sau phiên đáo hạn phái sinh, với trọng tâm là nhóm cổ phiếu bất động sản, dầu khí. Dù chưa có dấu hiệu đáng lo ngại khi chỉ số đang nhích lên và dòng tiền vẫn đổ vào thị trường, nhưng phiên giao dịch cuối tuần qua cho thấy áp lực bán đã bắt đầu mạnh dần khi phần lớn cổ phiếu chịu áp lực bán với thanh khoản tăng.
Thời gian qua nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ đã tăng 18-19%, chính vì vậy khi chỉ số VN Index tiệm cận vùng 1.280 điểm, áp lực chốt lời sẽ rất lớn. Những nhà đầu tư cầm “lệch sóng” sẽ bị ảnh hưởng nặng khi thị trường điều chỉnh.
Về lựa chọn các cổ phiếu đầu tư, ở góc nhìn dài hạn, Công ty chứng khoán VCBS cho rằng thị trường chứng khoán hiện vẫn đang tích lũy chờ cơ hội bùng nổ nên nhà đầu tư hoàn toàn có thể mở mua mới tỷ trọng thấp với các nhóm ngành triển vọng như bất động sản, bất động sản khu công nghiệp, xây dựng, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế đang phục hồi và tăng trưởng tốt. Trong ngắn hạn, công ty khuyến nghị các nhà đầu tư nên cơ cấu rút gọn danh mục, bán chủ động với những mã kém và yếu.
Theo các tổ chức tài chính, dự báo thị trường chứng khoán nói chung, VN Index nói riêng thời gian tới sẽ còn rung lắc trong ngắn hạn. Tính từ đầu năm 2022 đến hết ngày 31/7, chỉ số VN Index vẫn là một trong các chỉ số giảm mạnh nhất thế giới với mức giảm gần 21%. Tuy nhiên, nhìn chung nửa đầu tháng 8, thanh khoản trên thị trường chứng khoán đã có dấu hiệu phục hồi tích cực rõ rệt với giá trị giao dịch hơn 15.000 tỷ đồng/phiên, có phiên vượt 20.000 tỷ đồng. So với tháng 7, giá trị giao dịch trung bình chỉ khoảng 11.000 tỷ đồng/phiên.
Theo thống kê tới cuối quý II/2022, lượng tiền “nhàn rỗi” của nhà đầu tư đang gửi tại 10 công ty chứng khoán lớn nhất thị trường vào khoảng 50.000 tỷ đồng, mức này chỉ thấp hơn một chút so với hồi đầu năm 2022. Số tiền còn có thể cao hơn 50.000 tỷ đồng nếu tính thêm những công ty chứng khoán nằm ngoài tốp 10. Như vậy, các nhà đầu tư đang sẵn sàng với lượng tiền mặt rất lớn để tham gia thị trường ngay khi có cơ hội.
Đặc biệt, việc nhà đầu tư nước ngoài liên tục mua ròng trở lại cho thấy tình hình kinh tế vĩ mô và định giá thị trường chứng khoán đang là điểm sáng hấp dẫn khối ngoại. Đối với danh mục trung và dài hạn, nhà đầu tư vẫn có thể tiếp tục giữ tỷ trọng nhóm cổ phiếu ngân hàng, khu công nghiệp và xây dựng hạ tầng nhờ kỳ vọng kết quả kinh doanh nửa cuối năm tiếp tục khởi sắc trong bối cảnh Chính phủ đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện các chương trình phục hồi kinh tế - xã hội sau dịch.