Đàm phán hòa bình
Cuộc đàm phán giữa quân đội Sudan và nhóm bán quân sự RSF được tổ chức tại thành phố ven biển Jeddah của Saudi Arabia bên bờ Biển Đỏ. Đây là cuộc đàm phán đầu tiên giữa hai bên kể từ khi xảy ra các cuộc giao tranh ác liệt ngày 15/4. Cuộc đàm phán là một phần trong sáng kiến ngoại giao của Saudi Arabia và Mỹ nhằm ngăn chặn giao tranh tại Sudan, vốn đã biến Thủ đô Khartoum và các khu vực đô thị khác thành chiến trường, khiến hàng trăm nghìn người phải rời bỏ nhà cửa.
Người đứng đầu RSF, Tướng Mohamed Hamdan Dagalo xác nhận nhóm này tham gia đàm phán với quân đội Sudan, đồng thời hoan nghênh sáng kiến của các nước trung gian hòa giải về thiết lập một lệnh ngừng bắn vững chắc và mở các hành lang nhân đạo cho người dân. Trước đó, Chỉ huy quân đội Sudan, Tướng Abdel Fattah al-Burhan đã ủng hộ lệnh ngừng bắn kéo dài bảy ngày do Nam Sudan công bố hôm 3/5. Ngày 5/5, RSF tuyên bố gia hạn thêm ba ngày cho thỏa thuận ngừng bắn do Mỹ và Saudi Arabia làm trung gian hòa giải. Kể từ khi xung đột nổ ra, nhiều thỏa thuận ngừng bắn đã được các bên liên quan tuyên bố nhưng không có thỏa thuận nào được tôn trọng triệt để.
Theo các nguồn tin, cuộc đàm phán chủ yếu thảo luận việc mở các hành lang nhân đạo tại Khartoum và thành phố Omdurman lân cận - hai điểm chính của chiến sự, cũng như cơ chế giám sát ngừng bắn. Hai bên cũng thảo luận việc bảo vệ cơ sở hạ tầng dân sinh, như các trung tâm y tế vốn đã quá tải trong tình trạng thiếu nhân viên và trang thiết bị y tế.
Bộ Ngoại giao Ai Cập tuyên bố hoan nghênh việc khởi động các cuộc đàm phán giữa quân đội Sudan và RSF, đồng thời đánh giá cao những nỗ lực của Saudi Arabia, các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế nhằm khuyến khích các phe phái Sudan tham gia đối thoại.
Nguy cơ khủng hoảng nhân đạo
Người phát ngôn của Tổng Thư ký LHQ, ông Farhan Haq trích dẫn số liệu của Chương trình Lương thực thế giới (WPF) cho biết, cuộc xung đột ở Sudan có thể gây ra nạn đói và suy dinh dưỡng cho 19 triệu người. Theo ông Farhan Haq, WFP dự báo số người bị mất an ninh lương thực nghiêm trọng ở Sudan sẽ tăng từ 2 đến 2,5 triệu người, nâng tổng số người bị mất an ninh lương thực lên 19 triệu người trong vòng ba đến sáu tháng tới nếu cuộc xung đột không chấm dứt. Hội đồng Nhân quyền LHQ thông báo sẽ tổ chức một phiên họp đặc biệt về tình hình xung đột tại Sudan vào ngày 11/5 tới, nhằm đánh giá tác động của cuộc xung đột đối với các quyền con người, đồng thời tìm giải pháp cho vấn đề này.
Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR) kêu gọi các nước cho phép dân thường chạy trốn khỏi Sudan vào lãnh thổ của họ. Đại diện UNHCR, bà Elizabeth Tan khuyến cáo các chính phủ không nên đưa người dân trở lại Sudan vì xung đột đang diễn ra, đồng thời tạm chấp nhận đây là một làn sóng tị nạn.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden kêu gọi chấm dứt giao tranh kéo dài nhiều tuần qua tại Sudan, đồng thời cảnh báo sẽ trừng phạt. Tổng thống Mỹ nêu rõ, bạo lực diễn ra tại Sudan là thảm kịch, là sự phản bội lại nhu cầu chính đáng của người dân Sudan về một chính phủ dân sự. Ngay sau tuyên bố của Tổng thống Biden, Nhà trắng công bố sắc lệnh hành pháp về việc áp đặt trừng phạt những đối tượng phải chịu trách nhiệm về tình trạng đổ máu tại Sudan. Sắc lệnh này chưa phải là lệnh trừng phạt, nhưng cho phép các biện pháp trừng phạt mới có thể áp dụng.
Theo Bộ Y tế Sudan, xung đột làm ít nhất 550 người chết, trong đó có 473 dân thường và hơn 4.900 người bị thương. Giao tranh nhấn chìm Sudan trong hỗn loạn và khiến các nước phải gấp rút sơ tán công dân. Hàng trăm nghìn người Sudan phải đi sơ tán trong nước và ra nước ngoài. LHQ tính số người phải sơ tán sang các nước láng giềng lên tới 860.000 người và các cơ quan nhân đạo cần 445 triệu USD để hỗ trợ họ.