Quản chặt sàn bất động sản điện tử

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa có yêu cầu Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông quy định chặt chẽ đối với hoạt động của sàn giao dịch bất động sản điện tử. Mục đích nhằm bảo đảm an ninh, an toàn thông tin cho khách hàng.
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều chủ đầu tư, môi giới bất động sản sử dụng ứng dụng công nghệ, website bất động sản để tương tác với người mua. Ảnh: NAM HẢI
Nhiều chủ đầu tư, môi giới bất động sản sử dụng ứng dụng công nghệ, website bất động sản để tương tác với người mua. Ảnh: NAM HẢI

Hiện nay, ứng dụng công nghệ nhanh chóng trở thành xu hướng tất yếu của thị trường bất động sản. Theo thống kê, hơn 80% các giao dịch bất động sản được thực hiện qua môi trường trực tuyến. Từ năm 2020, các trải nghiệm mua nhà tại Việt Nam bắt đầu được số hóa.

Nắm bắt xu thế này, hàng loạt sàn giao dịch thương mại điện tử về bất động sản, các ứng dụng công nghệ tích hợp đa nền tảng kết nối trực tiếp giữa chủ đầu tư, sàn giao dịch và khách hàng đã ra đời. Đặc biệt, hoạt động này được phát triển mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19.

Sàn giao dịch bất động sản nở rộ

Thời gian qua, nhiều chủ đầu tư, môi giới bất động sản ở Việt Nam bắt đầu triển khai các ứng dụng công nghệ (app), nền tảng số, website bất động sản để tìm cách tương tác với người mua. Thậm chí, mạng xã hội cũng trở thành một nền tảng hỗ trợ bán bất động sản và tiếp cận khách hàng. Điển hình như TikTok trở thành kênh kinh doanh bất động sản phổ biến không chỉ Việt Nam mà còn trên toàn thế giới.

Theo anh Hoàng Nam, một môi giới bất động sản, các ứng dụng công nghệ về bất động sản hiện nay chưa có sự tích hợp. Có thể đó chỉ là một app chuyên về giới thiệu đất nền hoặc website về mua bán đất dự án. Trong khi cái khách hàng cần là một app công nghệ có tích hợp đầy đủ về sản phẩm, chính sách bán hàng, quy hoạch, khuyến mãi… Nói một cách khác, các chủ đầu tư mới chỉ quan tâm làm sao bán được hàng, chưa chú trọng đến việc chăm sóc khách hàng thường xuyên.

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch VARS, việc áp dụng công nghệ trong ngành bất động sản sẽ cung cấp cho khách hàng một trải nghiệm tốt hơn. Công nghệ giúp giám sát, xác minh và bảo mật thông tin. Song ông cũng cho rằng, để tạo ra một app có tích hợp đầy đủ công năng không phải là vấn đề đơn giản. Nó đòi hỏi doanh nghiệp phải có sự đầu tư dài hơi, nắm vững thị trường.

Cũng theo ông Đính, việc hiện nay đang nở rộ các app công nghệ về bất động sản cũng khiến nhiều doanh nghiệp “đau đầu” trong vấn đề quản lý nhân sự môi giới, chăm sóc - tư vấn khách hàng,… Dẫn chứng cụ thể ngay tại VARS, trải qua 9 năm hình thành và phát triển, hội đã quy tụ hơn 300 hội viên tổ chức doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản và khoảng 10.000 hội viên trên khắp cả nước.

Tuy nhiên, việc kết nối giữa các thành viên trong hội vẫn còn hạn chế và gây ra một số khó khăn trong công tác quản lý cũng như thực hiện các giao dịch bất động sản. Bên cạnh đó, việc áp dụng công nghệ trong hoạt động môi giới cũng chưa đạt được hiệu quả cao.

Chủ tịch VARS khuyến nghị, cần có cơ chế rõ ràng về phát triển công nghệ, có quy định về xử lý thông tin, mã hóa bất động sản để theo dõi biến động thị trường. Đồng thời, các doanh nghiệp phải thay đổi tư duy, nhận thức trong chiến lược kinh doanh, ưu tiên phát triển công nghệ, bảo đảm tính công khai và minh bạch.

Sự nở rộ của giao dịch trên môi trường số là xu hướng gần như không thể tránh khỏi. Hàng loạt lợi ích có thể nhìn thấy được ngay lập tức, từ thời gian giao dịch rút ngắn đến việc đơn giản hóa quản lý cho các cơ quan chức năng… Để xu hướng này phát triển ổn định và đóng góp hơn nữa vào sự phát triển của thị trường bất động sản Việt Nam, Nhà nước cần có những định hướng kịp thời. Các nhà đầu tư cũng nên có sự quan tâm đúng mức, đầu tư bài bản vào sản phẩm của mình, tuyệt đối tránh suy nghĩ “ăn xổi”.

Quản chặt sàn bất động sản điện tử ảnh 1

Giới thiệu các dự án bất động sản tại sàn giao dịch. Ảnh: SONG ANH

Cần quản lý chặt sàn giao dịch bất động sản điện tử

Dù mang lại sự thuận tiện, chuyên nghiệp nhưng việc giao dịch bất động sản trực tuyến cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an ninh mạng, an toàn thông tin. Khách hàng có thể bị đánh cắp dữ liệu về sở hữu bất động sản khi giao dịch trên các nền tảng số, kéo theo đó là tình trạng mua bán dữ liệu trái phép.

Một số doanh nghiệp tự đầu tư nguồn lực để số hóa dữ liệu mà không có sự quản lý của Nhà nước. Sau đó họ lưu trữ như một loại tài sản tư nhân và công bố thông tin để dẫn dắt sai lệch, nhằm đẩy giá, lôi kéo mua hàng hoặc thao túng thị trường. Đã có một số trường hợp doanh nghiệp mua bán trao tay dữ liệu của người dùng, khách hàng. Thông tin thường bị thu thập và mua bán là họ tên và số điện thoại. Với một số ngành đặc thù còn có thể thêm một số thông tin chi tiết hơn. Từ đó, họ có thể nghiên cứu hành vi người tiêu dùng phục vụ mục đích quảng cáo. Do vậy, cần có sự quản lý chặt chẽ đối với hoạt động của sàn giao dịch bất động sản điện tử.

Tại cuộc họp bàn về dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, về mô hình tổ chức, hoạt động của sàn giao dịch bất động sản, dự thảo Nghị định thiết kế theo hướng khuyến khích giao dịch bất động sản qua sàn theo hình thức trực tiếp hoặc giao dịch điện tử.

Dự thảo Nghị định cũng quy định các điều kiện pháp lý để các sản phẩm được đưa lên sàn giao dịch bất động sản; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của sàn; các chế tài đình chỉ, chấm dứt hoạt động…

Đặc biệt đối với việc xây dựng và quản lý hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản, cần có sự đóng góp của rất nhiều bên. Các tổ chức, cá nhân tham gia bao gồm: Tổng cục Thống kê; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Bộ Tài chính; Tổng cục Thuế và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; tổ chức kinh doanh dịch vụ bất động sản... Như vậy, các sàn giao dịch bất động sản điện tử vô hình trung được coi là một kênh thu thập dữ liệu cho hệ thống quản lý của nhà nước.

Phát biểu ý kiến chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông quy định chặt chẽ đối với hoạt động của sàn giao dịch bất động sản điện tử, phải bảo đảm an ninh, an toàn thông tin và quy định rõ trách nhiệm của đơn vị vận hành.

Đây là vấn đề thật sự nhức nhối hiện nay nhưng vẫn chưa có hướng giải quyết dứt điểm. Không chỉ riêng đối với thị trường bất động sản mà còn đối với hầu hết các lĩnh vực khách. Việc mua bán, trao đổi dữ liệu khách hàng hầu như diễn ra công khai trên không gian mạng. Các thông tin này đang bị các bên thứ ba khai thác lợi dụng triệt để. Thậm chí một số trường hợp thông tin khách hàng còn bị sử dụng để lên những kịch bản lừa đảo tinh vi…