SCB và bài học trị giá chục tỷ USD

Trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các đơn vị, tổ chức liên quan, cáo trạng về tội danh của Trương Mỹ Lan và 85 đồng phạm đã được Viện Kiểm sát nhân dân tối cao công bố. Sẽ có mức án thích đáng với các bị can. Tuy nhiên, dưới góc nhìn kinh tế - tài chính, có lẽ đây là vụ án gây thiệt hại về kinh tế đặc biệt lớn, gây xói mòn nghiêm trọng lòng tin của thị trường vào các định chế, sản phẩm tài chính.
0:00 / 0:00
0:00
Giao dịch tại ngân hàng SCB. Ảnh: NGUYỆT ANH
Giao dịch tại ngân hàng SCB. Ảnh: NGUYỆT ANH

Hệ lụy về phương diện quản trị tài chính

Tính toán ban đầu cho thấy thiệt hại, thất thoát về kinh tế trong vụ án này là hơn 15 tỷ USD. Đây cũng là vụ đại án lớn nhất sau các vụ Nguyễn Văn Mười Hai, Epco - Minh Phụng, Ngân hàng Xây dựng của Phạm Công Danh. Vụ đại án có số tiền mua chuộc, hối lộ lớn nhất từ trước đến nay, 5,2 triệu USD cho một cá nhân và một số cán bộ của cơ quan nhà nước thẩm quyền.

Thiệt hại về kinh tế có thể đong đếm nhưng những hệ lụy để lại ở phương diện quản trị và phát triển kinh tế đất nước là không hề nhỏ:

Thứ nhất, sự xâm nhập mạnh mẽ của các cá nhân từ ngành bất động sản hoặc công nghiệp vào lĩnh vực ngân hàng đã biến các ngân hàng thương mại (NHTM), công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư trở thành tập đoàn tài chính - trở thành kênh huy động vốn bằng mọi thủ đoạn phục vụ riêng tập đoàn, hệ sinh thái doanh nghiệp của cá nhân. Kể cả lập công ty “ma” rút ruột NHTM mà thực chất tiền huy động từ dân và tổ chức trong nền kinh tế bất chấp các nguyên tắc hoạt động của NHTM theo như quy định pháp luật, bỏ qua các nguyên tắc về hiệu quả kinh tế và tính hoàn trả trong tín dụng NHTM.

Thứ hai, làm cho phân bổ nguồn lực tài chính trong nền kinh tế qua các trung gian tài chính (hay NHTM) bị méo mó, phục vụ cho riêng Tập đoàn Vạn Thịnh Phát làm mất đi cơ hội tiếp cận vốn của hàng vạn doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) khác vốn đã khó càng trở nên khó khăn hơn. Theo một khảo sát của VCCI, có hơn 55% số SME được điều tra không tiếp cận được tín dụng.

Thứ ba, những vi phạm của SCB rất nghiêm trọng, có tính hệ thống, che đậy khá bài bản bằng các thủ đoạn tinh vi, từ nhờ người đứng tên cổ phần nắm quyền chi phối, đến lập hồ sơ khống vay, rút tiền để thôn tính những khu đất vàng tại TP Hồ Chí Minh, những bất động sản ở nước ngoài; định giá cao tài sản thổi lên bong bóng bất động sản, làm méo mó sự phát triển thị trường này và mang đến nhiều bất ổn cho nền kinh tế. Các thủ đoạn này cũng có thể nhìn thấy qua vụ án FLC và Tân Hoàng Minh dưới sự tiếp tay của một số ông chủ định chế cho vay.

Thứ năm, làm băng hoại đạo đức kinh doanh trong giới làm nghề tài chính, dùng những thủ đoạn tinh vi hay mua chuộc trắng trợn, lấp liếm sai phạm, thuê người điều hành có trình độ, kiến thức về quản trị tài chính với mức lương rất cao (tới 500 triệu đồng/tháng) để điều khiển, thao túng.

5 bài học lớn

SCB trở thành vụ án lừa đảo, gây thất thoát số tiền rất lớn với hàng nghìn người bị hại. Ở đây, mô hình tập đoàn tài chính đã hình thành và bị làm méo mó, nhằm phục vụ lợi ích cho cá nhân. Nhưng, nghiêm túc nhìn vào những hệ lụy của nó với nền kinh tế, chúng tôi cho rằng cần rút ra những bài học lớn dưới đây.

Một là, ý tưởng tính toán cơ cấu sáp nhập ba NHTM cổ phần lúc đầu (gồm NHTM CP Sài Gòn (cũ), Việt Nam Tín Nghĩa và Đệ nhất) là phép cộng của NHTM nhỏ yếu kém, đã bị chi phối nắm giữ cổ phiếu của bà Trương Mỹ Lan mà chưa được phân tích, thẩm định kỹ. Theo đó, hơn 10 năm sau khi hợp nhất, SCB hoạt động càng kém hiệu quả, luôn đưa ra mức lãi suất huy động cao nhất thị trường để thu hút lượng vốn khủng, nhưng định chế giám sát từ xa, thanh tra tại chỗ bị che mờ hoặc cố tình bao che làm cho sai phạm chồng lên sai phạm.

Hai là, Việt Nam đang thiếu vắng khung khổ pháp lý và một cơ chế giám sát hợp nhất đủ mạnh để quản lý mô hình tập đoàn tài chính, nên lúng túng và có những lo ngại có thể lặp lại rủi ro dạng SCB. Thực tế, mô hình tập đoàn tài chính đã định hình rõ ở các NHTM nhà nước, các NHTM cổ phần tư nhân mà Tập đoàn Vạn Thịnh Phát là một trong số đó. SCB đứng đầu huy động vốn và dẫn dắt toàn hệ sinh thái của tập đoàn này. Với hơn 1 triệu tỷ đồng tài sản, gồm cả công ty chứng khoán, công ty đầu tư... nhưng việc giám sát tập đoàn này bị phân mảnh giữa các cơ quan quản lý nhà nước, dù có trao đổi theo định kỳ nhưng chưa có một khung khổ pháp luật giám sát hợp nhất đủ mạnh về tiêu chí vốn, quản trị, tiêu chuẩn nhân sự và phải tuân thủ nguyên tắc của thị trường là minh bạch theo các chuẩn mực của quốc tế.

Ba là, chế tài xử phạt chưa đủ mạnh, như xử lý hình sự, tịch thu tiền của những người đứng hộ tên trên cổ phiếu, nhất là việc mạnh tay thu hồi giấy phép, cho giải thể, phá sản ngay khi NHTM cổ phần yếu kém còn ở quy mô nhỏ, ít tác động đến hệ thống tài chính. Nếu Nhà nước cứ hỗ trợ cứu NHTM CP yếu kém, vô hình trung tạo sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp, càng làm cho các cá nhân lợi dụng để trục lợi.

Bốn là, chuẩn mực đạo đức kinh doanh của những người làm nghề tài chính cần quy định cụ thể trong từng lĩnh vực cụ thể (ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm), nếu vi phạm nghiêm trọng dù chỉ một lần cần cấm hành nghề. Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã có quy định chuẩn mực đạo đức về nghề của ngân hàng, song mới chỉ là bước đi ban đầu khá sơ khai và chưa có chế tài mạnh mẽ. Trên thực tế, nhiều người mất tiền trong vụ trái phiếu riêng lẻ, biến tiền gửi thành bảo hiểm nhân thọ cho thấy sự tư vấn của cán bộ bán hàng từ phía định chế tài chính như ngân hàng, môi giới chứng khoán, bán bảo hiểm là chưa rõ ràng và minh bạch.

Năm là, người dân Việt Nam còn thiếu kiến thức về đầu tư tài chính, có tâm lý đám đông, ham lãi suất cao... nên dễ mắc bẫy lừa đảo tài chính. Bởi vậy, rất cần một chiến lược quốc gia về giáo dục tài chính toàn diện cho người dân, nhằm nâng cao sự hiểu biết cơ bản của người dân về tiền và tài chính.